Không phải là những mất mát hi sinh, không phải những vết thương để lại trên thịt da, cũng không phải những đổ nát hoang tàn mà chiến tranh để lại... có một nỗi đau suốt 40 năm sau ngày độc lập người ta vẫn chưa thể gọi tên, nỗi đau của những đứa con lai - những đứa trẻ lạc lõng giữa hai thế giới ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa.
Ngày 30/4 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những anh hùng, những liệt sĩ được vinh danh, những cựu chiến binh, những người đã từng đóng góp một phần tuổi trẻ và nhiệt huyết của mình vì độc lập tự do mỗi năm đều có dịp nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc để tự hào, hãnh diện về những trang sử vẻ vang ấy.
Và hơn 160.000 người là con lai từ cuộc chiến, họ cũng đang kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khác về chiến tranh. Mang trong mình hai dòng máu Mỹ - Việt và cả gánh nặng một phần của quá khứ, của lịch sử, của nỗi đau từ cuộc chiến 40 năm về trước. Khi cả dân tộc đã tìm lại được hòa bình và câu chuyện chiến tranh chỉ còn trên trang sách lịch sử, thì họ bắt đầu hành trình tìm về nguồn cội để biết mình là ai, gia đình bình ở đâu, mình thuộc về dân tộc nào... Không chỉ để trả lời câu hỏi cho chính mình, mà họ còn cần câu trả lời cho rất nhiều những thế hệ con cháu sau này về nguồn cội của chúng.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ: "Trong quá trình làm phim chúng tôi phát hiện ra rằng dù những người con lai ở Việt Nam hay ở Mỹ thì họ đều có một điểm chung là nỗi khổ, nỗi đau, là sự thèm khát có một gia đình hạnh phúc, được gặp bố, gặp mẹ… Nhưng trong quá trình tìm kiếm bố mẹ ấy thì lại có những bi kịch xảy ra, đẩy nỗi đau của họ lên cao hơn. Có những người con lai sang được quê cha, tìm được cha nhưng người cha lại không muốn nhận con, bởi họ không muốn cuộc sống hiện tại bị xáo trộn. Có những người may mắn hơn, được cha nhận thì thời gian dành cho họ lại quá ngắn ngủi, vì tuổi của người cha đã cao và họ lại chia tay nhau…"
Thông điệp mà những người làm chương trình muốn gửi tới khán giả đó là sự cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh. Đằng sau những câu chuyện mang nặng nỗi buồn ấy là tiếng nói lên án chiến tranh, lên án sự nghiệt ngã của những cuộc chiến đã ám ảnh không chỉ một thế hệ mà còn nhiều thế hệ, không chỉ cho một phía mà cả hai phía. Nhưng đã đến lúc khép lại mọi thứ, khép lại chiến tranh, khép lại nỗi đau, tin tưởng vào tình yêu thương của con người với con người và bắt đầu cuộc sống mới với nhiều hy vọng mới.