
Ths - Ncs. TS Tâm lý nhi Tú Anh Nguyễn tư vấn phụ huynh kỹ năng dạy con.
Trẻ có thể gặp các rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe tinh thần
Thưa Ths Tâm lý - Ncs. TS Tâm lý Nhi Tú Anh Nguyễn, những em nhỏ trong thảm họa cháy ở Hà Nội vừa qua có thể gặp cú sốc ra sao về tinh thần? Ðâu là biểu hiện trẻ bị sang chấn tâm lý cần phải hỗ trợ tâm lý ngay?
Chuyên gia Tú Anh: Trực tiếp trải qua vụ hỏa hoạn nói riêng, và các biến cố khác nói chung có thể trở thành sự kiện đau thương, kèm theo những tác động đáng kể về tâm lý và phát triển đối với trẻ em. Dựa trên các nguồn đáng tin cậy như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Mạng lưới Quốc gia về Căng thẳng và Chấn thương Trẻ em (NCTSN - Hoa Kỳ), các nhà nghiên cứu và chuyên gia đã chỉ ra các rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe tinh thần mà trẻ có thể gặp phải là: Sợ hãi tột độ và lo âu liên tục, khó kiểm soát sau đó. Trẻ gặp ác mộng hoặc thường hồi tưởng về sự kiện này. Nỗi đau buồn sâu sắc có thể trở nên phức tạp do tính chất đột ngột và đau thương của sự mất mát. Trẻ lo lắng về sự chia cách, hoặc rối loạn lo âu xa cách. Trẻ sợ bị chia cắt một lần nữa hoặc mất đi người chăm sóc. Một số trẻ cảm thấy tội lỗi hoặc tự trách mình về thảm họa hoặc mất mát người thân, ngay cả khi điều đó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của trẻ. Sự đau khổ kéo dài dẫn đến các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em. Trẻ mất hứng thú với các hoạt động mà trẻ từng yêu thích và có mức năng lượng thấp.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ cần hỗ trợ tâm lý gồm sự thay đổi trong hành vi và cư xử: Trẻ có biểu hiện như rút lui khỏi các hoạt động xã hội, cáu kỉnh, hung hăng hoặc luôn bám víu lấy người chăm sóc; Vấn đề về giấc ngủ: gặp ác mộng, khó ngủ hoặc đổ mồ hôi ban đêm là dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ liên quan đến chấn thương; Thoái lui: Trẻ nhỏ hơn có thể thoái lui trong quá trình phát triển của mình, chẳng hạn như quay lại tè dầm hoặc mút ngón tay cái, như một cách để đối phó với căng thẳng; Đau khổ về cảm xúc: sợ hãi, buồn bã hoặc tức giận dữ dội kéo dài sau thảm họa cũng là dấu hiệu đáng lo ngại. Một số trẻ gặp các triệu chứng thực thể như đau đầu hoặc đau bụng do căng thẳng sau trải nghiệm đau thương.

Cha mẹ chủ động cho con tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy.
Hỗ trợ phục hồi tâm lý hậu sang chấn cho trẻ em
Những tổn thương, sang chấn tâm lý sau thảm họa sẽ khiến trẻ ám ảnh, sợ hãi, lo âu, trốn tránh, ngại giao tiếp... Cha mẹ, người thân làm cách nào để hỗ trợ phục hồi tâm lý hậu sang chấn cho các em, thưa chị?
Chuyên gia Tú Anh: Giúp trẻ phục hồi sau những tổn thương tâm lý và ổn định trạng thái tinh thần càng sớm càng tốt sau một sự kiện đau thương là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và phát triển toàn diện của trẻ. Dưới đây là một số chiến lược để cha mẹ, người thân hỗ trợ trẻ trong quá trình phục hồi:
1. Hỗ trợ về mặt cảm xúc: Xây dựng môi trường an toàn, ấm áp, nơi trẻ cảm thấy an tâm và thoải mái bày tỏ cảm xúc mà không lo sợ bị chỉ trích hay phán xét. Lắng nghe và đồng cảm với suy nghĩ và cảm xúc của trẻ. Khuyến khích trẻ nói về trải nghiệm và nỗi sợ của con, thay vì nói tránh sang chuyện khác.
2. Ðảm bảo an toàn và cảm giác an tâm: Trấn an và nhấn mạnh rằng hiện tại trẻ đã an toàn và sự kiện đau buồn đã kết thúc. Thiết lập các thói quen và các quy tắc rõ ràng để tạo cảm giác an toàn cho trẻ
3. Hãy kiên nhẫn: Phục hồi tâm lý là một quá trình dần dần và khá mất thời gian để trẻ có thể xử lý cảm xúc và lấy lại cảm giác ổn định.
4. Cùng trẻ phát triển các chiến lược ứng phó lành mạnh: Dạy trẻ các kỹ thuật ứng phó với căng thẳng phù hợp với lứa tuổi, như bài tập thở sâu, vẽ, viết nhật ký hoặc tham gia các hoạt động thể chất như thể thao.
5. Hạn chế tiếp xúc với tác nhân kích hoạt: Giảm thiểu việc tiếp xúc với những thứ có thể gợi nhắc về sự kiện đau buồn, cho dù đó là tin tức hay địa điểm cụ thể. Phải sử dụng chiến lược để trẻ tiếp cận chậm rãi với tác nhân này nếu cần thiết.
6. Duy trì sự nhất quán và nề nếp sinh hoạt: Giữ thói quen hàng ngày nhất quán và có thể đoán trước được khả năng việc gì sẽ xảy ra tiếp theo có thể mang lại cảm giác an toàn và kiểm soát tốt.
7. Quan sát và giải quyết những thay đổi về hành vi: Chú ý và giải quyết những thay đổi trong hành vi, chẳng hạn như tránh né, rút lui hoặc gây hấn bằng sự thấu hiểu và hỗ trợ.
8. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn: Nếu các triệu chứng của trẻ kéo dài hoặc trầm trọng hơn, hãy cân nhắc tư vấn với chuyên gia sức khỏe tâm thần chuyên về chấn thương và tâm lý trẻ em. Trị liệu, chẳng hạn như liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) hoặc trị liệu qua chơi (Play Therapy) có thể có hiệu quả cao trong việc giúp trẻ xử lý chấn thương.
9. Gia tăng các hoạt động xã hội: Khuyến khích tương tác với bạn bè, thành viên gia đình hoặc nhóm hỗ trợ. Các mối quan hệ lành mạnh có thể hỗ trợ quá trình chữa lành và phục hồi sau sang chấn.
10. Thúc đẩy khả năng phục hồi: Chú trọng tăng sức đề kháng cho trẻ. Giúp trẻ biết điểm mạnh của mình và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Hà Nội).
Dạy trẻ kỹ năng ứng phó với thảm họa
Cha mẹ trang bị cho con kỹ năng như thế nào để trẻ đảm bảo sức khỏe tinh thần và có khả năng phục hồi tâm lý, vượt qua thảm họa, thưa chị?
Chuyên gia Tú Anh: Một vài bước cha mẹ có thể thực hiện giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những tình huống như: Giao tiếp cởi mở, không che giấu cũng không áp đặt, khuyến khích trẻ đặt câu hỏi. Cung cấp thông tin về những rủi ro và thảm họa tiềm ẩn theo cách phù hợp với độ tuổi và trình độ hiểu biết của trẻ. Sử dụng ngôn ngữ và khái niệm mà trẻ có thể nắm bắt. Cho trẻ tham gia lập kế hoạch khẩn cấp cho gia đình. Thảo luận về các tuyến đường sơ tán, liên hệ khẩn cấp và nơi gặp nhau nếu bị chia cắt trong thảm họa. Dạy trẻ kỹ năng ứng phó lành mạnh: như bài tập thở sâu, đếm để bình tĩnh hoặc sử dụng cách tự nói chuyện tích cực. Bình thường hóa mọi cảm xúc: cho trẻ biết việc cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng trong trường hợp khẩn cấp là điều bình thường.
Phụ huynh cần thể hiện thái độ ân cần và chấp nhận mọi cảm xúc của trẻ để trẻ cảm thấy an tâm và tin tưởng. Khả năng hồi phục sau chấn thương có thể được phát triển từ sớm, thông qua việc cha mẹ dạy trẻ các kỹ năng giải quyết vấn đề, ra quyết định và học hỏi từ thử thách. Khen ngợi nỗ lực và sự kiên trì của con qua mọi tình huống đời thường.
Xin cảm ơn chuyên gia Tú Anh.