Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những sắc thái của rồng trong văn hóa và đời sống

Trần Huyền
Trần Huyền

Từ xưa đến nay, rồng được coi là một loài vật tồn tại trong trí tưởng tượng và có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của nhiều nước trên thế giới. Nó vừa đại diện cho sức mạnh, sự thống trị, vừa đại diện cho trí tuệ và những điều tốt đẹp.

Nguồn gốc của loài rồng

Rồng là một trong những sinh vật thần thoại nổi tiếng và trường tồn nhất, được biết đến từ hàng ngàn năm nay. Những câu chuyện, tranh vẽ về rồng có trong văn hóa châu Mỹ, châu Âu và châu Á.

Rồng thường xuyên xuất hiện trong hầu hết các thần thoại cổ xưa và được coi là những sinh vật toàn năng của vũ trụ, được cho là vừa có lợi vừa có tính hủy diệt.

mua-rongmanh-quan25-1703826899220.jpg

Không rõ những câu chuyện về rồng xuất hiện lần đầu tiên khi nào và ở đâu, nhưng những con rắn bay khổng lồ đã được mô tả ít nhất là từ thời Hy Lạp, Sumer cổ đại và trong văn hoá phương Đông từ hàng trăm năm trước Công nguyên. Vai trò của rồng trong thần thoại khác nhau tùy thuộc vào nền văn hóa cổ đại nơi chúng xuất hiện.

Tuy nhiên, rồng được chia làm 2 nhánh rõ rệt là rồng châu Á, rồng châu Âu và tiếp tục được biến hoá theo quan niệm, phong tục của mỗi quốc gia tại các châu lục này.

Rồng trong văn hoá châu Á

Rồng châu Á hay còn được gọi là rồng phương Đông thường được coi là những sinh vật đại diện cho các thế lực nguyên thủy của tự nhiên và vũ trụ, là nguồn trí tuệ vĩ đại, có khả năng tác động đến mọi vật đặc biệt là nước.

Rồng có thể mang đến sự sống và thịnh vượng cho nông nghiệp nhưng cũng có thể tạo ra bão tố, sấm sét, lụt lội khi nổi giận. Rồng còn được gọi là Đông hải Long vương, mang ý nghĩa thần hộ mệnh, che chở cho người dân ở các vùng sông nước.

Với nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore, Thái Lan… rồng còn tượng trưng cho quyền lực cao nhất của vua, các thế lực thần thánh, của điềm lành và đại diện cho chủ nghĩa anh hùng, sự
 trỗi dậy…

Trong tạo hình, rồng phương Đông được miêu tả là sinh vật không có cánh nhưng vô cùng uyển chuyển, có khả năng bay lượn, biến hóa bí ẩn. Điều này đến từ sức mạnh thần bí chứ không phải là sự thích nghi về thể chất.

Rồng cũng được coi là một sinh vật đa diện khi mang nhiều sắc thái khác nhau. Khi xuất hiện ở những nơi linh thiêng, tôn nghiêm, hình tượng rồng thường có dáng vẻ uy nghiêm, dũng mãnh. Nhưng trong các lễ hội, trò chơi, thì rồng lại xuất hiện với dáng vẻ tinh nghịch, hài hước, đáng yêu.

Rồng trong văn hoá châu Âu

Nếu như rồng ở châu Á được coi là biểu tượng của sự may mắn thì rồng trong thần thoại châu Âu lại được coi là thực thể xấu xa. Dragon trong tiếng Anh được cho là bắt nguồn từ drakes trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “con rắn” và bị coi là ác độc, có mối liên hệ với các thực thể siêu nhiên xấu xa cũng như kẻ thù tự nhiên của loài người.

Trong thần thoại các quốc gia phương Tây, rồng thường là sinh vật độc ác cần phải đánh bại hoặc bị đánh lừa. Chúng được miêu tả là ác quỷ trong Kinh thánh, cả trong Cựu Ước và Tân Ước.

Nhiều truyền thuyết miêu tả rồng là sinh vật tham lam, tích trữ vô số vàng và các kho báu quý giá khác, đồng thời cũng bị đánh bại trong thần thoại và văn hóa dân gian.

Vì rồng được cho là đại diện cho mặt tối của con người như lòng tham, dục vọng và bạo lực nên việc chinh phục rồng tượng trưng cho việc đối đầu và dập tắt những bản năng xấu xa đó.

Rồng cũng được cho là kẻ thù của mặt trời và mặt trăng. Người xưa cho rằng, nhật thực xảy ra là do rồng nuốt chửng các thiên thể, điều này giải thích tại sao con rồng lại xuất hiện trong thiên văn học nguyên thủy trong cả văn hóa phương Đông và phương Tây.

Bên cạnh đó, rồng châu Âu được miêu tả có hình dáng giống loài bò sát, có một hoặc nhiều đầu, có vảy, có bốn chân và hai cánh giống dơi giúp chúng có thể bay.

Sức mạnh của rồng phương Tây hoàn toàn đến từ sức mạnh thể chất như móng vuốt sắc như dao cạo, kích thước khổng lồ và khả năng phun ra lửa, mang đến sự hủy diệt chứ không mang sức mạnh thần bí như rồng châu Á.

Sự xuất hiện của hàng loạt phim sử thi giả tưởng như “Trò chơi vương quyền”; “Người Hobbit”; “Bí kíp luyện rồng”… được cho là những tác phẩm kinh điển khi mô tả những con rồng vĩ đại, có đủ tính cách thiện, ác và là hình mẫu rồng trong thần thoại châu Âu.

Rồng trong đời sống của người Việt 

Từ xưa đến nay, rồng luôn được xem là biểu tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của Việt Nam. Chính vì thế, người Việt Nam vẫn thường suy tôn nguồn gốc của mình là “Con Rồng, cháu Tiên” bởi rồng chính là biểu hiện của niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn và là cảm hứng bất tận trong sáng tạo nghệ thuật.

Vào các dịp Tết nguyên đán, lễ hội, cưới hỏi, mừng tân gia, khai trương nhà hàng… đều không thể thiếu các điệu múa rồng và các vật phẩm về rồng để cầu chúc bình an, mang lại may mắn, vui tươi.

Đặc biệt, tại lễ hội Rằm Trung thu, hàng triệu trẻ em trên khắp đất nước đều cùng vui rộn ràng bên tiếng trống và điệu múa rồng sôi động.

Hiện nay, Việt Nam cũng được coi là “con rồng” mới nổi trong khu vực Đông Nam Á do sự tăng trưởng về kinh tế, ổn định về chính trị và thu hút được vốn đầu tư trên toàn cầu, mang lại đời sống ấm no, thịnh vượng cho người dân.

Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, ngàn năm trước đã được hình thành từ giấc mơ Thăng Long - rồng vàng bay lên của đức vua Lý Thái Tổ. Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), biểu tượng rồng thiêng được tái tạo và hiện diện rất nhiều nơi ở Thủ đô Hà Nội.

Đó là minh chứng hùng hồn nhất về sự hiện diện, tồn tại của rồng trong văn hóa và trong cộng đồng.

Quang Hưng

Tin liên quan