Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Bài thơ đã được nhạc sĩ Hoàng Hòa (tên thật là Cao Hy Vọng) phổ nhạc và trở thành bài hát truyền thống của thanh niên: “Thanh niên làm theo lời Bác”.
Quyết chí, chữ chí biểu hiện một nghị lực phi thường, một quyết tâm dũng mãnh, một phẩm chất cao cả của con người nhằm hướng tới mục tiêu tốt đẹp cho tương lai.
Nét tượng hình của chữ chí trong tiếng Hán thể hiện sự trong sáng, sang trọng, bề thế, nhân ái, chữ chí với chữ sĩ đứng trên chữ tâm muốn nói lên kẻ sĩ phải có tâm.
Sĩ là con người thập toàn (gồm chữ thập và chữ nhất giỏi giang, sắc sảo, thông minh). Chữ tâm thể hiện bản chất nhân hậu vì sự nghiệp chung, quên mình cho chí hướng lớn lao.
Chữ chí quả thật cần thiết cho từng cá thể sống trong cộng đồng nhân loại. Những năm gần đây nhiều người Hà Nội cứ đến ngày Tết Nguyên đán lại náo nức hội tụ bên Văn Miếu Quốc Tử Giám (Trường đại học đầu tiên của Việt Nam) để chiêm ngưỡng tài hoa của các ông đồ già Thế Anh, Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách cùng các đệ tử “nhị thập bát tú” 28 ngôi sao trẻ trung và thông thái.
“Hoa tay thảo những nét / Như rồng múa phượng bay”.
Xuân Giáp Ngọ sau một năm đầy gian truân, vất vả với nền kinh tế thế giới khủng hoảng, lao đao cùng thảm họa môi trường biến đổi khắc nghiệt liên tiếp xảy ra, chắc rằng xuân này nhà nào cũng muốn rước về trân trọng treo lên chữ chí để cả nhà cùng quyết tâm, quyết chí đồng lòng xây đắp một năm mới thịnh vượng.
Con cái trong nhà phải có chí học hành, có chí thì nên. Người cao tuổi: “Tuổi cao chí càng cao”.
Chữ chí là mục đích cao cả, là chí nguyện ước vọng của con người nên nhiều chi họ cầu mong dòng họ mình có chí nguyện lớn lao chung tay xây dựng đất nước giàu đẹp, đã dùng tên đệm: Lê chí, Nguyễn chí, Vương chí, Phan chí...
Ngày xưa nhà trí thức có ý chí và tiết tháo quyết tâm đấu tranh về chính nghĩa được tôn vinh: Chí sĩ. Phan Chu Trinh là một chí sĩ yêu nước. Bác Hồ kính yêu của chúng ta: Một tấm gương phẩm chất cao đẹp của con người “Bác là một tình thương bao la”.
Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Với ý chí kiên cường, Bác đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi giành lại toàn vẹn non sông đất nước. Năm 1990, UNESCO đã ra nghị quyết ghi nhận Người là anh hùng giải phóng dân tộc. Danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại.