Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nguyên tắc vàng và những điều cấm kỵ khi dùng lò vi sóng

Thành Công
Thành Công

Theo tư vấn của các nhà cung cấp, người dùng không đưa vào lò vi sóng các vật dụng bằng kim loại hoặc lẫn kim loại vì có thể gây nổ cháy; nên dùng đồ đựng thức ăn làm bằng thủy tinh, sứ, gốm...

Để đạt độ an toàn cao nhất, trước hết, khi chọn lò vi sóng người tiêu dùng nên chọn mua loại sản phẩm mới, của các thương hiệu uy tín, không ham rẻ mua lò đã qua sử dụng.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra các nút nhấn điều kiển (với loại điện tử) hoặc khóa vặn điều khiển (đối với loại cơ), đảm bảo còn hoạt động tốt. Đặc biệt, cánh cửa lò vi sóng phải kín, khít, chặt và có mặt kính chống nổ không có dấu hiệu bị rạn nứt.

lo-vi-song.jpg
Sử dụng lò vi sóng an toàn là điều người tiêu dùng cần biết (Ảnh minh họa: INT).

 

Khi lựa mua lò vi sóng, người tiêu dùng nên kiểm tra các nút nhấn điều kiển (với loại điện tử) hoặc khóa vặn điều khiển (đối với loại cơ),đảm bảo còn hoạt động tốt.

Về cách sử dụng: Trong quá trình hâm nóng thức ăn, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng một số đồ chứa thức ăn chuyên dùng riêng trong lò vi sóng như: Thủy tinh, đồ sứ, đồ gốm và một số sản phẩm chuyên dụng…

Khi nấu, nên đậy thực phẩm bằng giấy sáp, đĩa plastic để thức ăn không bị khô và chín đều. Sau khi tắt lò, món ăn vẫn tiếp tục được nấu chín cho tới khi nguội.

Một điều nữa mà người sử dụng cần lưu ý là, khối lượng thức ăn đưa vào lò vi sóng chỉ nên bằng 2/3 dung tích bên trong lò. Luôn đảm bảo có nước hoặc thực phẩm ướt khi dùng lò, để ống magnetron (là đèn điện tử hai điện cực trong đó dòng điện tử đến dương cực được kiểm soát bằng từ trường và điện từ trực giao nhau để tạo công suất điện cao tần),không bị hư hại.

Ngoài ra, khi có hiện tượng bất thường như có mùi khép cháy do thực phẩm hoặc do cháy điện phải nhanh chóng ngắt điện.

Để nấu ăn an toàn, cần lưu ý không nấu khi cửa lò không đóng kín hoặc bị vênh. Không hâm nóng hoặc nấu các đồ nấu bịt kín vì khi tăng nhiệt độ, áp suất cũng tăng cao sẽ gây nổ.

Tương tự, không hâm nóng hộp thực phẩm đậy kín vì áp suất cao làm nổ. Không chạy lò khi không có thực phẩm trong lò. Luôn luôn có nước hoặc thực phẩm ướt khi dùng lò để tránh cho ống magnetron của lò khỏi bị hư hỏng.

Khi nấu hay hâm món ăn quá khô, có thể để một ly nước trong lò. Nước có tác dụng hút năng lượng điện từ trường, tránh cho ống magnetron khỏi bị cháy. Không chiên rán ngập mỡ trong lò vì chất béo quá nóng gây cháy. Tránh đè lên cửa hoặc nhấc lò lên bằng cánh cửa lò.

Tuy nhiên, lò vi sóng cũng có vài điểm bất lợi như: không phải loại thực phẩm nào cũng nấu được bằng lò; sóng điện từ phân phối không đều, có chỗ nóng nhiều như ở chung quanh lò và chỗ ít nóng như ở giữa lò, vì vậy thực phẩm ở giữa lò chậm chín hơn ở chung quanh lò.

Để khắc phục thì khi nấu, bạn nên xếp thực phẩm theo vòng tròn, phần thực phẩm to, dày quay ra ngoài.

Cùng với các lưu ý trên, các nhà cung cấp cũng đưa ra một số lời khuyên mà người sử dụng lò vi sóng đặc biệt không nên làm. Theo đó, không đưa vào lò các vật dụng bằng kim loại hoặc lẫn kim loại để ngăn ngừa sự cháy nổ. Tuyệt đối không sử dụng hộp đựng thực phẩm làm bằng chất dẻo, bao xốp, bao giấy mầu, giấy báo, giấy báo ảnh… cho vào lò vi sóng để quay.

Nguyên nhân, khi cho những vật này vào gia nhiệt trong lò hơi độc nhiều chì hoặc hóa chất độc hại sẽ xâm nhập vào thức ăn, làm ảnh hưởng đến sử khỏe đến các thành viên trong gia đình.

Nên dùng đồ đựng đặc biệt cho lò vi sóng như dụng cụ bằng thủy tinh, đồ sứ, đồ gốm, một vài loại plastic, giấy cứng đều dùng được. Đĩa giấy, khăn giấy rất tốt trong việc nấu bằng lò vi sóng. Không bao giờ dùng đồ sứ có viền kim loại vì dễ gây ra tia điện; đồ kim loại hút giữ nhiệt, làm thực phẩm lâu chín và cũng gây ra tia điện.

Hình dạng nồi nấu nên dùng nồi hình tròn, món ăn chín đều, còn hình vuông thì ở góc chín nhiều hơn. Luôn luôn dùng đồ nấu to hơn món ăn để khỏi tràn ra ngoài. Không dùng các hộp xốp, bao giấy nâu vì hóa chất độc từ các thứ này khi nóng có thể khuếch tán vào thức ăn.

Cũng theo các nhà cung cấp, khi vận hành lò vi sóng người sử dụng tuyệt đối không đưa vào lò các đồ đựng thực phẩm dễ bị cháy khi gặp nhiệt độ cao (như gỗ, nylon, nhựa…). Không được đưa vào lo các hộp hoặc túi đựng thức ăn đang đậy buộc kín, nhằm mục đích để ngăn ngừa sự nổ vỡ.

Sau sử dụng vài năm, bạn cần kiểm tra lò một lần để xem có bị thất thoát sóng ra ngoài. Hàng ngày, mỗi khi dùng xong, cần lau chùi và giữ cửa lò sạch sẽ để cửa luôn luôn khép kín, tránh thất thoát sóng vi ba ra ngoài.