Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những lưu ý khi thắp hương và thời gian hạ lễ theo phong tục, dịp cuối năm

Trần Huyền
Trần Huyền

Việc thắp hương và các nghi thức liên quan luôn được người Việt thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ, trang trọng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn sau khi thắp hương bao lâu thì hạ lễ?

Theo văn hóa của người Việt Nam, thắp hương là cách kết nối với người cõi trên, với tổ tiên và người thân đã mất. Đồng thời, nén hương thơm thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân cũng như lòng thành kính với những bậc được thờ cúng.

Việc thắp hương cúng thần linh, gia tiên thường được các gia đình thực hiện vào các dịp lễ, Tết, ngày rằm, mùng 1, giỗ chạp hay các dịp quan trọng của gia đình…

Đi cùng với thắp hương luôn đi kèm với việc dâng lễ vật, có thể là hoa tươi, trà, bánh kẹo, trái cây hay cỗ mặn, cỗ chay... 

Thắp hương và hạ lễ là những bước quan trọng trong việc thờ cúng, vậy nên cần lưu ý một số điều sau để nghi thức này được thực hiện một cách chu đáo, tốt đẹp.

Những lưu ý khi thắp hương và thời gian hạ lễ theo phong tục, dịp cuối năm - 1
Khi thắp hương và thực hiện các nghi lễ, gia chủ cần mặc trang phục kín đáo, giữ cơ thể sạch sẽ, tóc gọn gàng… (Ảnh minh họa: ITN).

Những việc cần lưu ý khi thắp hương

Về thời gian, theo dân gian, nên thắp hương vào khung giờ tốt, bắt đầu một ngày mới, tức khoảng 6-11h.

Không thắp hương khi đang cãi vã, nóng giận bởi lúc này tâm không thanh tịnh, không phù hợp để làm việc này. Tốt nhất là thắp hương khi tâm trạng bạn bình an, tôn kính.

Khi thắp hương và thực hiện các nghi lễ, gia chủ cần mặc trang phục kín đáo, giữ cơ thể sạch sẽ, tóc gọn gàng…

Theo phong tục, số nén hương được thắp luôn là số lẻ, cụ thể là 1, 3, 5 hoặc 9 nén hương trên mỗi bát hương, tùy theo từng nghi lễ.  Tránh thắp quá nhiều hương vì sẽ dễ gây mùi khó chịu và lãng phí.

Dùng tay thuận để cầm hương và cắm hương vào lư hương, mâm cúng với lòng thành kính. Nếu cầm hương không vững, hãy cẩn thận để tránh làm gãy hoặc làm đổ hương.

Sau khi thắp hương, gia chủ thành tâm chắp tay khấn nguyện, trước tiên là kính mời các vị thần và vong linh tổ tiên về thụ hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành, tiếp đó là bày tỏ những mong muốn của mình để được phù hộ.

Không vội vàng hạ lễ khi hương chưa cháy hết, bởi theo quan niệm truyền thống, hương chưa cháy hết nghĩa là những lời khấn nguyện chưa được gửi gắm trọn vẹn tới tổ tiên.

Khi thắp hương cũng như lúc hạ lễ, cần giữ thái độ nghiêm túc, tôn kính, không nói chuyện to, cười đùa, nói những lời không tốt đẹp…

Một điều cần lưu ý nữa là sau khi hoàn thành nghi thức cúng bái và hạ lễ, gia chủ hãy dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ, sắp xếp ngay ngắn lại đồ trên bàn thờ.

Lộc vừa hạ được phân phát mọi người trong gia đình hoặc hàng xóm để sẻ chia may mắn, tài lộc. Đặc biệt, không thụ lộc trước mặt bàn thờ, không để trẻ em nghịch đồ cúng.

Sau khi thắp hương bao lâu thì hạ lễ? 

Sau lễ cúng, gia chủ sẽ chắp tay xin các vị thần và vong linh tổ tiên để đưa lễ vật xuống và cả nhà cùng thụ lộc. 

Thời gian thắp hương và hạ lễ phụ thuộc vào phong tục và tín ngưỡng của mỗi gia đình hoặc địa phương. 

Theo nghi lễ truyền thống thì gia chủ phải đợi hết 3 tuần hương mới được hạ lễ, thời gian để cháy hết 1 nén hương gọi là một tuần hương. Nhưng tùy vào điều kiện thời gian và quan niệm của từng nơi, từng gia đình mà thời gian hạ lễ cũng có thể khác nhau. Nhiều gia đình chỉ thắp hai tuần hương, thậm chí chỉ chờ tuần hương thứ nhất cháy hết thì khấn xin hạ lễ.

Gia chủ không nhất thiết phải chờ đến khi đợt hương thứ nhất cháy hết mới thắp tiếp đợt sau mà chỉ cần hương cháy quá nửa là có thể thắp đợt tiếp theo. 

Nếu bạn thắp hương trong các dịp lễ cúng, như cúng gia tiên, cúng Tết, hay cúng lễ khác, thì thời gian thắp hương có thể lâu hơn tùy theo yêu cầu của buổi lễ.

Tóm lại, việc hạ lễ sau khi thắp hương có thể tùy vào từng hoàn cảnh, nhưng nhìn chung, bạn có thể chờ đến khi hương gần hết hoặc đã cháy hết rồi thực hiện hạ lễ.