Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhặt được Căn cước công dân có nên đăng lên mạng tìm chủ nhân không?

Trần Huyền
Trần Huyền

(Dân sinh) - Khi nhặt được Căn cước công dân (CCCD) của người khác làm rơi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc đăng chúng lên mạng xã hội với mong muốn trả lại cho người đánh rơi. Tuy nhiên, rắc rối lại phát sinh từ việc đăng hình ảnh CCCD lên mạng xã hội. Vậy nếu nhặt được thẻ CCCD thì người dân nên làm gì?

Việc một ai đó lỡ đánh rơi chiếc ví có CCCD và một số giấy tờ khác nên đăng lên mạng xã hội để mong tìm lại được giấy tờ hay việc một ai đó nhặt được giấy tờ của người khác đánh rơi và đăng tin lên mạng xã hội để tìm chủ nhân là điều xảy ra hàng ngày.

Kèm theo thông tin chia sẻ, họ thường đăng luôn hình ảnh, mã số CCCD, mã QR, ngày tháng năm sinh và địa chỉ của khổ chủ.

16-5.jpg
Những thông tin đăng tìm chủ nhân của giấy tờ cá nhân như thế này thường xuyên được đăng tải (Ảnh: Chụp màn hình).

Có thể những người này chỉ mong muốn thông báo rộng rãi để nhanh chóng tìm được giấy tờ làm rơi hay tìm được chủ nhân của giấy tờ mình nhặt được. Tuy nhiên, rắc rối lại phát sinh từ việc đăng hình ảnh CCCD lên mạng xã hội mà không che các thông tin cá nhân.

Bởi đây là cơ hội cho các đối tượng lừa đảo, chúng sử dụng hình ảnh CCCD này để thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản như: mở tài khoản vay tiền trên App, đăng ký sim điện thoại...

Vấn đề này đã được các cơ quan Công an liên tục đưa ra khuyến cáo đến người dân. Cụ thể, không nên đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD trên mạng xã hội, tránh nguy cơ bị lọt thông tin cá nhân để kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Bởi vì, chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin in trên thẻ CCCD là có thể biết rõ thông tin cá nhân. Các đối tượng lừa đảo có thể dùng hình ảnh CCCD hay CMND hai mặt để đăng ký tài khoản ngân hàng, vay tiền trên App, đăng ký số điện thoại trả sau, đăng ký mã số thuế ảo… nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vậy nếu nhặt được thẻ CCCD thì người dân nên làm gì?

Trong trường hợp này, khi nhặt được giấy tờ tùy thân, đặc biệt là CCCD có gắn chíp, người dân hãy đến cơ quan công an hoặc UBND phường xã nơi nhặt được để họ là cầu nối giúp tìm lại được chủ nhân của số giấy tờ đó. 

Các cơ quan này có thể đăng tải rộng rãi trên fanpage của tổ chức mình, hoặc đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông để chủ nhân làm mất giấy tờ biết.

Hoặc trường trường hợp địa chỉ của khổ chủ gần nơi làm thất lạc giấy tờ thì người nhặt có thể dành chút thời gian tìm đến tận nơi để giao lại giấy tờ.

Trong trường muốn đăng lên mạng xã hội (facebook, zalo, các hội nhóm...) để tìm chủ nhân thì cần che một số trường thông tin. Chỉ để lại họ và tên, nơi ở, năm sinh để người đánh rơi nhận biết được.

Ngoài ra, khi phát hiện thông tin giấy tờ tùy thân của mình bị lộ và đang được sử dụng vào hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật, người dân cần kịp thời báo ngay cho cơ quan công an gần nhất. 

Dù việc đăng lên mạng xã hội là có ý tốt nhưng việc không làm mờ hay che giấu những dòng thông tin quan trọng thì cũng là việc làm không đúng quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020 quy định hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng đối với các tổ chức. Với cá nhân, mức phạt sẽ là 5-10 triệu đồng...

Tin liên quan