Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phải làm gì khi CCCD hết hạn, không thể xác thực sinh trắc học?

Trần Huyền
Trần Huyền

(Dân sinh) - Chị H. loay hoay xem hướng dẫn để tự cài xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng tại nhà nhưng không thành công, đến ngân hàng để nhờ hỗ trợ thì mới biết thẻ Căn cước công dân (CCCD) của mình đã hết hạn.

Không thể xác thực sinh trắc học khi thẻ CCCD hết hạn

Theo Quyết định 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển khoản trực tuyến 10 triệu đồng trở lên hoặc quá 20 triệu mỗi ngày đều phải áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học.

Hiểu được tầm quan trọng của việc cập nhật xác thực sinh trắc học sẽ giúp tăng cường bảo mật cho tài khoản ngân hàng của mình, chị H. (Hoài Đức, Hà Nội) cũng loay hoay xem hướng dẫn để tự cài xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng tại nhà nhưng không thành công.

cccd het hạn khong sinh trac hoc.jpg
Do thẻ CCCD hết hạn nên chị H. không thể xác thực sinh trắc học (Ảnh: Nguyên Vỹ).

Thử đi thử lại nhiều lần vẫn không được, chị H. buộc phải đến ngân hàng để nhờ hỗ trợ. 

Sau khi hỗ trợ, nhân viên ngân hàng thông báo việc cài xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng không thực hiện được do thẻ CCCD của chị đã hết hạn sử dụng từ ngày 1/1/2024.

Nhân viên ngân hàng cũng hướng dẫn thêm, nếu chị chưa hoàn tất việc xác thực sinh trắc học vẫn có thể giao dịch chuyển tiền trực tuyến bình thường, nhưng bị giới hạn ở mức dưới 10 triệu đồng mỗi lần và dưới 20 triệu đồng mỗi ngày bằng hình thức xác thực như dùng mật khẩu, OTP.

Tuy nhiên, cũng theo nhân viên này, chị cần tiến hành làm thẻ căn cước sớm nhất. Sau khi có thẻ căn cước thì đến ngân hàng để nhân viên ngân hàng cập nhật lại thông tin cá nhân và hỗ trợ cài xác thực sinh trắc học trên app ngân hàng.

CCCD hết hạn có được sử dụng nữa không?

Điều 46 Luật Căn cước 2023 nêu rõ, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1/7) có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Chứng minh nhân dân (CMND) còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng;

Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.

Ngoài ra, thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Quy định về việc sử dụng CCCD, CMND trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước quy định tại Luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Theo đó, thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Tức nếu thẻ CCCD hết hạn trước ngày 30/6/2024 thì người dân sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Từ ngày 1/7, làm thẻ căn cước ở đâu?

Nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước được quy định tại Điều 27 Luật Căn cước 2023, Điều 6 Thông tư 17/2024/TT-BCA.

Cụ thể, là cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.

Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.

Cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước tại địa chỉ của cơ quan, tổ chức khác khi có văn bản đề nghị và cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực thực hiện.

Cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước tại Công an cấp xã hoặc chỗ ở của người dân đối với trường hợp người già yếu, bệnh tật, tai nạn, khuyết tật và trường hợp đặc biệt khác khi cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực thực hiện.

Như vậy, công dân có thể làm thẻ căn cước tại công an cấp huyện, công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc tạm trú hoặc tại một địa điểm khác do cơ quan quản lý căn cước quyết định.

Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên

Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước;

Trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 của Luật này;

Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;

Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước; Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;

Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

Đề xuất phạt 500.000 đồng nếu không đổi thẻ căn cước mới khi hết hạn

Từ ngày 1/7, khi luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực thì có 3 trường hợp bắt buộc phải làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước gồm: công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp thẻ căn cước hoặc thẻ CCCD; công dân đã có thẻ CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng; công dân đã có CMND.

Bộ Công an đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Cụ thể, dự thảo Nghị định đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng thẻ CCCD, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Không xuất trình thẻ CCCD, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử;

Hành vi không nộp lại thẻ CCCD, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được đề xuất mức phạt như trên.

Như vậy, dự thảo Nghị định đã đề xuất bổ sung hành vi xử phạt hành chính là không thực hiện cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử cũng sẽ bị phạt đến 500.000 đồng như quy định hiện hành về việc xử phạt khi không thực hiện làm CCCD khi hết hạn.