Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những vấn đề bật ra trong lũ lụt

 
 
Lũ lụt ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân miền Trung. Ảnh: KT
 
Dù đã đề phòng, thiệt hại vẫn rất lớn
 
Mưa và lũ lụt ở miền Trung là câu chuyện không mới, thậm chí chúng ta đã có những phương án phòng chống khá chi tiết. Hơn thế nữa, trước và trong khi xảy ra ngập lụt, Chính phủ đã có công điện yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó, giảm bớt thiệt hại. Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng đoàn đã chỉ đạo sâu sát trong việc ứng phó với mưa lũ. Tuy vậy, mức độ thiệt hại người và của vẫn khá cao. 
 
Tính đến sáng 16/10/2016, mưa lũ trong những ngày qua tại các tỉnh miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã làm 15 người chết (Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 9 người, Thừa Thiên - Huế 2 người). Có 9 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 8 người); 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 3 người, Thừa Thiên - Huế 2 người). Có 7 nhà bị sập hoàn toàn; số nhà bị ngập: 98.215; diện tích lúa bị ngập: 1.598ha; hoa màu bị ngập: 9.143ha. Nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở, gây ách tắc giao thông...
 
Ngành Giáo dục thiệt hại nặng nề. Ở Quảng Bình có tới 70% trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng nặng. Có 1.500 phòng học, 370 phòng chức năng, gần 400 phòng nội trú bị hư hỏng. Nhiều thiết bị phục vụ công tác dạy và học như: máy vi tính, bộ thiết bị dạy học, sách giáo khoa bị ngập nước, hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 105 tỷ đồng; 7 trong số 9 người tử vong là học sinh. Tỉnh Hà Tĩnh bị ngập lụt trên diện rộng, trường lớp hư hại nhiều, hàng ngàn học sinh không thể đến trường; tổng thiệt hại 994 tỷ đồng. Tỉnh Nghệ An cũng bị thiệt hại đáng kể, số tài sản, hoa màu bị mất mát có thể lên đến gần 500 tỷ đồng.
 
Đấy là chưa kể những thiệt hại, mất mát không thể tính ra bằng tiền, nhưng chúng ảnh hưởng lớn tới đời sống cũng như sản xuất kinh doanh. Chúng ta sẽ tiến hành đánh giá tổng mức thiệt hại sau khi có báo cáo đầy đủ của các địa phương. Tuy nhiên, phải tìm cho ra nguyên nhân để khắc phục.
 
 
Thủy điện Hố Hô xả lũ. Ảnh: KT
 
Sợ trách nhiệm thì không bao giờ tìm ra nguyên nhân của vụ việc
 
Ai cũng nghĩ, thiên tai thì phải chấp nhận. Song, những thiệt hại trong trận lụt vừa qua có những yếu tố do con người gây nên. Cách đây mấy năm, đã có người có trách nhiệm cho rằng, việc xây dựng đường, thủy điện có những điều bất hợp lý. Rồi việc xả lũ cũng góp phần làm cho thiệt hại tăng lên. Cụ thể, các chuyên gia cũng như cán bộ lãnh đạo Hà Tĩnh cho rằng, thủy điện Hố Hô xả lũ không hợp lý, quá bất ngờ khiến dân trở tay không kịp.
 
Người của nhà máy thủy điện khi nào cũng dùng chiêu bài “đúng quy trình” để bao biện cho việc làm của mình. Nhưng quy trình là do con người sinh ra, nó phải nhằm bảo đảm an toàn cho công trình thủy điện cũng như cuộc sống của người dân. Đó mới là quy trình đúng. Còn Nhà máy Thủy điện Hố Hô thông báo xả lũ vào chiều tối 14/10/2016 (lúc 16:00) và xả nước ngay sau đó khoảng 2 giờ. Đây là khoảng thời gian quá ngắn để chính quyền các xã, thôn và các gia đình tại huyện Hương Khê sơ tán người và của cải. 
 
Chúng ta đã có những bài học xả lũ bất ngờ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và tài sản của người dân rồi. Đó là việc hồ Vực Mấu tại Nghệ An năm 2013; thủy điện Phú Yên năm 2014; và năm 2016 lặp lại với việc thủy điện Hố Hô gây thiệt hại lớn về người và của. Ở đây, phải nói thẳng là chúng ta xử lý chưa đến nơi đến chốn do một số cán bộ sợ trách nhiệm. Cái bình phong “đúng quy trình” che chắn cho rất nhiều người, giúp họ không phải chịu trách nhiệm do trình độ yếu kém, cách làm việc cẩu thả gây ra. Nếu lần này chúng ta không kiên quyết tìm ra nguyên nhân của việc thiệt hại to lớn, không quy trách nhiệm cho những cá nhân cụ thể, chắc chắn những năm sau thiệt hại vẫn xảy ra.

Đi tìm những biện pháp hạn chế thiệt hại
 
Việc nhân dân cả nước tích cực giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt phần nào làm giảm bớt nỗi khổ của họ. Việc giúp cái ăn, cái uống, cái mặc là rất quý giá, nhưng chúng cũng chỉ giúp người dân vùng lũ sống tạm qua ngày. Sự giúp đỡ này khó có thể đặt nền móng cho cuộc sống yên bình lâu dài. Vậy điều cơ bản là phải tìm ra những giải pháp giải quyết cơ bản việc thiệt hại do mưa lũ gây ra.
 
Thứ nhất, phải có sự tham gia của các nhà khoa học vào việc hoạch định chính sách phát triển; có quy hoạch xây dựng các công trình giao thông, nhà máy thủy điện hợp lý. 
 
Thứ hai, phải tính tới quyền lợi cơ bản của những người dân sinh sống trong vùng, từ ảnh hưởng của môi trường thiên nhiên đến môi trường xã hội; nghĩa là cần tạo ra cơ chế để người dân giám sát cách thức hoạt động của chính quyền và các cơ quan chức năng, trong đó có việc giám sát xả lũ. 
 
Thứ ba, cần tính tới và triển khai việc tham gia thị trường bảo hiểm thiên tai của các tỉnh miền Trung. Đây là công việc mới mẻ nhưng cần thiết. Chúng ta phải có những chuyên gia, những nhà khoa học và những nhà doanh nghiệp tư vấn cho chính quyền để thực hiện việc này. Ở đây phải thấy được vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội thông qua những việc làm cụ thể.
 
Lũ lụt là điều không ai muốn những nó vẫn xảy ra. Do đó, việc phải tìm cách sống chung, nghĩa là trong hoạch định tương lai có tính tới những chi phí nhằm giảm bớt thiệt hại, mất mát. Những điều này đã lấp ló trong đầu những người đi khắc phục hậu quả lũ lụt nhiều năm nay, đến nay chúng đã định hình và bật ra.
                                                                                                         

 
Nhân dân cả nước tích cực giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt. Ảnh: KT
 
Thách thức và cơ hội
 
Đây là cụm từ được nhắc tới nhiều trong đời sống hiện nay. Vậy đâu là thách thức, đâu là cơ hội cho các tỉnh miền Trung trong thời kỳ khí hậu biến đổi rất mạnh mẽ này?
 
Thách thức thì có nhiều và rất dễ nhìn ra: hạn hán, bão lũ, môi trường sống xấu đi, tài nguyên cạn kiệt… Còn cơ hội ở đâu? Làm thế nào để biến những thách thức này thành những cơ hội?
 
Đầu tiên, có lẽ chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận của mình. Hiện các tỉnh miền Trung chủ yếu làm nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Trước mắt, chưa thể thay đổi tập quán kiếm sống này được, nhưng có thể thay đổi cơ cấu cây trồng, cách thức đánh bắt và chế biến hải sản. 
 
Lúa gạo rất quan trọng, nhưng giá trị chúng mang lại trên một hecta canh tác không cao so với đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc bộ. Vậy có thể tìm loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Loại cây gì cụ thể thì phải tìm tòi, nghiên cứu, nhưng rất nên tìm cây thay thế dần cây lúa.
 
Ngư dân của các tỉnh miền Trung rất “thiện chiến”. Họ có thể bám biển dài ngày, đánh bắt xa bờ kết hợp với bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Lượng hải sản họ đánh bắt được hiện nay là khá lớn, nhưng cách bảo quản, chế biến, tìm thị trường tiêu thụ chưa mang lại cho họ nhiều lợi nhuận. Vậy, thử tìm cách nâng cao giá trị hải sản trong khâu bảo quản, chế biến, lưu thông…
 
Thật ra, để biến thách thức thành cơ hội, chúng ta phải cần đến những nhà khoa học có tâm huyết. Chỉ có kiến thức khoa học, công nghệ mới có thể chỉ ra con đường đối phó có hiệu quả với khí hậu biến đổi. Điều này là không dễ dàng nhưng cuộc sống chỉ ra rằng, con người vốn thích nghi được với mọi hoàn cảnh. Vì vậy, hãy lạc quan!
 
                                                                 Đàm Trọng

Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em