Hoạt động đối ngoại luôn được chú trọng
Phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, hội nhập quốc tế và hoạt động đối ngoại luôn là lĩnh vực quan trọng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đặc biệt chú trọng ngay từ khi thành lập. Các hoạt động đối ngoại của GHPGVN được xác định rất rõ theo đúng đường lối đối ngoại của Ðảng và Nhà nước là làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, coi hoạt động đối ngoại của Giáo hội là ngoại giao nhân dân và ngoại giao văn hóa.
Ngay từ khi mới thành lập, GHPGVN đã tích cực thể hiện tư cách là thành viên sáng lập và thành viên của các tổ chức Phật giáo quốc tế như: Hội Liên hữu Phật giáo thế giới tại thủ đô Colombo, Sri Lanka; Hội Phật giáo châu Á vì hòa bình; Hội Phật giáo thế giới truyền bá chính pháp; Hội Ðệ tử Như Lai tối thượng (Sri Lanka); Ủy ban quốc tế Ðại lễ VESAK Liên hợp quốc (IOC, Thái Lan); Ủy ban Ðại học và Cao đẳng Phật giáo thế giới tại Thái Lan; Hội Sakyadhita thế giới; Liên minh Phật giáo toàn cầu tại Ấn Ðộ... Giáo hội cũng đã thành lập Phân ban Phật giáo châu Á vì Hòa bình Việt Nam (ABCP Việt Nam) thuộc Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN.
Trong 40 năm qua từ chỗ không chủ động trong các mối quan hệ bang giao Phật giáo quốc tế, GHPGVN đã tích cực thể hiện sự chủ động và khẳng định vai trò của mình trong hội nhập quốc tế. GHPGVN đã và đang liên kết thân hữu với Phật giáo các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Mianma, Mông Cổ, Sri Lanka, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Pháp, vùng lãnh thổ Ðài Loan và một số nước thuộc châu Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ. GHPGVN đã thành lập và lãnh đạo các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước Nhật Bản, Ðức, Bỉ, Pháp, Cộng hòa Séc, Ukraina, Hungary, Hàn Quốc...
Nhằm trao đổi kiến thức và giao lưu về mặt học thuật trên diễn đàn Phật giáo quốc tế, GHPGVN đã cử đoàn tham dự rất nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế… Chủ động gửi các tăng, ni đi đào tạo, du học nước ngoài, nhằm làm sâu sắc hơn sự hiểu biết về Phật giáo và các tôn giáo khác. Ðến nay, Giáo hội đã giới thiệu gần 1.000 tăng, ni đi du học ở các nước: Ấn Ðộ, vùng lãnh thổ Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Myanma, Thái Lan, Sri Lanka... Ðã có khoảng hơn 200 tăng, ni sinh đã tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về nước phục vụ công tác và là nguồn nhân lực quan trọng của hệ thống đào tạo giáo dục tăng, ni của GHPGVN.
Ngoài 8 lần đoàn đại diện GHPGVN tham dự Ðại lễ Vesak Liên hợp quốc tại Thái Lan và 2 lần Ðại lễ VESAK Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ). Với quyết tâm và nỗ lực của mình, GHPGVN còn đăng cai tổ chức Ðại lễ VESAK Liên hợp quốc năm 2008 (tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội), năm 2014 (tại chùa Bái Ðính, tỉnh Ninh Bình), năm 2019 (tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) với sự hiện diện của gần 112 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ðại lễ VESAK tại Việt Nam đạt nhiều thành quả tốt đẹp qua cái nhìn đầy khâm phục của các nước Phật giáo và các tổ chức quốc tế về Việt Nam nói chung, GHPGVN nói riêng. Ðây là thành tựu nổi bật nhất trong sứ mệnh hội nhập quốc tế của GHPGVN. Giáo hội cũng đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ XI tại Nhà truyền thống Văn hóa Phật giáo TP.HCM.
Thành tựu Phật giáo Quốc tế còn đánh dấu qua việc nhận lời mời của GHPGVN, Thủ tướng cộng hòa Ấn Ðộ Naran Da Moni thăm trụ sở Trung ương GHPGVN tháng 9/2016 và trong tuyên bố chung của Thủ tướng 2 nước đã có điều khoản Ấn Ðộ cấp học bổng cho tăng, ni GHPGVN học tập và nghiên cứu tại Ấn Ðộ.
Qua đó, khẳng định vai trò của GHPGVN trong hoạt động đối ngoại nhân dân.
Tiếp tục vững vàng đường hướng Dân tộc – Đạo pháp – Chủ nghĩa Xã hội
Có thể nói, các hoạt động quốc tế của GHPGVN đã đạt nhiều thành tựu trong 40 năm qua, đồng thời là cầu nối để phục vụ cho cộng đồng bà con ở nước ngoài hướng về Tổ quốc. Việc gìn giữ văn hóa Phật giáo cũng chính là gìn giữ huyết mạch của dân tộc, văn hóa dân tộc.
Ðể nâng cao tầm vóc của Phật giáo nước nhà trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, GHPGVN tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh, kiên định lý tưởng dân tộc - đạo pháp - chủ nghĩa xã hội. Ðổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tử. Ðịnh hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo, góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội. Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng, ni của GHPGVN. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam bảo đảm có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.
Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, kết nối chặt chẽ với các hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của tăng, ni theo đúng Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước.
Ðẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của tăng, ni, phật tử của tổ chức GHPGVN các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.