Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những hệ thống bảo trợ xã hội đóng vai trò quan trọng trong ứng phó khủng hoảng bởi Covid-19

TS. Chang Hee-Lee. Ảnh T.V
 
Thưa TS. Chang-Hee Lee, ông có thể cho biết những nhóm đối tượng nào trong thị trường lao động Việt Nam được xét là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong tình hình hiện nay? 
 
Các nhóm dễ bị tổn thương nhất gồm có người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ cần phải được coi là vấn đề ưu tiên và cấp bách cần giải quyết. 
 
Mặc dù tỷ lệ phi chính thức ở Việt Nam đã giảm, hơn 70% dân số có việc làm (bao gồm cả các việc làm nông nghiệp) vẫn đang làm các công việc phi chính thức. Phần đông những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, cụ thể là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế. Trong cuộc khủng hoảng bởi Covid-19 này, họ có thể buộc phải tiếp tục làm việc hay không muốn tự cách ly khi cần, như vậy, họ tự đặt sức khỏe của bản thân vào tình thế nguy hiểm và có nguy cơ lây nhiễm cho thêm nhiều người. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động tự làm, lao động phi chính thức làm việc trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất, lao động giúp việc gia đình và lao động trong nền kinh tế gig (nền kinh tế việc làm tự do). 
 
Trong khi đó, lao động di cư trong nước, lực lượng chiếm 13,6% tổng dân số, thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng làm việc và không được tiếp cận với các chế độ bảo trợ xã hội. Lao động di cư trong nước thường làm việc trong những lĩnh vực bị khủng hoảng việc làm nặng nề nhất. 
 
Bên cạnh đó, phụ nữ là đối tượng phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng lần này. Như tôi đã đề cập, bốn lĩnh vực ILO xác định có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và hoạt động kinh doanh hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ này đối với lao động nam chỉ là 30,4%. 
Phụ nữ cũng là lực lượng đảm nhiệm các công việc chăm sóc ở tuyến đầu. Họ chiếm phần đông trong số hai triệu lao động gia đình không được trả lương. Đa phần họ là những người chăm sóc chính cho con cái và cha mẹ già. Họ cũng chiếm số đông trong các công việc thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (dệt may, giúp việc gia đình). Chính vì vậy, rất cần thiết phải đảm bảo cách có tính đến yếu tố giới trong các phản ứng chính sách. 
 
Thêm vào đó, trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng do bố mẹ mất việc làm hay bị cắt giảm thu nhập. Khi xảy ra khủng hoảng, tình trạng bỏ học, suy dinh dưỡng, bóc lột lao động và lao động trẻ em có thể gia tăng nghiêm trọng, dẫn đến những hệ quả lâu dài và không thể đảo ngược được đối với công cuộc phát triển nguồn lực con người. 


Nhiều hoạt động hỗ trợ người dân và trẻ em các vùng khó khăn phòng chống COVID-19. Ảnh T. Hiền

Bảo trợ xã hội có vai trò như thế nào trong việc giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội mà Covid-19 gây nên, thưa ông?
 
Chính phủ đã triển khai nhóm giải pháp đầu tiên nhằm cung cấp hỗ trợ khẩn cấp bằng hình thức trợ cấp tiền mặt. Đây là những nỗ lực rất đáng khen ngợi. Những hệ thống bảo trợ xã hội thực sự đóng vai trò quan trọng trong mọi biện pháp ứng phó khủng hoảng, giải quyết ba khía cạnh chính của đại dịch và những tác động về kinh tế và xã hội mà đại dịch gây nên. 
 
Bảo trợ xã hội giúp kiểm soát dịch bệnh và giảm tỷ lệ tử vong. Bảo trợ xã hội về sức khỏe giúp đảm bảo việc tiếp cận hiệu quả dịch vụ chăm sóc y tế với chi phí phải chăng để người bị mắc bệnh được điều trị kịp thời. Trong khi đó, các biện pháp hỗ trợ an ninh thu nhập như: trợ cấp ốm đau, trợ cấp thất nghiệp và các trợ cấp khác bằng tiền cho các hộ gia đình có thể duy trì một số thu nhập trong trường hợp ốm đau hay mất việc, từ đó bảo vệ mọi người trước nguy cơ lây nhiễm và cho phép họ thực hiện tự cách ly và kiểm dịch, do đó đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự lây lan của virus. 
 
Bảo trợ xã hội mang lại an ninh thu nhập và ngăn ngừa nghèo đói. Trợ cấp ốm đau, trợ cấp thất nghiệp và các trợ cấp khác bằng tiền làm giảm những tác động kinh tế bất lợi do khủng hoảng gây nên, tạo việc làm và an ninh thu nhập cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, từ đó góp phần tăng cường khả năng phục hồi của họ và ngăn ngừa tình trạng người lao động bị rơi vào vòng xoáy nghèo đói, thất nghiệp và phi chính thức. Cơ chế bảo trợ xã hội về y tế hiệu quả cũng đảm bảo những người bị ảnh hưởng không phải tự gánh vác những khoản chi phí y tế khổng lồ, đẩy họ vào tình trạng khó khăn về tài chính và nghèo đói. Những cuộc khủng hoảng trước đây đã nêu bật sự cần thiết phải phối hợp giữa các biện pháp can thiệp y tế hiệu quả với các cơ chế bảo trợ xã hội trong mọi phản ứng chính sách phù hợp của chính phủ.
 
Bảo trợ xã hội là công cụ bình ổn kinh tế và xã hội. Cú sốc đối với phía cung và cầu do đại dịch có thể sẽ gây tác động nghiêm trọng về kinh tế và xã hội trong dài hạn, điều này kêu gọi hành động nhanh chóng và các chính sách kinh tế xã hội quyết liệt. Bằng chứng từ các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy, bảo trợ xã hội có hiệu quả tích cực trên nhiều phương diện đối với nền kinh tế hơn so với các giải pháp tài khóa khác, bảo trợ xã hội đóng vai trò là công cụ quan trọng để bình ổn kinh tế và xã hội. Bảo trợ xã hội đảm bảo các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình có thể duy trì tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tổng cầu và vạch ra một con đường chắc chắn cho công cuộc phục hồi sau khủng hoảng. 
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 

Châu Anh (thực hiện)/GĐTE