Bắt nguồn từ những video có nội dung so sánh văn hóa, lối sống riêng ở 2 miền Nam - Bắc, hiện tượng phân biệt vùng miền giờ đây đã lan rộng và trở thành một trào lưu khó kiểm soát trên mạng xã hội.
Những cuộc “xung đột” trên không gian mạng
Vấn nạn phân biệt vùng miền không mới nhưng trước đây, hiện tượng này chỉ thể hiện qua lời nói, hành động, thái độ khi tiếp xúc với nhau ngoài cuộc sống.
Khi mạng xã hội phát triển, vấn nạn này đã lan rộng bằng những hình ảnh, video, bình luận có tính công kích đăng tải trên nhiều nền tảng và nhanh chóng trở thành “trend” để một bộ phận người dân hai miền bêu xấu lẫn nhau.
Lướt các video trên nền tảng Tiktok hoặc các video reels trên nền tảng Facebook, không khó để bắt gặp những cụm từ “Parky”, “Namki”, “Namkiki”... Được biết, các cụm từ này được một bộ phận người dùng tạo nên, dựa trên từ “Bắc kỳ” và “Nam kỳ” - danh xưng của hai miền khi đất nước ta còn đang kháng chiến cứu nước.
Những cụm từ này xuất hiện với tần suất cao và đáng buồn là nó nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người.
Không chỉ xuất hiện trong các video chia sẻ lối sống khác biệt của hai miền Nam - Bắc, nạn phân biệt vùng miền còn xuất hiện ở các video có nội dung không hề liên quan như giới thiệu một bộ phim, nghe một bản nhạc hay nấu một món ăn…
Tất cả đều có thể trở thành “chiến trường”, nơi “xung đột” nổ ra để mắng chửi hay thậm chí là miệt thị lẫn nhau.
Đây không phải là lần đầu tiên trên mạng xã hội xảy ra vụ việc như trên. Một bộ phận giới trẻ có tư tưởng lệch lạc, thiếu hiểu biết và dễ bị kích động đã đi theo trào lưu như một trò tiêu khiển mua vui. Khi những từ ngữ này được lan rộng, nhiều người đã có thái độ tức giận phản pháo lại khiến sự chia rẽ dân tộc càng thêm sâu sắc.
Cần sáng suốt trước nạn phân biệt vùng miền
Phân biệt vùng miền là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, vấn nạn này ngày càng khó kiểm soát khi nó lan rộng trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch có thể dễ dàng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để chia rẽ nội bộ đất nước ta.
Vậy nên những người dùng mạng xã hội cần sáng suốt để không rơi vào “bẫy” phân biệt vùng miền.
Hành vi phân biệt vùng miền, gây ảnh hưởng khối đại đoàn kết dân tộc, có thể bị xử lý theo quy định của Pháp luật.
Tại điều 5 trong Hiến pháp 2013 đã quy định rõ “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.
Hay theo Điều 116 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định việc Phá hoại chính sách đoàn kết có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc cao nhất từ 07 đến 15 năm nếu: “Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Tuy nhiên tình trạng phân biệt vùng miền trên không gian mạng vẫn không có dấu hiệu suy giảm vì khó xử lý hơn rất nhiều.
Chia sẻ với phóng viên, bạn Nguyễn Ngọc My, 22 tuổi, là một người làm công việc sáng tạo nội dung trên Tiktok bày tỏ sự bức xúc trước nạn phân biệt vùng miền.
Bạn cũng chia sẻ thêm rằng người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo khi gặp bình luận chia rẽ vùng miền vì có những người chỉ muốn tạo sự chú ý, “câu like”, “câu view” nên mới bất chấp để bình luận những lời tiêu cực. Không cần lãng phí thời gian để tranh cãi, thay vào đó hãy báo cáo để chủ kênh hoặc chính nền tảng đó xử lý.
Hiện tượng phân biệt vùng miền không mới, nó đã phổ biến và phần nào đó ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân nên đây không phải là một vấn đề dễ khắc phục.
Muốn đẩy lùi vấn nạn này phải kiên trì và cần sự phối hợp của nhiều người. Thay vì chạy theo trào lưu tiêu cực, hãy chia sẻ những hình ảnh đẹp về các vùng miền trên cả nước, truyền đi thông điệp tích cực, tạo môi trường mạng lành mạnh và văn minh.
Hoàng Linh