Ngày 12/11, trao đổi với báo chí bên lề phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, khi dịch Covid-19 giảm, vùng xanh được mở rộng, các hoạt động sẽ được mở nhiều hơn, còn khi dịch xấu đi thì bắt buộc các hoạt động cần hạn chế lại.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, việc F0 gia tăng nằm trong dự kiến của TP vì khi mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại nhiều hơn. TP.HCM yêu cầu TP Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn luôn theo dõi sát, thấy chỗ nào bất thường thì có phương án xử lý. Như những ngày gần đây, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè có ca nhiễm gia tăng thì TP tập trung đánh giá, phân tích và có các biện pháp truy vết nhanh, bao vây, xử lý kịp thời.
Theo ông Mãi cho biết tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đã khẳng định rất rõ là phải thực hiện thích ứng an toàn. Do vậy, độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội tùy thuộc vào tình trạng dịch bệnh. Nếu tình hình dịch giảm, tức màu xanh rộng hơn, tốt hơn thì hoạt động nhiều hơn; còn nếu màu vàng, cam, đỏ thì hoạt động sẽ giảm đi.
Trước xu hướng dịch bệnh phức tạp, biện pháp trước mắt của TP là từng địa phương phải theo dõi sát, đưa ra các phương án khi nhìn thấy dấu hiệu bất thường "Công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP. HCM vẫn diễn ra hằng ngày, ngành y tế đã có hướng dẫn cụ thể trong vấn đề xử lý khi xuất hiện F0. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 vẫn theo dõi sát tình hình tại TP.HCM và đưa ra chỉ đạo" – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhìn nhận diễn biến dịch tại thành phố và các địa phương vẫn diễn biến phức tạp nên cần phải cẩn trọng, chủ động phòng dịch, không được lơ là. TP.HCM đã có kế hoạch củng cố hệ thống y tế nói chung gồm y tế cộng đồng, y tế điều trị, y tế phục hồi, trong đó trạm y tế củng cố về cán bộ lãnh đạo (trưởng trạm, phó trạm), bổ sung cán bộ y tế, cơ chế chính sách cho hoạt động của trạm y tế. Hiện TP đang tiếp cận theo hướng đưa Trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện, Trạm y tế về quận, huyện quản lý.
Về nhân lực cho y tế cơ sở, vừa qua Sở Y tế có kế hoạch ở mỗi phường thành lập một Trạm y tế lưu động. Sở Y tế sẽ cử 1 cán bộ y tế ở bệnh viện cấp TP về làm nòng cốt và cán bộ cơ sở tham gia vào. Sau này, TP.HCM sẽ có cơ chế là sinh viên tốt nghiệp ở các trường y sẽ đưa về công tác tại Trạm y tế trong một thời gian nhất định để bổ sung nhân lực cho cơ sở.
Tính từ 16g ngày 11/11 đến 16g ngày 12/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.388 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 441.786 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế báo cáo số lượng tiếp nhận và đề xuất nhu cầu vaccine năm 2022. Theo báo cáo, từ nay đến cuối năm, TP.HCM cần hơn 1 triệu liều vaccine tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm vét mũi 1, trong đó hơn 696.000 liều AstraZeneca, hơn 60.000 liều Pfizer và hơn 264.000 liều Vero Cell; hơn 2,9 triệu liều vaccine cho trẻ em (hơn 1,2 triệu mũi 1 và hơn 1,7 triệu mũi 2).
Và năm 2022, TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân trên địa bàn (6 tháng/mũi) với số lượng cụ thể hơn 18 triệu liều (hơn 14,4 triệu liều với người trên 18 tuổi, nhóm từ 12-17 tuổi là hơn 1,5 triệu liều, nhóm từ 3-11 tuổi là hơn 2,1 triệu liều (nhóm tuổi này chưa được Bộ Y tế cấp phép tiêm chủng).