Huế từ lâu đã nổi tiếng như một “bức tranh” không gian văn hóa lịch sử đặc sắc. Trong bức tranh đầy màu sắc ấy, nghệ thuật làm hương được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng.
Khi nhắc đến Huế, nghệ thuật làm hương đã trở thành một phần không thể thiếu của di sản văn hoá, với ảnh hưởng sâu sắc đến cảnh quan và cuộc sống hàng ngày của người dân. Làng Hương từ đó cũng được hình thành một cách tự nhiên, hòa vào đời sống của chính những người thợ làm hương.
“Hương thơm Huế” - Nghệ thuật làng Hương
Nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa chính là làng Hương lớn nhất xứ Huế - làng hương Thuỷ Xuân, nổi tiếng với nghề làm hương hàng trăm năm nay. Nghệ thuật làm hương và hương trầm tại Huế đã xuất hiện từ lâu trong các nghi lễ tôn giáo và lịch sử của mảnh đất cố đô.
Hương ở Thủy Xuân có mùi thơm đặc trưng và chất lượng tốt. Hầu hết người dân ở đây đều làm nghề se hương, sống bằng nghề làm hương. Nghề truyền thống của ông cha đã ăn sâu vào máu thịt của người dân làng Thủy Xuân. Họ say mê, yêu nghề, tỉ mẩn với nghề từ sáng đến tối.
Mệ Tuyết, một trong những hộ gia đình kinh doanh hương trầm tại làng Thuỷ Xuân chia sẻ: “Nhà mệ (bà) làm ở đây từ lúc đường Huyền Trân Công Chúa còn "khỉ ho cò gáy lắm" (cười). Mệ cũng như mọi đứa trẻ khác trong làng, cha mẹ làm nghề thì con cũng làm theo. Ngày xưa mọi thứ đều thủ công, lại còn "của nhà trồng được" nên không tốn kém gì cả, nó như một hoạt động hằng ngày của mệ. Nó cũng như một hoạt động gắn bó giữa mệ và mẹ của mệ vậy. Chắc mọi đứa trẻ ở làng Thuỷ Xuân này đều sinh ra và lớn lên với mùi từ những bó hương nhà làm”.
“Mệ cũng sống đủ lâu chứng kiến những thăng trầm của thức nghề này. Khởi phát của nghề làm hương thủ công tại đây đơn giản với mục đích thu nhập, còn đơn sơ lắm, quy mô cũng nội trong tỉnh, trong làng. Trước Covid-19 một vài năm chính là lúc du lịch Huế phát triển, thì làng hương được biết đến nhiều hơn. Việc làm hương lúc đó không chỉ là đến kinh doanh nữa, mà còn để trưng bày, làm đẹp.”
Người làm hương ở Huế thường sử dụng các nguyên liệu tự nhiên và các thành phần truyền thống khác. Quy trình làm hương không chỉ là công việc mà còn như một hành trình tìm kiếm vẻ đẹp, sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Hương thơm từ các sản phẩm tại làng Hương không chỉ là một trải nghiệm giác quan mà còn là một “kỳ quan” mùi hương trong lịch sử văn hoá của thành phố - mùi hương gắn liền với Đại nội kinh thành Huế cổ kính.
Người làm hương trong làng không hay nhận mình là “nghệ nhân”, bởi với họ, hương và công việc làm hương đã như ở trong từng hơi thở từ khi họ sinh ra, được nuôi dưỡng bởi thức nghề này. Họ không chỉ làm nghề, mà còn là những người sáng tạo, người gìn giữ tinh hoa, bí quyết làm hương truyền thống từ đời này sang đời khác. Chính sự tâm huyết bền bỉ của những người thợ đã là một sợi chỉ kéo dài truyền thống và làm tăng giá trị văn hoá của mảnh đất nơi đây.
Gìn giữ “bảo vật” văn hoá tại làng nghề hương Thuỷ Xuân
Nghệ luật làm hương trầm nói chung và hình ảnh làng hương Thuỷ Xuân không chỉ mang vai trò kinh tế mà còn là một bảo vật văn hoá, làm phong phú thêm bức tranh độc đáo của thành phố này.
Tầm ảnh hưởng của nghề làm hương không chỉ xuất hiện trong không gian thơ mộng của Huế mà còn trong tâm hồn và trải nghiệm của những người đã đi qua những giai đoạn thăng trầm của làng nghề truyền thống này.
“Nghề làm hương truyền thống, trước tiên giúp giải quyết được vấn đề công ăn việc làm cho người dân ở làng. Việc phát triển làng Hương cũng giúp thúc đẩy ngành du lịch tại Huế. Làm nghề nào thì sinh sống theo nghề đó. Với những người làm hương như mệ, đó là một công việc, nhưng nó cũng giúp cho văn hoá truyền thống, nét đặc trưng Huế được giữ gìn”, mệ Tuyết bộc bạch.
Các mẫu hương được đa dạng hoá về mùi, màu sắc hay hương trầm được làm với nhiều mẫu mã khác nhau cho thấy được văn hoá làm hương tại Huế vẫn không ngừng tiến bộ, giữ được tính truyền thống và không làm mất đi màu sắc hiện đại và sáng tạo.
Nghề làm hương trầm không chỉ làm phong phú thêm văn hoá cố đô mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản. Việc sử dụng hương, hương trầm tự nhiên không chỉ làm nổi bật văn hoá truyền thống mà còn giúp duy trì môi trường và cộng đồng sản xuất trầm tự nhiên.
Cô Tôn Nữ Phước Hạnh, chủ một cửa hàng hương lâu năm trong làng Thuỷ Xuân chia sẻ: “Tính đến năm nay dì đã làm nghề được 22 năm rồi. Việc làng Hương được đưa vào du lịch là một sự ngẫu nhiên. Với dì, nó cũng là một sự may mắn và biết ơn khi làng nghề thủ công truyền thống của Huế được gìn giữ và bảo tồn, phát triển không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Nguồn thu nhập chính của gia đình dì chủ yếu là nguồn khách nước ngoài đổ sỉ khi họ ghé Huế đi du lịch. Bây giờ các hộ gia đình ở đây cũng mở rộng thêm, không chỉ làm hương, mà còn làm nón và kinh doanh các sản phẩm lưu niệm.”
“Bản thân dì coi đây không chỉ là công việc kinh doanh, mà còn là việc truyền nối giữa các thế hệ. Nếu sau này con cháu theo được nghề thì tốt, nhưng nếu không thì dì cũng chỉ mong rằng các thế hệ sau luôn nhớ lấy gốc rễ của mình, là người làng Hương, được nuôi nấng trong cái nôi xứ Huế.”
Dù cho bạn là ai, là một người con xứ Huế hay thăm thú nơi này chỉ một khoảng thời gian ngắn, có lẽ đều không thể không ghé thăm làng hương, bởi nó dường như đã trở thành một ngôn ngữ, một cách diễn đạt văn hoá của cố đô Huế.
Hương Giang - Thanh Phương