Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhà khoa học nữ đưa ứng dụng nano bạc vào thực tiễn


“Bạc là một nguyên tố có hoạt tính kháng khuẩn tự nhiên mạnh nhất được tìm thấy trên trái đất. Dưới dạng nano, hoạt tính này còn tăng lên gấp bội. Vì vậy, cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ nano, các nhà khoa học đã sớm tìm đến hướng nghiên cứu chế tạo nano bạc phục vụ cho mục đích khử trùng. Nano bạc đang trở thành vật liệu được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học, sản xuất và đời sống như: y học, nông nghiệp, công nghiệp, mỹ phẩm, đồ gia dụng...” -  TS. Trần Thị Ngọc Dung.
 
TS. Trần Thị Ngọc Dung được vinh danh qua những thành công trong nghiên cứu mang tính ứng dụng lớn về vật liệu nano trong chế tạo băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành; Băng bỉm vệ sinh cho trẻ em, người lớn, người già; Khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường; Nước súc miệng; Bộ dụng cụ lọc nước dùng cho người dân vùng lũ; Dung dịch vệ sinh phụ nữ… Tất cả đều nhằm mang lại lợi ích cho người dân với chi phí rẻ nhất và hiệu quả cao nhất. 
 

TS. Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ Thân Môi trường (Viện Công nghệ Môi trường -
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
 
Cứu tinh cho vết thương khó lành
 
Xin chào TS. Trần Thị Ngọc Dung! Chị được mệnh danh là tiến sĩ nano bạc, với 23 năm nghiên cứu tìm ra nhiều ứng dụng hữu ích liên quan tới nano bạc. Xuất phát từ câu chuyện nào đã thúc đẩy chị sáng tạo trong lĩnh vực này?
 
Tất cả những nghiên cứu của tôi từ năm 2006 đều gắn với thực tiễn từ những câu chuyện ám ảnh. Khi một người bạn là bác sĩ kể về một bệnh nhi bị dị tật tim bẩm sinh. Khi đó, dù gia đình họ rất khó khăn, nhưng đã cố gắng cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện để thực hiện ca phẫu thuật. Ca phẫu thuật rất thành công, nhưng bệnh nhi sau đó vẫn không cứu được do bị nhiễm khuẩn vết mổ. Câu chuyện này khiến chúng tôi trăn trở và quyết định bắt tay vào nghiên cứu băng gạc điều trị vết thương. Sau quá trình thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy, băng gạc nano bạc rất thích hợp điều trị các vết loét khó lành và xử lý được các loại vi khuẩn kháng kháng sinh, giúp cho vết thương mau lành. Thời gian điều trị được rút ngắn từ 50 - 10% so với điều trị bằng phương pháp thông thường, bệnh nhân sớm ra viện, giảm chi phí điều trị.
 
Bên cạnh đó, băng gạc nano bạc có thể điều trị hiệu quả các vết thương bỏng độ I, II, III nông và các vết loét hoại tử lâu ngày. Nghiên cứu này đã được Hội đồng Khoa học của Viện Công nghệ Môi trường đánh giá xuất sắc. Quy trình chế tạo băng gạc nano bạc không đòi hỏi đầu tư thiết bị đắt tiền, chất lượng lại cao nhưng giá thành lại rẻ hơn của nước ngoài từ 8-30 lần. Điều này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội lớn, mà quan trọng là cho phép bệnh nhân nghèo được quyền tiếp cận. 
 

TS. Trần Thị Ngọc Dung (người thứ hai từ trái sang) được trao Giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc 2017 “L’Oreal -
UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học”.
 
Đưa sản phẩm đến gần hơn với cuộc sống
 
Dụng cụ lọc nước sạch cho bà con vùng lũ đã được tìm ra trong hoàn cảnh nào? Và sắp tới chị sẽ nghiên cứu vào lĩnh vực gì?
 
Các nghiên cứu khác của chúng tôi đều xuất phát từ những vấn đề thực tế. Trong một lần xem phóng sự trên tivi, tôi thấy bà con lũ lụt rất khó khăn để có nguồn nước sạch. Chúng tôi đặt ra mục tiêu nghiên cứu, chế tạo dụng cụ lọc nước nano bạc không cần sử dụng điện, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con vùng lũ. Nghiên cứu này của chúng tôi đã được cấp bằng sáng chế xuất sắc.
 
Gần đây, tôi và các đồng nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp, như công đoạn bảo quản sau thu hoạch, xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi…
 
Phụ nữ làm khoa học thường phải vượt qua rất nhiều khó khăn, để đi đến thành công hôm nay, hẳn là chị từng gặp thất bại, có khi nào chị nản lòng không? 
 
Nghiên cứu chế tạo nano bạc cho mục đích khử trùng được Viện Công nghệ Môi trường đặt ra khá sớm. Nhưng do nano bạc còn rất mới ở Việt Nam, nên việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu các thiết bị chuyên dụng, rồi làm sao để các bệnh viện phối hợp trong đánh giá chất lượng và thử nghiệm lâm sàng. Nhưng với quyết tâm và niềm say mê mãnh liệt, chúng tôi đã vượt qua những thách thức không hề nhỏ trên con đường khoa học của mình. 
 
Tôi rất yêu công việc nghiên cứu này, được nhận giải, tôi tự nhủ mình phải nỗ lực hơn nữa để không phụ sự tín nhiệm của Hội đồng các giáo sư, các đồng nghiệp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đúng là phụ nữ làm công tác nghiên cứu có những khó khăn riêng của mình, vượt qua được cũng nhờ có sự hỗ trợ của gia đình. Tôi chúc những người nghiên cứu hãy vững bước hướng đến tương lai và những thành công sẽ đón chào các bạn.

Xin cảm ơn TS, chúc chị tìm ra nhiều ứng dụng hữu ích hơn nữa.
 
 

Việt Cường/GĐTE