
Dùng điện thoại, máy tính bảng sớm hưởng xấu đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Ảnh minh họa
Bên cạnh các tác động tích cực như phục vụ cho việc tìm kiếm thông tin, học tập và trao đổi, mua sắm, giải trí… thì dùng điện thoại, máy tính bảng sớm có nhiều ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Theo khảo sát về sự an toàn trên mạng của Google trong năm 2022, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi, nhưng thực tế trẻ được cha mẹ cho xem điện thoại từ rất sớm, thậm chí có trẻ mới vài tháng tuổi đã tiếp cận các hình ảnh và video clip trên điện thoại.
Một nghiên cứu của Ðại học Lowa (Hoa Kỳ) phát hiện có 90% trẻ mới 2 tuổi đã biết dùng máy tính bảng.
Dùng điện thoại hoặc máy tính bảng sớm khiến trẻ phải đối mặt với các nguy cơ có hại cho sức khỏe như:
Mắc các bệnh về mắt
Máy tính, điện thoại là những thiết bị di động phát ra bức xạ HEV hay còn được biết đến với tên gọi “ánh sáng năng lượng cao” hoặc “ánh sáng xanh”. Bức xạ này rất có hại cho mắt. Nếu nhìn nhiều vào màn hình điện thoại, trẻ sẽ cảm thấy nhức mỏi, khô hoặc đau mắt, mắt nhìn mờ. Duy trì trong một thời gian dài, các tia HEV có thể gây ra các căn bệnh nguy hiểm như suy giảm thị lực, thậm chí gây ung thư mắt.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại. Ðèn flash của điện thoại cũng có thể khiến giác mạc trẻ tổn thương. Cha mẹ khi chụp ảnh cho trẻ nhỏ nếu bật đèn flash có thể khiến trẻ đối diện với nguy cơ suy giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.
Gặp các vấn đề về xương khớp
Sử dụng điện thoại, máy tính bảng trong khi ngồi sai tư thế có thể gây ra các bệnh nguy hiểm về xương. Việc cúi xuống để nhìn trong một thời gian dài khiến xương cổ bị tổn thương. Xương ngón tay, bàn tay cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu trẻ dùng bàn phím liên tục.
Ðã có nhiều trường hợp trẻ em bị lệch, võng xương vì sử dụng điện thoại, máy tính bảng.
Mất ngủ hoặc ngủ quá ít
Trẻ em thường xuyên sử dụng điện thoại dễ mất ngủ, giấc ngủ chập chờn, không sâu. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, suy giảm nhận thức ở trẻ nhỏ.
Ðặc biệt, khi trẻ sử dụng điện thoại về đêm, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình sẽ làm ức chế sản sinh melatonin. Ðây là loại hormone tự nhiên được sản sinh ở tuyến tùng có tác dụng ổn định thần kinh và duy trì giấc ngủ chất lượng.
Nguồn ánh sáng quá mạnh phát ra từ điện thoại đã đánh lừa não bộ nghĩ rằng đó chính là thời điểm ban ngày và cơ thể sẽ dần ngừng việc sản sinh ra melatonin khiến trẻ nhỏ không buồn ngủ hoặc khó có thể đi vào giấc ngủ.
Có thể dẫn tới béo phì
Nếu một đứa trẻ nghiện điện thoại nặng, chúng gần như không di chuyển. Hoạt động thể chất bị hạn chế, trẻ sẽ tăng cân. Theo một nghiên cứu, trẻ em dùng một thiết bị công nghệ trong phòng ngủ sẽ tăng 30% khả năng mắc các bệnh béo phì, sau đó chúng dễ bị bệnh tiểu đường, có nguy cơ đột quỵ cao và đau tim.
Trẻ hung hăng hơn
Khi dùng các thiết bị công nghệ, trẻ không học được sự đồng cảm. Những thông tin, hình ảnh và video bạo lực gây ảnh hưởng xấu tới trẻ, có thể sẽ làm chúng bớt nhạy cảm với bạo lực. Dù chúng có gây ra bạo lực với những đứa trẻ khác, chúng vẫn thấy đó là bình thường và hậu quả của việc này rất nguy hiểm.

Cha mẹ nên đưa ra các quy định về việc sử dụng điện thoại. Ảnh minh họa
Có thể bị trầm cảm
Tia bức xạ của điện thoại không chỉ gây nên những vấn đề về mắt mà còn có những tác động tiêu cực đến hệ thần kinh. Bức xạ điện thoại gây căng thẳng thần kinh não, tạo nên cảm giác hồi hộp, lo âu. Hơn nữa, quá đằm chìm vào điện thoại sẽ khiến trẻ bị cô lập với xã hội. Trẻ càng sử dụng điện thoại nhiều càng có cảm giác cô đơn và không tìm kiếm được hạnh phúc; chúng có thể bị trầm cảm lúc nào mà cha mẹ không hay.
Hạn chế khả năng giao tiếp
Ðối với những đứa trẻ chưa biết nói (dưới 2 tuổi) nếu thường xuyên tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng sẽ khiến trẻ bị hạn chế về khả năng sử dụng ngôn ngữ, chậm nói, vốn từ hạn hẹp hơn so với các trẻ cùng trang lứa.
Với trẻ lớn hơn, một khi sa đà vào các trò chơi trên điện thoại, các trang mạng xã hội, trẻ sẽ không còn thời gian để giao tiếp với cha mẹ, bạn bè và thầy cô, lâu dần cảm thấy ngại khi phải nói chuyện trực tiếp với một ai đó.
Giảm sự tập trung, trí não kém phát triển
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, việc sử dụng điện thoại trong thời gian dài sẽ khiến trẻ gia tăng nguy cơ mất tập trung. Trẻ nhỏ khó có thể chú ý hay tập trung lâu vào bất kỳ hoạt động nào.
Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ khiến cho bộ não hoạt động ít đi và phụ thuộc vào các thiết bị số, từ đó dung lượng bộ nhớ của não bộ cũng bị suy giảm đáng kể.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ dưới 1 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử và trẻ em từ 2 - 4 tuổi không nên ngồi yên một chỗ và sử dụng màn hình điện tử quá 1 giờ mỗi ngày. Không dùng điện thoại/ iPad sau 10 giờ tối.
Ảnh hưởng đến khả năng học hỏi
Theo một nghiên cứu, điện thoại thông minh thực sự có hại cho khả năng học hỏi của trẻ vì nó làm trẻ sao lãng sự chú ý. “Các thiết bị này cũng tác động đến sự phát triển giác quan vận động và kỹ năng vận động tinh (việc cầm, nắm đồ vật), ảnh hưởng đến khả năng học tập môn toán và khoa học”, bác sĩ Jenny Radesky, giảng viên lâm sàng khoa Nhi tại Ðại học Boston (Hoa Kỳ) cho biết.
Video và trò chơi trực tuyến cũng hạn chế những sáng tạo và trí tưởng tượng mới chớm nở của trẻ, làm chậm phát triển giác quan vận động và thị giác.
Sa sút khả năng học tập
Mải mê với thế giới ảo trên điện thoại, trẻ không chỉ mất dần sự kết nối với mọi người xung quanh mà việc học hành cũng sẽ bị sao nhãng. Nhiều trẻ lười học, học thiếu tập trung, dẫn tới thành tích học tập sa sút nghiêm trọng.
Cách hạn chế trẻ em sử dụng điện thoại
Cha mẹ nên đưa ra các quy định về việc sử dụng điện thoại. Ví dụ, con được phép dùng điện thoại một tiếng mỗi ngày sau khi học bài xong. Hết thời gian đó, con phải giao nộp lại điện thoại. Bên cạnh đó, bạn cũng nên rèn cho con thói quen nói “không” với điện thoại trong giờ ăn, giờ học hay trong phòng ngủ…
Hầu hết điện thoại di động đều có thể thiết lập “chế độ trẻ em”. Bạn không chỉ có thể cài đặt thời gian sử dụng cho trẻ, mà còn có thể lọc các trang web xấu và cấm tải một số ứng dụng không phù hợp.
Mặt khác, để trẻ không đắm chìm vào thế giới ảo trên điện thoại, cha mẹ cần tích cực cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng bạn bè, tham gia các lớp năng khiếu như võ, bơi, hát, vẽ… hoặc đi cắm trại, dã ngoại, sinh hoạt câu lạc bộ…
Và một điều không thể không nhắc tới, đó là bạn cần làm gương cho trẻ. Cha mẹ nên hạn chế sử dụng điện thoại trước mặt trẻ, đồng thời dành nhiều thời gian để trò chuyện và chơi cùng con.