Hội chữ Xuân 2025 tại Hà Nội vừa được khai mạc với chủ đề “Thực học”, diễn ra từ ngày 23/1 đến ngày 9/2 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đặc biệt, Hội chữ Xuân còn hấp dẫn du khách với hoạt động xin chữ đầu năm tại 47 gian lều của các nhà hoạt động thư pháp được chọn lựa kỹ thông qua khảo tuyển khách quan, công bằng, cùng nhiều chương trình văn hóa đặc sắc như: giáo dục di sản, không gian văn hóa đọc, trưng bày sản phẩm làng nghề, các trò chơi dân gian, chơi cờ, múa lân; biểu diễn nghệ thuật truyền thống (quan họ, ca trù, chèo...) tại khu Nội tự, vườn Giám và Hồ Văn.
Ngoài ra, Hội chữ Xuân 2025 còn tổ chức các buổi tọa đàm, chia sẻ về ý nghĩa của chữ viết trong văn hóa Việt Nam, cùng với các chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian, góp phần làm phong phú thêm không khí Xuân vui tươi.


Chia sẻ về phong tục xin chữ, anh Nguyễn Xuân Cường, một người yêu thư pháp đến từ Hải Dương bày tỏ: “Phong tục xin chữ ngày Xuân và Hội chữ Xuân không chỉ là những nghi lễ truyền thống mà còn mang đậm giá trị tinh thần, văn hóa. Đây là dịp để người dân bày tỏ những ước vọng tốt đẹp cho năm mới và cũng là cơ hội để bảo tồn, phát huy nghệ thuật thư pháp dân tộc”.
Ngoài ra, theo anh Cường, phong tục xin chữ còn gắn liền với việc truyền dạy những giá trị nhân văn của người xưa. Những câu chữ xin được không chỉ đơn giản là cầu tài lộc mà còn là lời nhắc nhở về đạo lý, những phẩm chất tốt đẹp mà mỗi người cần hướng tới.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Tinh thần hiếu học, trọng hiền đến nay luôn là phẩm chất quý báu của dân tộc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tinh thần hiếu học, trọng hiền đó đã hun đúc nên nhiều nhân tài cho Việt Nam.
Đất nước đang bước những bước đi mạnh mẽ trên chặng đường đổi mới, dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ, đó là lý do triển lãm thư pháp với chủ đề “Thực học” được tổ chức xuyên suốt Hội chữ năm nay”.

Văn Miếu xưa nay luôn là biểu tượng của học vấn, khoa cử. Hòa chung không khí đổi mới của dân tộc, Hội chữ Xuân năm nay khơi lại mạch nguồn, tiếp tục tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp nghìn năm và khởi đầu mùa xuân mới.
Từ xưa, vào dịp Tết Nguyên Đán, nhiều người thường đến các hội chữ, chợ Tết, nơi có các ông đồ ngồi viết những câu đối, thư pháp bằng mực Tàu trên giấy đỏ. Những câu chữ này không chỉ mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới may mắn, thành đạt mà còn thể hiện ước vọng về sức khỏe, hạnh phúc và tài lộc.
Những chữ thường được xin như "Tâm", "Phúc", "Lộc", "An khang thịnh vượng", "Vạn sự như ý", "Cát tường"… Đây không chỉ là những câu chữ mang ý nghĩa tốt đẹp mà còn là những lời cầu chúc, là lời nhắc nhở mỗi người cần sống đạo đức, cống hiến cho xã hội và gia đình.
Mỗi năm, các địa phương trong cả nước lại tổ chức Hội chữ Xuân để tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống này. Hội chữ Xuân không những là dịp để những người yêu thích thư pháp tìm đến và chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, mà còn là cơ hội để các ông đồ thể hiện tài năng viết chữ của mình.