Trong những ngày ở nhà tránh dịch thế này sự bức bối, khó chịu thỉnh thoảng cứ đan xen, khiến bạn thật sự chỉ muốn nhanh chóng được ra ngoài, được trở lại cuộc sống bình thường và nhất định sẽ phải đi một chuyến du lịch đâu đó cho thư thả tâm hồn. Và suốt gần 2 tuần qua bản thân tôi cũng như thế đó.
Nhất là những ngày cuối tuần khi không còn việc để làm thì tôi lại bất giác mở laptop ra xem vài album cũ về những chuyến đi ở khắp mọi miền đất nước mà mình đã từng đi qua. Hà Nội, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Nha Trang, Đà Nẵng,... đều đọng lại quá nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng thật lạ thay, chiếc folder miền Tây chỉ với vài bức ảnh được chụp từ 3 tháng trước lại khiến tôi như bị hớp hồn vào những khung cảnh đơn sơ, mộc mạc với các món ăn bình dị mà mình đã được thưởng thức một cách khá vội vàng từ dạo ấy. Bởi khi đó tôi từng nghĩ những món này ở quê chẳng có gì đặc biệt, về lại Sài Gòn cũng bao la nên chẳng để tâm nhiều đến nó, ấy vậy mà bây giờ nhìn xong lại thèm vì có tiền muốn ăn cũng không ai bán đủ đầy như trước kia.

Chợ Đất Sét là ngôi chợ lớn nhất ở xã Mỹ An Hưng B, thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, phục vụ hầu hết mọi nhu yếu phẩm của người dân quanh khu vực này và dĩ nhiên còn là thiên đường của hàng trăm món ăn "đỉnh" nhất miền Tây.
Góc chợ quê

Không biết bạn như thế nào chứ mỗi lần về miền Tây thì một tronng những nơi tôi thích ghé nhất chính là chợ. Vì chúng là nơi có thể phản ánh hầu hết mọi thói quen sinh hoạt, nếp sống cũng như văn hóa của người bản địa.
Đặc biệt chợ miền Tây còn chứa đựng rất nhiều hình ảnh quen thuộc khiến tôi dễ dàng liên tưởng đến một miền ký ức tuổi thơ mà đã từ lâu lắm rồi tôi chưa nhìn thấy lại ở Sài thành. Nhất là cái không khí gần gũi, chân chất của các cô, các dì gọi nhau chào hàng đều thấy khác hẳn với trên thành phố.
Một điều đặc biệt nữa là ở chợ miền Tây hầu hết tập trung tất cả những món ngon, đặc sắc nhất đại diện trong vùng điển hình như...
Hủ tiếu nơi góc chợ

Hủ tiếu là một món ăn khá thông dụng nhất là ở Sài Gòn, thế nhưng đối với miền Tây thì nó còn là thứ đặc sản mà nhất định ai tới cũng phải thử một lần bởi sự đậm đà từ nước dùng, các loại nguyên liệu phong phú như: thịt, tôm, cật, gan (heo) cũng được lấy từ miền Tây sông nước nên phải nói là xuất sắc, khó quên mà giá còn rất rẻ chỉ độ khoảng 15 - 30k đã có một tô "chà bá lửa" ăn no say.
Bàn cà phê "cổ"
Cà phê thì đâu cũng có, nhưng ở miền Tây cũng có vài nét đặc trưng rất riêng với chiếc bàn be bé được phủ lớp trải bàn hình bông đủ màu sắc, ấm nước sôi thì luôn dùng bình Rạng Đông màu đỏ cùng cà phê pha vợt. Giá chỉ hơn 10 nghìn đồng ấy mà mấy bác, mấy chú đàn ông, thanh niên ở đây có thể ngồi suốt cả ngày thay cơm cũng được.
Xôi ngọt 5k/gói

Ta nói về miền Tây mà không ăn xôi ngọt cũng phí lắm nha. Nhất là xôi có dừa hay đậu phộng thì khó nơi nào làm lại. Chúng còn là cả ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ nơi đây thường ăn vào mỗi buổi sáng trước khi đi học.
Bọc sơ ri "cóc tai" đập đá

Nhìn hình chắc khó mà nghĩ được đây là món gì, nhưng nếu tả kỹ một chút rằng múc vài muỗng này vào ly, cho thêm đá bào, siro dâu lên mặt thì chắc chắn những đứa trẻ miền Tây hay Sài Gòn đời 9X, 8X đều nhớ đó chính là "cốc tai" sơ ri thần thánh.
Xe bánh tét mini

Bánh Tét với bạn có thể chỉ ăn dịp Tết hoặc đám giỗ, nhưng ở miền Tây thì ăn quanh năm suốt tháng đều được. Bởi nên thỉnh thoảng bạn sẽ nghe người ta rao "ai Tét không", "bánh Tét đây" lúc sáng sớm hay tối mịt là vậy đó.
Xe bỏng gạo ngập tràn ký ức tuổi thơ

Nhắc tới món này thì nhiều người phải hét toáng lên vì nhớ, vì thèm đây này. Mà quan trọng là ở các thành phố lớn hiếm khi nào thấy cận cảnh người ta làm gạo, xay gạo rồi rang gạo,... để ra món bỏng nóng hổi thơm phức đứng cách xa chục thước cũng ngửi được.
Trước đây món này là thứ quà vặt phổ biến của tất cả đám nhỏ trong xóm vì nó thơm, ăn vào có vị ngọt ngọt từ gạo mà có khi ăn đến no cũng chẳng thấy ngán là gì.
Bánh mì đặc ruột thơm bơ

Bánh mì miền Tây có phần to và đặc ruột hơn bánh mì Sài Gòn.
Bánh lọt của bà ngoại ở góc chợ

Cốm gạo ngọt bùi giòn rụm

"Bánh tiêu bánh cam đêeee"
"Bánh bò bánh da lợn nè mấy đứa"
Bún cá bà năm
