Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những người không có Tết

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, phố phường Hà Nội ngập tràn sắc xuân. Không khí một năm mới đang cận kề, nhưng những lao động nghèo từ quê ra phố vẫn miệt mài làm việc. Bởi, với họ Tết không phải để nghỉ ngơi, mà Tết vẫn chỉ là những ngày có thể tiếp tục kiếm tiền trên hành trình mưu sinh của họ.

 

Rưng rưng đêm Giao thừa

Chiều cuối năm, mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, gió rét thổi liên hồi, có mặt tại một bệnh viện của Hà Nội, được chứng kiến những lao động ở quê ra thành phố làm nghề chăm sóc người ốm trong bệnh viện. Họ cần mẫn, miệt mài bên người bệnh, nhẹ nhàng đút từng thìa cháo, miếng cơm, nhưng sâu thẳm trong ánh mắt của họ chất chứa nhiều nỗi niềm khi mà Tết Nguyên đán đang rất gần.

 

Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Ảnh: THU HÀ.


Chị Trần Thị Huệ, huyện Yên Lập (Phú Thọ), người có thâm niên trong việc chăm sóc người bệnh cho biết, hơn 12 năm đi chăm người ốm trong các bệnh viện ở Hà Nội thì có đến 10 năm chị phải ăn Tết xa nhà. Chị có hai con, một trai, một gái, đứa lớn đang học đại học Kinh tế năm thứ nhất, đứa thứ hai học lớp 10. Chồng chị sức khỏe yếu nên cả nhà chủ yếu trông cả vào chị. Quê chị còn rất nghèo nên nhiều người chọn con đường về Hà Nội làm nghề chăm sóc người ốm trong các bệnh viện. Gia đình chị cũng vậy, ruộng nương thì ít, ở địa phương lại không có việc làm thêm, trong khi các con lại học được nên chị phải bươn chải để lấy tiền trang trải học phí và chi tiêu công việc trong gia đình.

Ánh mắt đầy những tâm tư khi nhìn dòng người tấp nập trên phố, chị Huệ tâm sự: “Bắt đầu từ 26/12 âm lịch đến mùng 6 Tết, mỗi ngày làm việc chị được người nhà bệnh nhân trả lương gấp 3 lần so với ngày thường, 10 ngày Tết tính ra bằng hơn một tháng lương. Nói thật với em, cũng chỉ vì cuộc sống quá khó khăn, cứ nghĩ đến hai đứa con không có tiền đóng học, lại phải bỏ học giữa chừng như mình. Chứ thực ra cả năm mới có một cái Tết, không ai muốn xa chồng, con, gia đình. Đã nhiều năm rồi chị không về quê, đón Tết ở bệnh viện cùng bệnh nhân, có năm về chăm sóc người bệnh tại nhà. Mặc dù được nhà chủ đối xử tốt, nhưng vẫn buồn lắm khi mà gia đình họ quây quần tất bật, mình thấy chạnh lòng. Nhất là đêm Giao thừa, đứng trên ban công nhà cao tầng xem bắn pháo hoa thấy nhớ nhà, nước mắt cứ trào ra. Thôi thì cố gắng thêm vài năm nữa khi kinh tế ổn định hơn để không còn những cái Tết xa quê nữa...”.

Cũng như chị Huệ, anh Phạm Công Tiến (Yên Bái), đang chăm sóc người ốm tại Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương hài hước: “Nếu được tặng bằng khen cho nghề này thì tôi đã có dư”. Dù là câu nói hài, nhưng sâu thẳm trong nụ cười của anh phảng phất nét buồn. Anh tâm sự: “Tính đến nay cũng ngót nghét 17 năm làm nghề chăm người ốm, nếm trải đủ mọi sự vui buồn. Cũng may tôi là con thứ nên Tết đến mới vắng nhà được, nếu là con trưởng thì chẳng biết tính thế nào vì tôi còn mẹ già 95 tuổi. Năm nào cũng thế, giáp Tết tôi phải nhờ người làm cùng trông hộ người ốm một ngày để mang tiền về quê biếu mẹ già một ít và đưa cho vợ lo Tết, mua cho các con cái áo mới. Nhiều lúc nghĩ thương vợ lắm, Tết đến một tay cô ấy sắm sửa lo toan, còn các con thì cứ đòi bố phải ở nhà ăn Tết...”.

 

Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).


Như đoán được băn khoăn của tôi, anh liền nói: “Cũng vì gia cảnh nghèo khó, ruộng vườn quá ít, ở quê không có việc phụ để làm nên tôi và những người khác đành tạm thời bỏ quê đi biền biệt như vậy. Tôi cũng động viên vợ, cố gắng thêm vài năm nữa, khi dành dụm được ít vốn, con cái lớn khôn, tôi sẽ về quê đầu tư vào chăn nuôi lợn, gà, chứ đi làm thế này mãi sao được”.

Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, chị Nguyễn Kim Hiền (Thái Bình) gia cảnh rất đáng thương, chồng mất sớm, mình chị vất vả nuôi con trai đang học lớp 6. Để có tiền cho con ăn học, chị đành gửi con ở nhà với bác ruột rồi về Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô chăm người ốm. "3 năm đi làm là 3 năm không được về quê ăn Tết. Năm nào tôi cũng phải ở lại bệnh viện để chăm người bệnh vì người ta trả nhiều tiền hơn ngày thường. Tôi chỉ có thể gửi tiền về quê cho bác chuẩn bị bánh trái, mâm cỗ, mua cho con trai bộ quần áo mới. Ngày bình thường đã nhớ con rồi, nói gì đến Tết. Những lúc nhớ con quá, gọi điện về rồi con khóc, mẹ khóc, không nói được câu nào. Năm nay tôi vẫn không về ăn Tết cùng con được, ở lại đây làm để kiếm thêm chút tiền cho con chuẩn bị học kỳ mới...”, chị Hiền nghẹn ngào.

 Cung đường mùa xuân

Cùng cảnh không về quê ăn Tết như những người chăm sóc người ốm trong bệnh viện thì những tài xế taxi cũng vì mưu sinh nên rong ruổi trên những cung đường trong mấy ngày Tết, thậm chí đón Giao thừa luôn ngoài đường.

 

Vất vả mưu sinh trong những ngày cận Tết Nguyên đán. 


“Dịp Tết là tiền trong túi rủng rỉnh nhất, chỉ cần vài ngày Tết đã bằng làm cả tháng rồi. Hai vợ chồng em mới cưới nhau được 2 năm nay, vẫn kế hoạch chưa dám sinh con vì điều kiện kinh tế chưa cho phép. Nhà ở chúng em cũng phải đi thuê, mỗi tháng 3 triệu đồng. Biết là ngày Tết thì phải sum vầy, quây quần bên gia đình, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên hai vợ chồng cùng động viên, chia sẻ với nhau để hướng tới hạnh phúc lâu dài. Em chịu khó làm, sau này được lên chức bố thì ở nhà bế con cùng vợ...”, Nguyễn Văn Thành (25 tuổi) quê Bắc Giang, mới vào chạy cho một hãng taxi ở Hà Nội, cười hóm hỉnh cho hay.

Anh Trần Văn Tuân, 44 tuổi ở Nam Định, lái taxi ở Hà Nội được 5 năm tâm sự: “5 năm lái taxi thì có đến 4 năm ăn Tết... ngoài đường. Những ngày Tết, không được ăn bữa cơm trọn vẹn với mẹ và vợ, con, nhưng bù lại, tiền kiếm được khá hơn và cũng hay được lì xì thêm từ những người khách hào phóng, rồi những câu chuyện rôm rả của khách khi ngồi trên xe nên cũng đỡ buồn khi đón năm mới xa người thân. Ngược lại có năm đêm Giao thừa lại vắng khách, một mình thui thủi trong xe, đâu đó vọng lại câu hát “Mẹ ơi Tết này con không về...”, khiến lòng mình se sắt, nỗi nhớ nhà dâng trào. Cũng vì vay mượn tiền ngân hàng để làm nhà mới thay căn nhà cũ đã xập xệ, hai đứa nhỏ lại đang đi học. Ngoài mấy sào ruộng không biết trông chờ vào đâu để có tiền trả nợ và cho hai con đi học, nên những năm qua tôi đều không có Tết, nhiều lúc nghĩ cũng buồn, tủi lắm, nhưng chẳng còn cách nào khác...”.

Cuối năm, tiết trời lạnh hơn, những hạt mưa xuân rơi nhẹ, bên vỉa hè chậu quất, đào xếp gần nhau san sát. Người dân Thủ đô háo hức đi sắm Tết và ngắm nghía chọn cho mình cành đào, chậu quất ưng ý nhất để mang về nhà. Những em bé nắm tay mẹ chạy tung tăng trên phố, tay chỉ chỏ vào những cây quất sai trĩu quả. Xen lẫn không khí rộn ràng của Tết đang đến gần kia, vẫn có những ánh mắt đượm buồn luôn đau đáu hướng về miền quê, nơi đó có gia đình, người thân yêu của họ - những lao động ở lại phố mưu sinh trong những ngày Tết Nguyên đán.