Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: 104 tuổi vẫn miệt mài viết sách

LĐXH
LĐXH

Ở tuổi 104, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vừa ra mắt cuốn tự truyện “Đi qua trăm năm”.

Với trên 80 năm lao động sáng tạo, cụ đã cho ra đời gần 60 công trình nghiên cứu giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền và dự định viết thêm 10 bộ sách khảo cứu lịch sử, văn hóa…

Cụ chính là tấm gương sáng cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần học tập và cống hiến trọn đời.

ảnh 2 - cụ NDT ok.jpg
Cụ Tư được trao Bằng kỷ lục Việt Nam nhờ những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp phát triển văn hóa, lịch sử,  địa chí của nước nhà. (Ảnh: Đức Dương)

Say mê lịch sử từ nhỏ

Sinh năm Canh Thân 1920 tại huyện Thanh Chương (Nghệ An), cụ Nguyễn Đình Tư trải qua tuổi thơ gian khó nhưng luôn chăm chỉ học hành.

Tiết lộ về con đường đến với nghiên cứu lịch sử, cụ kể: “Tôi mê môn lịch sử nên gặp được cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim ở đâu là đọc ngấu nghiến và mơ ước sau này làm được như vậy.

Tác phẩm đầu tay năm 23 tuổi tôi viết là sách dành cho thiếu nhi có tựa Nguyễn Xí, một danh tướng khai quốc công thần của Lê Lợi, cũng là ông tổ họ Nguyễn Đình của tôi.

Hồi đó, dù không tin tưởng vào sức viết lắm nhưng tôi vẫn liều gửi cho nhà xuất bản lớn nhất Việt Nam lúc đó là Tân Dân ở Hà Nội. Chỉ 1 tháng sau, ra thăm các tiệm sách ở Vinh (Nghệ An), thấy sách mình bán la liệt thì mừng không sao tả xiết”.

“Vạn sự khởi đầu nan” có vẻ… xuôi chèo, thanh niên Nguyễn Đình Tư sung sức đầu tư công sức cho cuốn “Thù chồng nợ nước” (2 tập), nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; rồi truyện “Dì ghẻ con chồng” và “Nguồn sống”. Thừa thắng xông lên, ông viết tiếp truyện cổ tích “Vàng trong miệng đá”, được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Sau cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Tư cùng gia đình vào Nam Trung bộ lập nghiệp, làm tại Ty Điền địa Phú Yên. Trong thời gian này, cụ biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị về lịch sử, địa chí dưới nhan đề “Giang sơn Việt Nam” và đã xuất bản được 3 tập: “Non nước Phú Yên”, “Non nước Khánh Hòa” và “Non nước Ninh Thuận”.

Đất nước thống nhất năm 1975, gia đình cụ chuyển vào TPHCM sinh sống, cũng là lúc cụ đến tuổi nghỉ hưu. Do kinh tế gia đình eo hẹp, lúc này cụ mang đồ nghề ra đầu hẻm sửa xe đạp thuê.

“Những lúc không có khách, thấy thời gian trôi qua uổng quá, tôi mới nảy ý định viết một cái gì đó. Tôi mở những cuốn sổ ghi chép từ xưa, lần giở những tư liệu sử đã đọc và học thời phổ thông rồi xây dựng một khung sườn của bộ truyện”, cụ nhớ lại.

Đó cũng là cơ duyên ra đời bộ tiểu thuyết lịch sử “Loạn 12 sứ quân”. Bộ truyện được Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành lần đầu vào năm 1990 và 30 năm sau được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ hiệu đính, chỉnh sửa hoàn thiện rồi tái bản. 

Theo cụ Tư, sở dĩ cụ yêu quý các giá trị xưa cũ bởi bản thân rất yêu lịch sử dân tộc và say mê môn lịch sử. Bất cứ hoàn cảnh nào, hễ rảnh rỗi là cụ tìm đến sách sử để đọc, thói quen duy trì từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường đến tận bây giờ.

Nhà nghiên cứu 104 tuổi cũng mong truyền nguồn cảm hứng say mê lịch sử dân tộc với thế hệ trẻ. Theo cụ, trẻ nhỏ nên tìm đến các câu chuyện lịch sử đơn giản hay cuộc đời các danh nhân như: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh… để nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.

Đến tuổi 65, cụ Tư không làm nghề sửa xe đạp nữa. Lúc bấy giờ, TPHCM thực hiện việc đổi tên đường. Thấy có nhiều tên đường mới xa lạ với người dân và chính bản thân người làm khảo cứu, nghiên cứu lịch sử như mình, cụ bắt tay vào tìm hiểu.

Rong ruổi khắp các tuyến phố đến các trung tâm lưu trữ, bảo tàng suốt 10 năm, cụ hoàn thành cuốn sách “Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh”. Những tên đường trong sách được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, tiện lợi cho việc tra cứu.

Mỗi con đường được liệt kê có đầy đủ thông tin về lịch sử hình thành, tên đường qua các thời kỳ, nguồn gốc, tiểu sử của những danh nhân có tên được đặt cho tên đường.

Cũng nhờ vậy, năm 1996, cụ Tư được TPHCM mời làm Ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường thành phố và là người đề xuất đặt tên hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa.

ảnh 4 - CỤ NDT.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cùng những cuốn sách đã xuất bản. (Ảnh: Đức Dương)

Đạt kỷ lục và giải thưởng sách khi đã ở tuổi “bách niên giai lão”

Bước sang tuổi 90, cụ Nguyễn Đình Tư  tiếp tục xuất bản nhiều tác phẩm biên khảo đồ sộ hơn, như: “Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” viết trong 20 năm, “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ” (tác phẩm mang về cho cụ, khi đã ở tuổi 98, Giải A sách hay Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất). 

Đặc biệt, năm 2022, khi đã 102 tuổi, cụ Nguyễn Đình Tư được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao Bằng kỷ lục Việt Nam nhờ những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp phát triển văn hóa, lịch sử, địa chí của nước nhà.

Ở tuổi 104, cụ Tư cho ra mắt cuốn tự truyện cuộc đời “Đi qua trăm năm”. Cụ viết: “Tôi năm nay 104 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, nhất là đối với dòng họ của tôi.

Những sự kiện diễn ra trong cuộc đời hơn 100 năm của tôi quá bình thường, nhưng chắc chắn cũng đủ cho con cháu tôi lấy làm bài học kinh nghiệm trong cuộc sống.

Nhìn lại quãng đời đã qua với nhiều kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm trong cuộc sống, chứng kiến nhiều biến chuyển của thời cuộc, của vận mệnh quốc gia, của đời sống xã hội, tôi thấy đáng ghi lại để cho con cháu biết về quê hương, về các bậc tiền bối, để rút ra những kinh nghiệm về cuộc sống, biết cái gì nên tránh, cái gì nên làm, cái gì nhất thời, cái gì là vĩnh cửu…”

Đọc tự truyện cuộc đời “Đi qua trăm năm”, bạn đọc còn được hiểu thêm về vùng đất Thanh Chương xứ Nghệ. Nơi đó cậu bé Nguyễn Đình Tư đã trải qua thời thơ ấu sống động, vẹn nguyên ký ức đến hôm nay.

Quê hương đã giữ lại trong tâm khảm cụ về hình dáng và tình cảm của người cha mẫu mực, người mẹ ruột yêu thương chẳng may qua đời sớm, người mẹ kế vì chồng, vì thương mấy đứa con chồng mà chịu thương, chịu khó.

Từ cậu học sinh giỏi trở thành chàng thanh niên tập tành đường chính trị, những thay đổi thời cuộc trong trong dòng chảy lịch sử đã đưa cụ Nguyễn Đình Tư xuôi về Nam, gặp những khúc quanh cuộc đời, rồi bước vào nghiệp cầm bút 80 năm qua…

Đến những dòng cuối của tự truyện, bạn đọc vẫn cảm nhận được ăm ắp tình cảm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: “Và lời cuối trước khi khép lại tự truyện này, tôi vẫn còn dự định trong những ngày cuối đời sẽ viết tiếp 10 đầu sách nữa, nếu sức khỏe cho phép”.

Bí quyết sống trường thọ

Mặc dù đã 104 tuổi nhưng cụ Tư vẫn minh mẫn, tinh tường, vẫn cần mẫn làm việc 8 giờ/ngày, sử dụng máy tính thành thạo...

Chia sẻ bí quyết sống trường thọ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, để có sức khỏe thì phải có chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập một cách hợp lí, khoa học. “Buổi sáng tôi thường thức dậy lúc 6 giờ, vệ sinh cá nhân 30 phút rồi tập thể dục 45 phút.

Sau khi ăn sáng, tôi ngồi làm việc đến 11 giờ 30 phút thì ăn cơm và nghỉ ngơi, sau đó khoảng 14 giờ tiếp tục làm việc đến 17 giờ 30 phút thì nghỉ, đi bộ thể dục.

Do không có không gian nên tôi thể dục bằng cách leo cầu thang. Trước đây, mỗi ngày tôi lên xuống đúng 20 vòng cầu thang 3 tầng nhà, còn giờ chỉ đi 10 vòng.

Tôi sống đơn giản, không nghiện rượu, thuốc lá, cà phê. Mỗi bữa tôi ăn một bát cơm, trưa uống một lon bia và tối uống một ly rượu thuốc.

Từ nhỏ đến giờ chỉ một lần duy nhất trải qua trận ốm nặng, còn lại chưa biết “mùi bệnh viện” là gì?”,  cụ Nguyễn Đình Tư chia sẻ. 

Trải qua hơn 80 năm viết sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã cho ra đời nhiều công trình đồ sộ với khoảng 60 đầu sách, trong đó có những công trình đã xuất bản trước năm 1945 và 1975 như:

Nguyễn Xí (1943), Non nước Phú Yên (1964), Địa chí Khánh Hòa (1972), Non nước Ninh Thuận (1974) và các công trình như: Tiểu thuyết loạn 12 sứ quân; Đường phố nội thành TPHCM, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Non nước Quảng Trị, Tiểu sử và hành trang các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, Sổ tay tên đường ở TPHCM, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020); tự truyện Đi qua trăm năm...

 

Đức Dương

Tin liên quan