Căn cứ khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Theo Điều 4 Thông tư 24/2023/TT-BCA, cơ quan có thẩm quyền đăng ký xe bao gồm: Cục Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát giao thông; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an xã, phường, thị trấn (tùy từng trường hợp cụ thể).
Sử dụng biển số xe giả để tham gia giao thông bị phạt bao nhiêu tiền?
1. Đối với xe ô tô
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung:
- Bị tịch thu biển số không đúng quy định;
- Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
(Khoản 6 và 8 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
2. Đối với xe máy
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu biển số không đúng quy định.
(Khoản 2 và 4 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Sử dụng biển số xe giả để tham gia giao thông bị phạt bao nhiêu năm tù?
Cụ thể tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
- Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 2 lần trở lên;
+ Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
+ Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, người có hành vi sử dụng biển số xe giả tham gia giao thông ngoài bị phạt tiền còn có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Trúng đấu giá biển số xe đẹp có được bán lại không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 73/2022/QH15 quy định nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô bao gồm:
- Nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản phê duyệt kết quả đấu giá; tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký, cấp biển số xe ô tô;
- Thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trúng đấu giá trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá;
Trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời hạn này được kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 06 tháng.
Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe ô tô không thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trúng đấu giá thì biển số xe ô tô trúng đấu giá được chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp;
- Không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá.
Như vậy, theo quy định nêu trên, chủ xe trúng đấu giá biển số đẹp không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe ô tô đã trúng đấu giá mà chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá.
|