Khi lạc đường
Một đứa trẻ khi bị lạc đường thường hoảng loạn, vậy nên ngay từ lúc trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách tìm người trợ giúp nếu không may bị lạc.
Nếu trẻ chưa biết nói, cha mẹ có thể để danh thiếp/mẩu giấy ghi địa chỉ nhà, số điện thoại cha mẹ vào trong balo/ túi xách/ túi quần/ túi áo của trẻ. Cho trẻ đi dép phát ra tiếng kêu để bạn có thể lần theo tiếng dép tìm đến con.
Nếu trẻ đã biết nói, cần dạy con thuộc lòng họ tên, số điện thoại di động của cha mẹ/ ông bà, địa chỉ nơi ở/ trường học của con.
Nếu trẻ bị lạc ở nơi công cộng, dặn con tìm gặp công an hoặc nhân viên bảo vệ để được hỗ trợ, trong trường hợp nếu không có công an hay bảo vệ, con có thể nhờ người đi đường, tuy nhiên, khi giao tiếp với người lạ, con không được đứng ở địa điểm vắng vẻ, thưa người qua lại, đề phòng có thể bị kẻ xấu bắt cóc.
Nếu trẻ đi cắm trại cùng gia đình trong rừng/ thung lũng/ đảo, hãy trang bị cho trẻ một chiếc còi đeo sẵn trên cổ để trẻ có thể cầu cứu khi chẳng may đi lạc. Trong trường hợp trẻ đã thổi còi hoặc gọi to mà cha mẹ vẫn không nghe thấy, trẻ cần bình tĩnh nghỉ ngơi, nếu khát nước quá có thể hứng nước từ sương trên lá cây để uống, tuyệt đối không uống nước sông, nước suối vì có thể bị đau bụng. Dặn trẻ dù có đói cũng không được ăn bất cứ loại quả hay nấm nào vì chúng có thể có độc. Trẻ cần tránh để mình bị ốm hoặc thương cho đến khi cha mẹ tìm thấy.
Nếu trẻ gặp các đoàn đi cắm trại khác, hãy nhờ họ giúp đỡ.
Nếu trẻ bị đi lạc trong đêm tối, con có thể đánh lửa từ đá và cành cây/ lá khô để báo hiệu.
Tự cứu đuối
Nếu trẻ không may bị rơi xuống nước mà không có người lớn ứng cứu kịp thời, trẻ cần chiến thắng nỗi sợ hãi, bình tĩnh để tự cứu chính mình.
Theo TS. Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi, người sáng tạo ra kỹ thuật “bơi tự cứu”, khi người không biết bơi chẳng may rơi xuống nước, họ có thể thoát chết nhờ 4 bước trong kỹ thuật “bơi tự cứu” dưới đây:
Bước 1: Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.
Bước 2: Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
Bước 3: Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.
Bước 4: Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc miệng.
Bằng phương pháp này, người không biết bơi có thể ở dưới nước trong khoảng thời gian khá dài để chờ người khác đến cứu hoặc để nước đẩy vào chỗ nông hơn. Trẻ em mầm non có thể học phương pháp bơi này và thực hành ngay trên cạn.
Khi có hỏa hoạn
Nếu trẻ ở nhà và không may xảy ra hỏa hoạn, hãy dặn con ngay lập tức chạy ra khỏi nhà, gọi hàng xóm hoặc Cứu hỏa 114 để được trợ giúp.
Nếu đám lửa nhỏ và trẻ đã lớn, trẻ có thể dùng một tấm vải dày như chiếc khăn tắm để dập lửa hoặc dùng bình cứu hỏa có sẵn trong nhà.
Nếu trẻ bị mắc kẹt trong một tòa nhà đang cháy, hãy dặn con cúi thấp người khi di chuyển ra cửa thoát hiểm để hạn chế hít khói. Trẻ có thể dùng một chiếc khăn dấp ướt nước bịt mũi và miệng để tránh ngạt khói. Tuyệt đối không được sử dụng thang máy khi hỏa hoạn đang xảy ra.
Nếu chẳng may quần áo bắt lửa, dặn trẻ nằm xuống sàn lăn qua lăn lại để dập tắt lửa. Hoặc trẻ có thể chạy tới nơi chứa nước gần nhất để làm ướt người, nước vừa dập tắt được lửa trên quần áo, vừa làm mát cơ thể giúp trẻ tránh việc bị bỏng.
Bị mắc kẹt trong vùng lũ
Việt Nam là đất nước nhiệt đới, thường xuyên xảy ra mưa, bão, lũ. Do đó, dạy trẻ cách xử trí khi bị mắc kẹt trong vùng nước lũ hoặc nước ngập sâu là điều vô cùng cần thiết.
Dặn trẻ đừng bao giờ bước xuống nước sâu quá 15cm. Ở các khu vực xảy ra lũ, dòng nước sâu hơn 15cm cũng có thể khiến trẻ loạng choạng, thậm chí bị dòng nước cuốn đi. Nếu bắt buộc phải di chuyển qua vùng nước lũ, hãy dùng gậy để kiểm tra mực nước trước khi qua.
Gặp mưa giông
Trong một cơn giông, thứ đáng sợ nhất không phải mưa mà là sấm sét và gió giật. Cha mẹ dặn trẻ tránh xa tất cả những thiết bị hay những trụ kim loại vì đây là những vật dẫn điện, nếu chẳng may sét đánh trúng.
Nếu trẻ đang ở ngoài đường, hãy tìm nơi trú ẩn dưới một tòa nhà bằng đá/ gạch.
Khi không tìm thấy nơi trú ẩn, trẻ nên cúi rạp người xuống đất. Dùng hai tay nắm lấy mắt cá chân và cúi thấp người xuống hết mức có thể. Tư thế này được các chuyên gia kiểm chứng có thể bảo vệ trẻ nếu chẳng may bị sét đánh trúng người. Nó cho phép dòng điện di chuyển một cách nhanh hơn để hướng xuống đất. Từ đó làm giảm thiểu nguy hiểm cho cơ thể.
Khi động đất
Ở Việt Nam ít xảy ra động đất, tuy nhiên gần đây xuất hiện vài cơn dư chấn gây rung lắc tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Hà Nội.
Nếu trẻ đang ở trong nhà và xảy ra động đất, cha mẹ dặn trẻ chui xuống gầm bàn, gầm giường và nắm chặt chân bàn, chân giường. Dùng tay ôm lấy mặt và đầu hoặc dùng chăn, gối để che đầu, tránh cho đầu bị thương.
Không trú ẩn gần giá sách hay tủ đựng đồ vì động đất có thể sẽ làm đổ giá sách/ tủ khiến các vật dụng rơi vào người.
Nếu trẻ đang ở ngoài đường và xảy ra động đất, con hãy tìm những bãi đất trống như quảng trường, công viên để lánh tạm. Dặn trẻ tránh xa các tòa nhà cao tầng, những bức tường cao, gầm cầu, pano quảng cáo, đường dây điện, cột điện, cây xanh…