
Hà Nội - ngày trở về.
Từ quá khứ hào hùng…
Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, đặc biệt là sau thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Đến 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng.
15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Sau 64 năm, Hà Nội vẫn lưu giữ những hình ảnh đã rất đỗi thân quen, là niềm thương nỗi nhớ với mỗi người dân đất Việt. Đó là một Hồ Gươm lung linh trong nắng sớm, một Hồ Tây lãng đãng sương mờ. Là những con người Hà Nội với nếp sinh hoạt, thói quen không dễ đổi thay đã làm nên phong thái con người đất Tràng An. Và vẫn là một Hà Nội với những phố phường rộn ràng, đông đúc, nhưng song song với đó, trong nhịp sống đô thị hiện nay, Hà Nội đã và đang khoác lên mình chiếc áo mới, diện mạo mới với những bước tiến dài, những đổi thay ngoạn mục và điều đó đã khơi dậy biết bao cảm xúc trong lòng mỗi con người đang sống, làm việc, cống hiến trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính xứng đáng với tầm vóc Thủ đô hiện đại, hàng loạt công trình, các tòa cao ốc, những khu đô thị mới đua nhau mọc lên theo cùng sự gia tăng dân số, sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Những con đường, những cây cầu, những tuyến phố được nâng cấp, mở rộng không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô, mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận.
Cùng với mục tiêu kinh tế tăng trưởng cao, ổn định, với cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại và xây dựng Thủ đô thành trung tâm văn hóa tiêu biểu của quốc gia, Hà Nội cần tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại, nhằm nâng cao chất lượng sống cho con người.

Mùa thu Hà Nội.
Tự hào là Người Hà Nội
Trong nhiều sự đổi thay, nhiều khi đến xáo trộn, không chỉ người dân Thủ đô mà mọi miền đất nước, bạn bè quốc tế đều tin rằng, nét “chẳng thơm cũng thể hoa nhài…” không bao giờ mất được, bởi chúng vẫn trong lòng người Hà Nội và người yêu Hà Nội. Ai chẳng muốn ít ra một lần trong đời được đi bộ trong 36 phố phường, được có một mùa hè bằng lăng tím lộng lẫy trên các con phố, một mùa thu xao xuyến hương hoa sữa, một mùa đông lá trút trên mái phố se lạnh, một mùa xuân rạo rực hoa đào đầu ô…
Nhưng điều ấy, tuy cũng đáng để tự hào lắm, cũng chỉ mới có giá trị về mặt thời gian. Quan trọng nhất là văn hóa, là cốt cách, là thần thái của người Hà Nội đã ngấm vào tận huyết quản của mỗi con người, tạo nên những nét riêng biệt, bao gồm cả hay cả dở, cả mặt được và chưa được của người Hà Nội.
Vậy thì điều gì khiến Người Hà Nội rất tự tin và tự hào khi khẳng định rằng: dù sống ở chốn nơi nào trong đất nước mình cũng như trên thế giới, thì người Hà Nội luôn mong muốn làm đẹp thêm cái tiếng “Người Hà Nội” của mình mà thôi.
Theo cách riêng của mình, người đang sống ở đây luôn ý vị làm cho người khắp nơi hiểu là dẫu phải chịu nhiều biến động về xã hội và văn hóa thì vẫn còn, luôn luôn còn, những người Hà Nội đúng với nghĩa đẹp của danh xưng này, cùng nâng niu những giá trị vẫn tiếp nối bây giờ và mai sau.

Hồ Gươm.
Trở thành những người hiểu biết và sống sao cho tử tế, có lẽ là mục đích cuối cùng, là cái đích để vươn tới trong nếp nhà của những gia đình Hà Nội. Những điều cốt lõi ấy khiến cho giá trị truyền thống tồn tại được ở đời một cách vừa khiêm nhường vừa kiêu hãnh. Những điều cốt lõi ấy khiến họ được nhận ra mình là người Hà Nội - người Hà Nội từ giọng nói, cách nói, từ quần áo trang phục đến từng ánh mắt, nụ cười…
Và đặc biệt hơn cả để hiểu rằng còn một vẻ đẹp khác của con người luôn tỏa sáng, đó là vẻ đẹp của nhân cách, của trí tuệ - những vẻ đẹp đó mới làm nên cốt cách của một con người, của vùng đất, làm nên giá trị tồn tại theo thời gian.
Điều gì khiến Người Hà Nội rất tự tin và tự hào khi khẳng định rằng: Dù sống ở chốn nơi nào trong đất nước mình cũng như trên thế giới, thì người Hà Nội luôn mong muốn luôn làm đẹp thêm cái tiếng “Người Hà Nội” của mình mà thôi!
Sơn Thành/GĐTE