Tạo bứt phá để ổn định cuộc sống
Hà Giang mỗi khi được nhắc đến, người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất khó, với “đặc sản” là đá. Đá xây thành đắp lũy, đá thành rừng thành ruộng song người dân vẫn cõng đất, trồng trọt trên từng hốc đá.
Công cuộc mưu sinh của người dân ở xứ đá, bắt đá nở hoa là một sự kỳ vĩ không nơi nào có được.
Từ trong gian khó, đã có những con người tiếp tục “kê cao quê hương” bằng những việc làm giàu ý nghĩa. Một người trong số đó là bà Vàng Thị Mai ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, nghệ nhân người dân tộc H’Mông đã được Tạp chí Forbes Việt Nam chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.
Bà có công thành lập ra hợp tác xã dệt lanh, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người với mức thu nhập từ 3 đến 9 triệu đồng/tháng.
Từ năm 1999, bà Mai tự thấy phụ nữ trong vùng ít dệt lanh, làm thổ cẩm và cảm thấy lo ngại trước nguy cơ mai một nghề truyền thống của đồng bào mình nên đã đi khắp xã tìm gặp những cụ bà ở ngưỡng tuổi đã gần tiên tổ để xin truyền dạy hết những “ngón nghề” dệt lanh, nhuộm vải.
Sau khi được truyền nghề, bà Vàng Thị Mai vận động bà con xã Lùng Tám góp vốn mở cơ sở dệt lanh ngay tại thôn Hợp Tiến.
Ban đầu, bà tìm được 10 người nhiệt tình tham gia, tổng số vốn góp là 13 triệu đồng. May mắn, bà tiếp cận được với dự án “Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống” trong chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển.
3 năm sau, Hợp tác xã Dệt lanh Hợp Tiến ra đời (nay là Hợp tác xã Lanh Lùng Tám), đánh dấu bước tiến mới của thổ cẩm Lùng Tám. Song để sản phẩm có đầu ra, bà đã phải lặn lội nhiều ngày để giới thiệu sản phẩm ở Thủ đô Hà Nội, với mong muốn được nhiều khách biết đến và đã thành công.
Giờ đây, gần 200 hộ đồng bào H’Mông ở xã Lùng Tám yên tâm vì đã khôi phục và phát triển thành công nghề dệt thổ cẩm truyền thống, sản phẩm tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước.
Bà Mai cho biết: “Du lịch Hà Giang đang phát triển. Đó cũng là cơ hội cho nghề dệt ở Lùng Tám. Chúng tôi được nhiều nhà thiết kế thời trang quan tâm và đưa sản phẩm của mình sang nhiều nước trên thế giới như: Nhật, Pháp, Singapore... Có lần được đi cùng nhà thiết kế Minh Hạnh sang Pháp, tôi đã rất hồi hộp.
Để chuẩn bị những sản phẩm mang sang Âu châu, tôi đã cùng các nghệ nhân của hợp tác xã chuẩn bị rất lâu. Cũng may, khách ưng ý và sản phẩm nhận được nhiều lời khen”.
Với đồng bào H’Mông, cây lanh chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Lanh tạo nên bộ trang phục truyền thống độc đáo từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Sử dụng trang phục chất liệu vải lanh hết sức tuyệt vời, ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè.
Người H’Mông đánh giá tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt những bộ trang phục mà họ mặc trong ngày hội. Toàn bộ quy trình dệt vải lanh kéo dài đến 7 tháng (từ lúc gieo trồng cho đến khi dệt xong vải) và rất tốn công lao động.
Cũng là người khéo tay, chị Đèo Thị Hạnh, người phụ nữ dân tộc Thái ở Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người mà còn mang thổ cẩm Mường So xuất ngoại.
Những tháng cuối năm, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Trường Sinh ở bản Tây An, xã Mường So thật bận rộn. Chủ nhiệm hợp tác xã Đèo Thị Hạnh không giấu nổi niềm vui khi thấy cơ sở ăn nên làm ra và đời sống người lao động không ngừng cải thiện.
Là người dân tộc Thái, vốn có sở thích dệt thổ cẩm, đan móc ren từ thuở nhỏ, chị được Hội Phụ nữ động viên khuyến khích và Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện giúp đỡ.
Chị là một trong số phụ nữ dân tộc đầu tiên nơi vùng cao Phong Thổ đã vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để mua máy móc, nguyên liệu mở xưởng dệt, thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Trường Sinh. Vải dệt ra không chỉ bán cho các thương nhân xuất đi nước ngoài mà còn được đưa về các gia đình trong xã để thêu và làm hàng may mặc.
Sau 4 năm vay vốn, chị Đèo Thị Hạnh đã tạo việc làm thường xuyên tại chỗ cho 16 lao động và 50-55 lao động gia công hàng dệt, đan, trong đó hầu hết là phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo ở xã Mường So.
Chị Hạnh không những có kinh tế gia đình khá giả, đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của toàn quốc mà còn có niềm vui là đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều chị em trong thôn bản và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ tiền vay không tính lãi với bà con xung quanh để cùng chung sức vượt nghèo khó, ổn định đời sống nơi vùng cao.
Cần thêm sự giúp đỡ trong khởi nghiệp
Ngoài chị Đèo Thị Hạnh, bà Vàng Thị Mai, còn nhiều người phụ nữ có “bàn tay vàng” với tâm huyết và niềm đam mê đã đưa thổ cẩm truyền thống xuất ngoại. Có thể kể đến bà H'Ler Êban (48 tuổi) ở buôn Kniêt, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Sản phẩm của bà đã được nhiều khách hàng trong nước và Việt kiều ở Mỹ, Australia, Canada, Phần Lan biết đến. Hay nghệ nhân Ván Thị Chi (xã Tân Thịnh, huyện Quang Bình, Hà Giang) đã đưa sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn đến với khách trong và ngoài nước, giúp nhiều người có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.
Tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), chị Sầm Thị Tình là thế hệ thứ tư trong gia đình đã khởi nghiệp và bước đầu gặt hái trái ngọt từ nghề truyền thống của gia đình, đặc biệt đã giới thiệu, bán được nhiều sản phẩm thổ cẩm người dân tộc Thái ra nước ngoài.
Hay như ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), chị Phạm Thị Y Hòa miệt mài “chắp cánh” cho sản phẩm dệt vươn xa. Chị cũng mong nhà nước, các cấp chính quyền có thêm chính sách hỗ trợ những phụ nữ dân tộc khởi nghiệp.
Qua đó, thu nhập của người dân từng bước được nâng cao, song người dân cũng mong sự hỗ trợ được kịp thời, có trọng tâm, tránh dàn trải, lãng phí.
Vũ Diệu Thảo