Ảnh AH: Nhà vườn An Hiên mang đậm nét truyền thống Việt Nam.
Nhà vườn An Hiên tọa lạc tại số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, TP. Huế. Khuôn viên nhà vườn An Hiên rộng gần 5.000m2, ngôi nhà gỗ trong đó được xây dựng với kiểu kiến trúc nhà rường cổ độc đáo kết hợp vườn cây ăn quả bốn mùa. Cũng giống như Đại Nội ở Huế, mặt nhà quay về hướng Nam, phía trước có con sông Hương chảy qua. Trải qua 135 năm với bao thăng trầm, nhà vườn An Hiên vẫn gần như còn nguyên vẹn cả về cảnh quan và kiến trúc.
Ảnh AH 1: Cổng vào An Hiên mộc mạc, bình dị, được xây bằng gạch cuốn vòm với những đường nét cổ kính đặc trưng của kiến trúc Huế.
Người phụ nữ đặc biệt xứ Huế
Nhà vườn An Hiên có lịch sử khá lâu đời, dù mang tên An Hiên, nhưng lại có số phận thăng trầm và qua tay nhiều chủ nhân. Anh Trần Xuân Điền - người trông coi nhà vườn An Hiên cho biết, ngôi nhà rường trong khuôn viên nhà vườn được làm từ năm 1883, trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến nay vẫn chưa phải tu sửa gì, chỉ mới đảo ngói. Ban đầu, đây là Phủ của Công chúa thứ 18 con vua Dục Ðức. Năm 1936, ông Nguyễn Đình Chi (bấy giờ giữ chức Tuần phủ Hà Tĩnh) là người thứ ba mua lại ngôi nhà này. Ông Nguyễn Đình Chi mất năm 1940 ở tuổi 51. Người vợ thứ ba của ông là bà Đào Thị Xuân Yến (tên thời con gái) thừa kế và tiếp tục quản lý, gìn giữ khu nhà vườn. Chính bà là chủ nhân lâu nhất, gìn giữ toàn vẹn nhất và đã nâng cao giá trị nhà vườn An Hiên.
Góc kỷ niệm với chân dung bà Tuần Chi – Đào Thị Xuân Yến.
An Hiên đã gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của bà Đào Thị Xuân Yến - một người yêu nước, một nhà hoạt động chính trị xã hội đã có nhiều đóng góp cho quê hương Huế. Bà là Hiệu trưởng Trường nữ sinh Đồng Khánh, là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cố vấn cho Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Việt Nam. Bà vinh dự được 3 lần gặp Bác Hồ. Năm 1968, ở tuổi 60, bà lên chiến khu Tây Bắc và được gặp Bác Hồ. Bà được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đại diện cho đất nước tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế. Bà được coi là nhân vật lịch sử, nhân chứng tiêu biểu ở đất Huế trong thế kỷ 20. Bà qua đời vào năm 1997, thọ 89 tuổi. Hiện người thừa kế ngôi nhà là bà Phan Thị Hoàng Oanh (vợ của con trai ông Nguyễn Đình Chi).
Điểm đến của các nhân sĩ trí thức khi đến Huế
Ông Nguyễn Đình Chi cùng bà Đào Thị Xuân Yến là những người có học thức, có uy tín trong xã hội. An Hiên chứa đựng cả những giá trị văn hóa tinh thần, cốt cách sống của gia chủ đáng kính, và đây là nơi lui tới của nhiều nhân sĩ trí thức, tao nhân mặc khách. Anh Trần Xuân Điền cho biết, ngôi nhà đã được cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến đây nói chuyện. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần họp ở Huế đã đến đây thăm nữ chủ nhân, Đại tướng và bà Xuân Yến nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp.
Ao sen hay bể cạn phía trước nhà đại diện cho yếu tố thủy trong kiến trúc nhà vườn xưa.
Nhà vườn An Hiên là nơi giao hòa với thiên nhiên, rất gần gũi để tạo cảm hứng thi ca. Nơi đây là điểm đến của các văn nghệ sĩ tới Huế thăm nữ chủ nhân và đàm đạo thơ phú, như: các nhà thơ Huy Cận, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Huy Thông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Huy Thông; nhà nghiên cứu về Huế Nguyễn Đắc Xuân…
Các văn nghệ sĩ coi bà Đào Thị Xuân Yến như người chị, người mẹ, và thường ở lại dùng bữa cơm thịnh soạn do chính tay bà nấu. Bà nấu ăn rất ngon, nhất những món ăn dân dã của người Huế, và bao giờ khách cũng dùng hết thức ăn.
An Hiên còn là địa chỉ quen thuộc của các du khách trong và ngoài nước. Ngôi nhà cổ này đã được lên nhiều phim và được khai thác làm bối cảnh của các phim: “Lục Vân Tiên”, “Hàn Mặc Tử”, “Dòng sông phẳng lặng”, gần đây là phim “Nàng thơ xứ Huế”.
Nhiều hoành phi, câu đối được treo trong nhà với triết lý sâu xa.
Chốn bình yên hội tụ đủ hương vị của bốn mùa hoa trái
Bà Tuần Chi - Đào Thị Xuân Yến rất thích cây cối nên đã cho trồng hàng chục loại cây lưu niên cao cấp lấy giống từ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và hàng trăm loài hoa quý, thay nhau đơm hoa kết trái bốn mùa. An Hiên giống như một ngôi nhà đại đoàn kết ba miền Bắc – Trung - Nam cùng tụ hội, thể hiện sự kết nối đoàn viên của đất nước.
Nhiều hàng cây, gốc cây nơi đây đã nhiều năm tuổi, như hàng mơ của chùa Hương Tích (Hà Nội) được mang vào đây trồng từ những năm 1940. Và rất nhiều loại trái cây ngon của ba miền cũng được mang về trồng ở đây như: hồng, vải Hải Dương, măng cụt, sầu riêng, mít, bưởi, vải, dâu da...
Ngiôi nhà rường, nhìn từ vườn sau.
Có những gốc cây thật đặc biệt, như cây hồng xiêm Tiên Điền do cụ Nghè Mai - chắt nội đại thi hào Nguyễn Du mang từ quê hương Nghi Xuân - Hà Tĩnh tặng ông Nguyễn Đình Chi. Đây là một loài hồng quý, không có hạt, rất thơm ngon. Hay có thể kể tới 17 gốc măng cụt Giang Châu, một loại quả quý nổi tiếng xứ Huế chuyên được dâng cho vua…
Bên cạnh cây ăn quả là các loài hoa, nhà vườn An Hiên cũng là một vườn hoa quanh năm đua sắc. Mùa xuân hoa mơ nở trắng lối vào, mùa hè hoa súng nở đỏ trên mặt nước… Và các loài hoa khác thay nhau nở 4 mùa: trà my, mộc, mẫu đơn, nhài, hải đường, thạch lựu, sứ, thủy tiên, ngọc lan, tường vy, thiên lý, hoàng mai, bạch mai…
Nhà vườn An Hiên là một nét riêng biệt của Huế trong văn hóa kiến trúc đô thị ở Việt Nam. Khám phá nhà vườn An Hiên chắc chắn sẽ là một trong những điều khó quên nhất khi đến với xứ Huế mộng mơ.
Hồng Nga/TC GĐ&TE