Theo vietnamnet.vn, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa tiếp nhận bệnh nhi P.T., 3 tuổi, quê Tiền Giang bỏng thực quản, nguy cơ chít hẹp đường ăn cao sau 18 giờ nuốt phải viên pin cúc áo.
Trước đó, bệnh nhi liên tục nhợn ói, khóc thét, liên tục kêu nóng rát, khiến người nhà lo lắng. Kết quả chụp X-quang ban đầu, các bác sĩ nhầm bé nuốt phải đồng xu.
Sau khi chụp chiếu lại, các bác sĩ xác định dị vật là viên pin. Ngay trong đêm tiếp nhận bệnh nhi, BS.CKI Lê Đức Lộc đang tham gia công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 4 tức tốc xét nghiệm loại trừ virus SARS-CoV-2 và về lại bệnh viện kịp thời soi gắp viên pin đang kẹt ngay cơ thất thực quản trên của bệnh nhi.
BS.CKI Trần Dư Khương, Khoa Hồi sức Ngoại cho biết, sau ca mổ gắp dị vật thành công, tình trạng của bệnh nhi khá nặng. "Đường thở đang phù nề phản ứng, đường ăn bỏng, đã loét hẹp hết 1/3 trên thực quản", bác sĩ Khương chia sẻ.
Hiện bệnh nhi đang được đặt sonde hỗng tràng và theo dõi sát. Tuy nhiên, bác sĩ Khương nhận định, nguy cơ hoại tử, nhiễm trùng và thậm chí thủng đường thở của trẻ rất cao.

Loại pin cúc áo này hiện đang rất thịnh hành.
Theo vov.vn, Theo bác sĩ Nguyễn Minh Khôi, khoa ngoại tổng hợp, trường hợp bệnh nhi trên nếu không được phẫu thuật kịp thời, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhi sẽ lan rộng, áp xe trung thất, nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.
Cũng theo bác sĩ Khôi, tình trạng trẻ nuốt dị vật đường tiêu hóa khá thường gặp, dị vật sau nuốt phần lớn đều đi qua họng vào ống tiêu hóa, sau đó được đào thải tự nhiên theo phân và không gây ra vấn đề gì cho trẻ. Tuy nhiên, các loại pin cúc, pin điện thoại… thường chứa các nguyên tố độc hại, khi bị han rỉ hoặc thủng, rò rỉ, các chất này có thể đi ra ngoài, gây độc hại. Tính gây bỏng, độc niêm mạc đường tiêu hóa khi pin rò rỉ là cực kỳ cao, khó phục hồi về hình thái và chức năng các cơ quan nếu đã tổn thương.
Do đó, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ, bác sĩ Khôi khuyến cáo: Các bậc phụ huynh khi trông giữ trẻ, không làm việc khác mà phải thường xuyên giám sát, giữ trẻ trong tầm mắt. Các đồ vật nhỏ như đồng xu, pin, kim, tăm… hay những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, nước giặt, kể cả nước sôi… phải để xa tầm tay của trẻ.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra đồ chơi của trẻ thường xuyên để đảm bảo các khe cắm pin đã khóa trong và an toàn. Khi phát hiện trẻ nuốt dị vật hay có các biểu hiện bất thường như nôn, nuốt đau, nuốt khó, đau bụng… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và điều trị kịp thời.