Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ninh Bình: Tăng cường phòng, chống mua bán người

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức xã hội và nhân dân trong thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, UBND tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm buôn bán người.

 

Năm 2017, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng tại Ninh Bình đã được các cấp, các ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm có liên quan đến mua bán người; đồng thời làm tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, từng bước ổn định cuộc sống. Do đó đã kiềm chế được hoạt động của loại tội phạm này, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, năm 2018, do tác động của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tội phạm nói chung, nhất là việc di cư bất hợp pháp, chuyển dịch lao động giữa các quốc gia nên tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên cả nước nói chung và trong tỉnh ta nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp.
Được biết vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã hành kế hoạch Số 94/KH-UBND nhằm thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về thực hiện pháp luật phòng, chống mua bán người.Mục đích của Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức xã hội và nhân dân trong thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán để nâng cao hiệu quả công tác này đảm bảo an ninh trật tự phục vụ tốt cho công tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuyên truyền phòng chống mua bán người (ảnh mh)
Theo kế hoạch được phân công, Công an tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020. Tổ chức sơ kết, tổng kết các chuyên đề công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, đấu tranh có hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của loại tội phạm này.
Thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống mua bán người; chỉ đạo làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn dân cư, các cơ sở du lịch, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu để kịp thời phát hiện, đấu tranh với các đối tượng có biểu hiện nghi vấn mua bán người, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người; tăng cường, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi mua bán người theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động tham mưu cho cấp, chính quyền các cấp và phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người.    
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống mua bán người, nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân ở khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng và vùng nước cảng của tỉnh; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn với tội phạm mua bán người và tổ chức giải cứu, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán trở về trên khu vực, địa bàn quản lý khi có yêu cầu.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với các trung tâm môi giới, công ty chuyên về hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhằm tránh việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người với mục đích bóc lột sức lao động, hoạt động mại dâm, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Tổ chức nghiên cứu, đề xuất các ban, ngành Trung ương sửa đổi và hoàn thiện Thông tư liên tịch số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/9/2013 của Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH theo hướng tăng mức hỗ trợ, tạo những điều kiện thuận lợi cho nạn nhân được tiếp cận với các dịch vụ vay vốn, học nghề, tạo việc làm... để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm thống nhất quy trình phối hợp trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, nhà cung cấp dịch vụ và nạn nhân, người nhà nạn nhân. Chỉ đạo việc tổ chức tiếp nhận, tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về một cách hiệu quả hơn, tạo điều kiện giúp đỡ họ khắc phục khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm về bản thân, hỗ trợ học nghề, đào tạo việc làm để họ ổn định cuộc sống.
Các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống mua bán người gắn với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần nâng cao khả năng tự phòng ngừa bị mua bán. Quan tâm, bố trí nguồn ngân sách phù hợp dành riêng cho công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đảm bảo cho công này tác này thực hiện có hiệu quả. Chỉ đạo làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự để phòng, chống mua bán người; công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về để sớm tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người...