Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Những chân trời cuộn sóng

(Dân sinh) - Trước hết, phải nói rằng, tôi đã đắn đo để lựa chọn tên bài báo, và có lẽ đành lấy tên một tác phẩm báo chí của anh để đặt tên, bởi sức mạnh từ những tác phẩm của anh - những tuyệt phẩm báo chí chói sáng, làm nên tên tuổi nhà báo Hồ Quang Lợi, cây bình luận quốc tế số một Việt Nam. Mỗi bài báo của anh đều đem đến cho độc giả những lát cắt thế sự nóng bỏng, đem đến "những chân trời cuộn sóng" về thời cuộc, về thế sự.

Hơn 40 năm gắn bó liên tục với nghề báo, và cũng không cần đến khoảng thời gian dài như thế để những nhận định khắt khe nhất cũng phải thừa nhận, phong cách bình luận thời sự quốc tế của Hồ Quang Lợi như thép được "tôi" qua lửa, đanh thép về lập luận và mềm dẻo trong ngôn ngữ thể hiện.

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Những chân trời cuộn sóng - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam tại Hội báo Toàn Quốc

Luôn ở đầu nguồn sự kiện

Nói đến nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, là nói đến một tài năng báo chí. Điểm qua các chức vụ anh từng đảm nhận đã nói lên điều ấy: Đại tá, Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân (QĐND); Tổng Biên tập báo Hà Nội mới; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam,Tổng thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN...; Với nghề báo, anh đoạt tới 9 Giải Báo chí Quốc gia và Toàn quốc!...

Cùng hơn chục đầu sách thuộc thể luận do các Nhà xuất bản danh tiếng ấn hành từ 1997 tới nay, quá dư để khẳng định: Hồ Quang Lợi – Một cây bút bình luận quốc tế xuất sắc nhất của báo chí Việt Nam! Một nhà báo tài năng luôn ở đầu nguồn sự kiện và các vấn đề đại sự quốc gia, quốc tế!...

Những ngày tháng 6 đổ lửa này, trong thời gian ngắn gặp và trò chuyện cùng anh nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, cuộc nói chuyện liên tiếp bị ngắt quãng bởi hết cuộc gọi này sang cuộc gọi khác xin đặt lịch phỏng vấn anh.

Điềm tĩnh, hào hoa và bặt thiệp, anh đem đến cho người đối diện cảm giác dễ chịu và lịch lãm. Đặt câu hỏi với anh, nếu bảo rằng, anh không tham gia làng giải trí, tôi thấy lĩnh vực đó có thể đã để vuột mất một ngôi sao! Anh cười, "đấy là ý tưởng chưa bao giờ nghĩ đến", và cho rằng "cuộc sống đã lựa chọn tôi một cách ngẫu nhiên cả 2 nghề: Làm bộ đội và làm báo".

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Những chân trời cuộn sóng - Ảnh 2.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, cây bình luận quốc tế số một Việt Nam

Năm 1979, tốt nghiệp đại học khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài,  Trường Đại học Tổng hợp Bucharest (Rumani) về nước với tấm bằng xuất sắc, đúng lúc đang diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Bộ Quốc phòng khi đó đã động viên một số trí thức trẻ gia nhập quân đội. Vậy là anh trở thành "bộ đội" cầm bút.

Điều đó khiến gia đình anh trở thành một gia đình quân nhân( hai anh và em trai của anh đều là bộ đội, trong đó có hai người là liệt sĩ). Đó là chưa kể, sau này anh lại có thêm cả "vợ bộ đội" (cười), sau này con trai cũng là sĩ quan quân đội nữa.

Vậy là chàng thiếu uý 24 tuổi khi ấy trở thành phóng viên báo Quân đội nhân dân thường trú tại mặt trận biên giới Lạng Sơn. Hành trang đem theo là bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, khẩu súng K59, máy ảnh, quyển số, cây bút và cuốn giáo trình báo chí.

Lên biên giới, giữa mặt trận, có chút thời gian nào yên ắng, anh lại lôi giáo trình báo chí ra đọc, vì chưa được một ngày nào học nghề báo. Mỗi bài báo ra đời, anh lại tìm cách gửi hoả tốc, lúc thì theo đường quân bưu, lúc thì may mắn có người về Thủ đô công tác thì gửi theo xe… Cứ thế, những bài báo mặt trận được chuyển về tòa soạn.

Đó là thời gian Hồ Quang Lợi vừa làm phóng viên vừa trực tiếp học nghề ngay trong thực tiễn.

"Không biết từng bài báo ra thế nào, cũng không có gì để đo lường độ nóng bỏng của mỗi bài báo, cho mãi sau này hết chiến dịch trở về, mới được tòa soạn nhận xét đó là những bài báo chân thật, phản ánh đúng hơi thở cuộc sống nơi biên giới … Tôi nhớ mãi những bài báo như: "Chuyện ở đại đội phía trước", "Vệt mờ trên cò súng"...

"Và đó là những dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời làm báo của tôi", anh chia sẻ.

Nhà báo Hồ Quang Lợi ký tặng độc giả một trong 9 cuốn sách tập hợp các bài báo trong sự nghiệp cầm bút của anh, và cùng các nhà báo tại Hội báo Xuân toàn quốc.

Day dứt khôn nguôi những vấn đề hậu chiến

Chiến sự tạm lắng, nhà báo Hồ Quang Lợi trở về toà soạn và được giao nhiệm vụ biên tập viên, bình luận viên của báo Quân đội nhân dân, sớm có nhiều bài viết cuốn hút, được dư luận quan tâm.

Là cây bút bình luận quốc tế, nhưng anh vẫn quan tâm tới các đề tài thời hậu chiến. Năm 2003, anh cùng nhà báo Lê Liên có loạt bài đề nghị Nhà nước công nhận liệt sĩ cho 32 công nhân mỏ đá Hoàng Mai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Loạt bài đó gây xúc động sâu rộng trong công chúng, thể hiện trách nhiệm của Báo Quân đội nhân dân với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy là sau 36 năm, từ loạt bài đó của anh và đồng nghiệp, 32 công nhân đã được công nhận là liệt sĩ.

Không dừng lại ở đấy, nhà báo Hồ Quang Lợi còn nhiều bài về đề tài hậu chiến rất có "lửa" khác. Anh còn có kỷ niệm không thể quên khi về thăm làng Lam Hạ (Hà Nam), cùng nhà báo Huy Thiêm viết bài về 10 cô gái Lam Hạ hy sinh trên mâm pháo "Lam Hạ thời tóc xanh, máu đỏ", mở đầu cho chuyên trang "Đất nước-Con người-Cuộc sống" trên Báo QĐND. Câu chuyện gây xúc động sâu sắc trong xã hội. Từ đó, nhiều chương trình truyền hình, hoạt động xã hội tri ân được tổ chức, và gần đây đã xây dựng Tượng đài 10 cô gái Lam Hạ tại trận địa năm xưa…

"Tôi nghĩ đó là niềm vui đặc biệt trong nghề báo", anh chia sẻ.

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Những chân trời cuộn sóng - Ảnh 4.

Nhà báo Hồ Quang Lợi và người mẹ yêu quý Hồ Thị Niềm

Để có những trang viết về những người thật, việc thật, tạo được rung động trong độc giả, để ghi danh cho những người đã nằm lại nơi chiến trường, ít ai biết, anh và gia đình có một nỗi đau, đó là em trai anh - liệt sĩ Hồ Quang Lộc đã anh dũng hi sinh ở chiến trường Biên giới Tây – Nam năm 1978.

Một năm sau ngày em trai hy sinh, anh mới tốt nghiệp về nước, vừa bước chân vào nhà, chết lặng nhìn di ảnh của em trên bàn thờ, đất dưới chân anh như sụt xuống. Anh đau đớn nhớ tới đứa em mà trong cảnh nghèo khó xa xưa, anh còn giành nhau với đứa em bé bỏng mẩu khoai, củ sắn mà không biết nhường nhịn cho em. Nay em đã dâng hiến tuổi xanh, mãi mãi nằm lại nơi biên cương Tổ quốc. Với anh, đấy mãi là day dứt khôn nguôi…

16 năm sau, bài báo " Mây trắng Đồi 82" kể lại chuyện anh đi tìm mộ em trai vào năm 1994 ngay sau chuyến đi Trường Sa về đã làm xúc động bao người. Với bút pháp ký sự, bài báo đã vượt lên khuôn khổ kể về hành trình đi tìm mộ em trai, mà trở thành bài ca dâng tặng những người lính trẻ đã ngã xuống khi tuổi còn xanh. Các anh đã hi sinh cho Tổ quốc quyết sinh, mãi viết lên hình ảnh đẹp nhất về thời đại đẹp nhất: Thời đại Hồ Chí Minh!

Có thời điểm, hơn 20 tờ báo "đặt hàng"

Nói về Hồ Quang Lợi, dấu ấn đậm nét nhất của anh chính là hình ảnh nhà báo bình luận quốc tế số 1 Việt Nam. Còn nhớ, khi vừa là sinh viên ra trường, tôi là phóng viên báo Nhà báo và Công luận, trang Quốc tế khi đó đặt bài của anh. Mỗi lần báo ra, việc đầu tiên là tôi cắm đầu đọc ngay bài bình luận quốc tế đó một cách mê mải. Không thể nhớ hết, nhớ rõ đã đọc những gì, nhưng tất cả những gì đọng lại là văn phong và cách diễn đạt sâu sắc, uyển chuyển đầy tính thời sự nóng bỏng, và để lại trong tôi dấu ấn mang tên: Hồ Quang Lợi!

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Những chân trời cuộn sóng - Ảnh 5.

Nhà báo Hồ Quang Lợi (bên trái) lúc là sinh viên Đại học Tổng hợp Bucharest ( Rumani).

Có thể nói, thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 sang thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, trong khoảng gần 20 năm, đấy là thời kỳ "hoàng kim" của cây bút bình luận quốc tế Hồ Quang Lợi. Anh là tên tuổi lớn làng báo thời điểm đó, mỗi bài báo của anh về các sự kiện lớn như: sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1991, 2003), cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á, Chiến tranh Nam Tư - cuộc chiến tranh cuối cùng trong thế kỷ 20, sự kiện 11-9, chiến tranh Afghanistan – cuộc chiến tranh đầu tiên trong thế kỷ 21…,  là những tác phẩm "nặng ký", đem đến cái nhìn, dự báo và bình luận sắc sảo về thế cuộc.

Trong vòng 40 năm qua, nhiều biến động dữ dội và bất ngờ diễn ra trong đời sống quốc tế, tác động sâu sắc đến tất cả các nước, trong đó có Việt Nam - quốc gia nằm ở một trong những vùng xung yếu nhất của thế giới hiện đại. Các trục quan hệ, các tầng lợi ích đan cài vào nhau hết sức phức tạp và nhạy cảm, làm cho việc bình luận, phân tích thế sự trở thành một thách thức lớn đối với các nhà bình luận thời cuộc.

Trong bối cảnh đó, các bài viết của anh về các vấn đề, sự kiện đối ngoại của Việt Nam như: Mỹ bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, Việt Nam gia nhập ASEAN, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới ( WTO), các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo…luôn được chờ đợi và tin cậy.

Chả thế mà, giai đoạn này, có những thời điểm, một tháng anh nhận được "đặt hàng" của khoảng 20 tờ báo. Đó là những năm tháng thuộc về "thời đại" của báo giấy, các sạp báo tưng bừng khoe sắc, độc giả lựa chọn để mua một tờ về đọc, nhiều khi chỉ vì trang Quốc tế có tên tác giả Hồ Quang Lợi.

Tên tuổi anh như một "bảo chứng" góp phần cho "tia ra" của báo được đảm bảo. Hàng loạt bài báo bình luận quốc tế của anh "phủ sóng" trên hàng chục tờ báo lớn, nhỏ và luôn là các tác phẩm cuốn hút: Cải tổ - vùng mắt bão, Thế giới- cuộc kiến trúc lại đầy ẩn số, Điểm nút thời đại nhạy cảm, Cuộc trường chinh tới các giá trị lớn, Cổng lửa 2001, Nước Nga xác quyết tương lai, Chiều kích cuộc biến động mới…

Nhà thơ Hữu Thỉnh chúc mừng nhà báo Hồ Quang Lợi được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 2020; và cùng nhà báo lão thành Phan Quang.

Nhận định về phong cách viết của anh đối với một thể loại khó, kén người viết, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, không dễ "chinh phục, nhiều tác giả tên tuổi đã nhận xét: "Nhiều bài báo của Hồ Quang Lợi không chỉ giàu thông tin, nhận định, ý tưởng, mà còn là những bài văn đầy mỹ cảm. Cây bút trong tay anh vùng vẫy xuôi ngược, dọc ngang, dạt dào sức sống", Giáo sư Vũ Khiêu.

Hay nhà thơ Bằng Việt thì chia sẻ: "Đọc các bài báo của Hồ Quang Lợi cho ta một cảm giác đầy đặn về dung lượng các sự kiện, về sức đi và sức nghĩ của tác giả, cũng như mọi đổi thay tưởng chừng choáng ngợp trong hai thập kỷ vừa qua của thế giới…".

Tiến sỹ Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá viết: "Rất nhiều bài viết của anh bây giờ đọc lại, tôi có cảm nhận đó là sự thăng hoa cả về tư duy và ngôn từ. Những câu chữ của anh cứ như những cánh buồm no gió lướt trên mặt sóng".

Có thể nói, báo Quân đội nhân dân, nơi đã tạo dựng cho làng báo chí nước nhà một cây bút chính luận sắc sảo, liên tiếp nhiều năm liền Hồ Quang Lợi là cây bút "cầm đinh" trên chuyên mục bình luận của Báo. Gần suốt 30 năm ấy, vinh quang trong nghề, những buồn vui thường nhật đã trở thành máu thịt trong anh.

"Nói một cách chính xác, quân đội đã phân công cho tôi nhiệm vụ làm báo, nhưng nhìn rộng hơn, thì chính cuộc đời đã chọn tôi cho nghề này. Đó là điều may mắn lớn của đời tôi", nhà báo Hồ Quang Lợi cho hay.

Tình yêu với nghề là mạch sống, nhịp đập không bao giờ dừng lại…

Đầu năm 2008, cơ duyên sắp đặt cho nhà báo Hồ Quang Lợi một lối rẽ. Anh rời báo Quân đội nhân dân về làm Tổng biên tập báo Hà Nội mới. Anh nhớ như in, anh có 2 năm 3 tháng 1 ngày trên cương vị này, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội. Thách thức đang mở ra trước mắt anh, khi vốn đã quen với phong cách làm việc khá "điều lệnh" ở báo Quân đội nhân dân lại phải chuyển sang một môi trường báo chí mới. Tuy nhiên, như anh đã tâm sự, sự khác biệt đó là không lớn và anh có thể dung hòa được.

Hơn chục đầu sách tập hợp các bài báo của anh trogn suốt cuộc đời làm báo do các Nhà xuất bản danh tiếng ấn hành từ 1997 tới nay

Đội ngũ làm báo Hà Nội Mới vẫn còn nhớ hình ảnh một Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi không chỉ là người giao việc, mà "lăn" vào làm cùng với anh em. Thậm chí đề tài khó thì anh trực tiếp viết luôn, vì thế, anh trở thành người truyền lửa cho cả cơ quan. Ví như loạt bài đấu tranh phê phán những việc làm sai trái liên quan đến những vụ đòi đất có nguồn gốc tôn giáo ở 142 Nhà Chung, Thái Hà, Núi Chẽ…, anh cùng một phóng viên của báo tham gia viết và loạt bài đó đã đoạt Giải báo chí quốc gia.

Mới làm Tổng Biên tập Hà Nội Mới được hơn hai năm, anh được chuyển sang làm Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Vị trí đó thường phải là Uỷ viên Thường  vụ Thành ủy, trong khi anh còn chưa là thành ủy viên. Gần 6 năm làm Trưởng Ban Tuyên giáo nhưng không có ngày nào anh rời dòng chảy báo chí. Trước các sự kiện lớn, nhà báo Hồ Quang Lợi lại cho ra đời các bài bình luận có tầm vóc như: Những chân trời bị đốt nóng, Thông điệp lớn trên quảng trường Đỏ, Những kích ứng đổi thay thế giới…

Anh cũng thấy hạnh phúc và may mắn vì đây là quãng thời gian diễn ra đại lễ Nghìn năm Thăng Long, anh được giao Trưởng tiểu ban Tuyên truyền- Quảng bá, -Giáo dục của Đại lễ, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học Tủ sách Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Những công việc này đã cho anh nhiều chất liệu, tư liệu quý giá về Hà Nội, để anh ra mắt cuốn sách "Hà Nội, cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại" xuất bản năm 2014.

Đến năm 2015, tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, anh được bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Anh chia sẻ: "Với tôi, nghề báo dường như đã là mạch sống, là nhịp đập không bao giờ dừng lại…"

Đi học để không chỉ được… ăn no

Giáo sư Vũ Khiêu từng viết : "Hồ Quang Lợi nổi tiếng là một cây bút chính luận cao nghề và tài năng… Có thể coi anh là một nhà văn có tài, bởi những bài báo của anh không chỉ mang tính nhân văn mà còn mang tính thẩm mỹ". Hỏi anh vì sao mỗi bài báo của anh lại "đầy lửa" được như vậy, mỗi bài báo đầy ắp thông tin nhưng vẫn giàu chất văn học, hấp dẫn kỳ lạ như vậy, anh nói: " Có lẽ vì tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở Làng Văn hoá Quỳnh Đôi với truyền thống hiếu học và khoa cử với nhiều văn nhân nổi tiếng, bản thân lại được học văn từ nhỏ ".

Anh kể, năm 14 tuổi, cậu em trai kém hơn anh 2 tuổi sau này hi sinh, chạy băng qua những cánh đồng về nhà báo anh trai "Thôi rồi Lợi ơi, mi đi học rồi, chết tau", vì nếu anh đi học xa nhà, mọi gánh nặng sẽ đổ lên vai cậu bé.

Trong ký ức của anh vẫn vẹn nguyên những hình ảnh tuổi thơ lam lũ ấy. Trên tay cậu em là tờ giấy của Ty giáo dục Nghệ báo anh được tuyển chọn vào lớp Chuyên văn (sau này là trường chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An). Đỗ vào trường này thì được Nhà nước nuôi, bởi thế niềm vui sướng lóe lên trong đầu cậu bé 14 tuổi Hồ Quang Lợi khi ấy chỉ là "đi học ở đó, mình sẽ được ăn no", vì ở nhà đói lắm. Lúc nào cũng đói…

Đó là những năm tháng chiến tranh đói khổ, bố mất sớm khi anh mới 8 tuổi. Giông tố như ập lên căn nhà khi 6 anh chị em còn quá bé, anh cả mới 16 tuổi và bé út vừa 3 tháng tuổi, mẹ anh còn phải nuôi thêm bà ngoại và cô ruột ngoài 80 tuổi. Gánh nặng áo cơm của cả "đoàn tàu" ấy đè nặng hết lên vai mẹ anh. Không ai hình dung được, cậu bé Hồ Quang Lợi sớm trở thành lao động chính trong nhà đỡ đần mẹ và chị, nuôi các em.

Anh trai đi bộ đôi, cậu bé non nớt 8 tuổi ấy mà các công việc nhà nông đều cáng đáng, và là thành viên nhỏ nhất trong tổ cày ở quê. "Bây giờ cả tổ cày năm xưa chỉ còn duy nhất một cụ còn sống, đã 95 tuổi". Cảnh đói nghèo không lúc nào dứt với mẹ anh cùng bầy con lít nhít cùng bà ngoại và bà cô ngoài 80 tuổi.

Nhưng người mẹ trẻ ấy không vì con là sức lao động chính trong nhà, vui lòng để cho anh đi học xa, mong con có ngày mai tươi sáng. Ngày tiễn anh đi học lớp chuyên Văn cách nhà 60 cây số, tờ mờ sáng, bà tiễn anh đi hết đường làng. Anh nhớ mãi bóng mẹ đứng tiễn anh trong sương sớm, đi hút tầm mắt, quay lại, anh vẫn còn thấy mẹ đứng đó dõi theo bóng con.

"Con đi cố học cho giỏi nhé…", hình ảnh mẹ đứng tiễn anh, và câu nói nghẹn ngào đó mãi mãi ở trong lòng anh… Khi đó, anh bắt đầu hiểu được mình đi học lớp năng khiếu không chỉ để được ăn no, mà còn phải học giỏi, để thoát khổ, để giúp mẹ giúp các em thơ ở nhà…

Ký ức tuổi thơ đó, mãi sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, được hỏi, khi nào là chính bản thân anh nhất? Trong sâu thẳm trái tim mình, anh chân thành bộc bạch: "Hình dung về tôi rõ nhất là trong công việc. Và cả đôi khi bất chợt nhớ về chính mình khi còn là một cậu bé trong một ngày gió rét, chân vẫn lội ruộng cày sâu… như cảm thấy giá buốt còn đọng lại trên làn da tím lạnh…"

Những lúc ấy, với anh, bài viết có cảm xúc hơn, hơi thở cuộc sống nhiều hơn. "Trước đây, thời gian làm việc của tôi hầu như dành toàn bộ cho viết báo. Sau này, làm quản lý, họp hành nhiều, có những lúc tôi thèm được trở về với cây bút. Nên dù có làm công việc quản lý, tôi vẫn say nghề, còn lửa nghề và muốn viết. Ban ngày bận, thì tôi viết về đêm. Không ít lần, tòa soạn ngạc nhiên khi thấy tôi gửi bài tầm 2-3h sáng, thậm chí 4h sáng. Việc nuôi dưỡng lửa nghề không dễ, nhiều lúc mệt mỏi, nhưng tôi nghĩ là nhà báo thì phải cầm bút, nên lại miệt mài viết. Và niềm vui cầm bút lại cho mình năng lượng, cứ như thế, mỗi ngày..."

Nắm giữ 9 giải báo chí Quốc gia, Toàn quốc

Nói về giải báo chí Quốc gia, toàn quốc thì nhà báo Hồ Quang Lợi đang nắm giữ "tài sản" đến 9 lần đoạt giải. Năm 1991, anh vinh dự là người đầu tiên đoạt giải duy nhất ở loại hình báo in dành cho loạt 14 bài bình luận về Chiến tranh vùng Vịnh nổi tiếng thời điểm đó. Năm ấy nhà báo Hồ Quang Lợi 35 tuổi, bình luận viên quốc tế của báo Quân đội nhân dân. Loạt bài nổi tiếng này về sau được đưa vào giáo trình Học viện báo chí.

Và sau 15 năm, từ "Giải Báo chí Toàn quốc" được nâng lên thành "Giải báo chí Quốc gia", anh lại cũng là một trong những người đầu tiên đoạt giải A. Một kỷ niệm thú vị, năm 2005 khi anh nhận giải A thì con trai anh là Hồ Quang Phương nhận giải B. Chưa hết, 4 năm liên tiếp, từ năm 2003 - 2006 anh đều đoạt giải A. Đến năm 2009, là lần thứ 9 anh đoạt giải thưởng cao quý này khi đang làm Tổng Biên tập báo Hà Nội mới.

Từ đây, anh quyết định không tham gia giải với tư cách tác giả nữa, nên từ năm 2009 đến nay, đã 12 năm, nhà báo Hồ Quang Lợi chỉ còn tham gia chấm giải. Hiện nay anh vừa là Phó Chủ tịch thường trực của Hội đồng chung khảo, vừa là Phó Chủ tịch Hội đồng thường trực của Hội đồng Giải báo chí Quốc gia.