Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Parent coach Linh Phan: "Gắn mác hành vi, đừng gắn mác con"

Thay vì nói "Con hư lắm", hãy nói "Con làm như vậy là hư đấy".

Ngày xưa mình có tự học chơi chơi tiếng Tây Ban Nha trong mấy tháng, nói chung chẳng còn nhớ gì nhiều. Nhưng có một điều mình rất thích ở ngôn ngữ này, mà tới giờ vẫn ấn tượng, đó là cách họ sử dụng ngôn ngữ để phân biệt giữa chúng ta là ai (who we are) và những hành động chúng ta làm (the actions we do).

Ví dụ, trong tiếng Anh, hay tiếng Việt, chúng ta thường nói "Tôi là/ I am" khi muốn nói về những thứ trong hiện thực "Tôi là một người mẹ/ I am a mom" hay nói về tâm trạng, kiểu "Tôi buồn/ I am sad".

Nhưng tiếng Tây Ban Nha thì khác. Nó thực sự có 2 loại động từ để mô tả chúng ta.

- Một loại, để mô tả những đặc điểm vĩnh viễn, cố hữu hầu như không thay đổi. Ví dụ "Soy mama" cho "Tôi là một người mẹ".

- Một loại, để mô tả những điều kiện hay tình huống dễ thay đổi hơn. Ví dụ "Estoy triste" cho "Tôi buồn".

Mình không biết nhiều tiếng Tây Ban Nha, nếu có gì đó không phải mong các bạn đừng suy xét quá. Mình thực sự thích cách phân biệt này trong ngôn ngữ của họ. Bài học về tiếng Tây Ban Nha cho mình một ý tưởng về việc nuôi dạy con cái.

Parent coach Linh Phan: "Gắn mác hành vi, đừng gắn mác con" - Ảnh 1.

Người lớn thường đánh giá, gắn mác cho một đứa trẻ, thay vì cho hành vi của chúng. (Ảnh minh họa)

Mình nhận ra là chúng ta thường gắn mác cho những đứa trẻ là bướng bỉnh, thô lỗ, cục cằn, mất lịch sự như thể những đặc điểm này là vốn có, sinh ra đã có ở con. Chúng ta có thể nói hoặc tự mình nghĩ "Con thật là bướng bỉnh", sau một buổi sáng khó khăn, hay là "Con quá cục cằn" khi con làm/ nói điều gì đó.

Những suy nghĩ và lời nói có vẻ như vô thưởng vô phạt này là MỘT SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG: Chúng ta đã đánh giá, gắn mác cho một đứa trẻ, thay vì cho hành vi của chúng.

Có một lần trong lúc cáu giận, chồng mình nói với Ốc "Như thế là con rất xấu đấy". Chồng mình ít cáu giận lắm, số lần cáu với con chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay trong 5 năm qua. Tất nhiên mình cũng chứng kiến tình huống và thấy rằng con đã sai nhiều. Nhưng mình cũng nghĩ nói rằng "con rất xấu" tại thời điểm đó có thể sẽ khiến con tổn thương. Tất nhiên sau đó, mình đã can thiệp để nói với con "Con không xấu nhưng con hành động như vậy là rất không tốt đấy Ốc ạ".

Bố mẹ hay người lớn thường gọi hoặc nghĩ rằng con "bướng bỉnh, hư đốn, xấu tính, thô lỗ" - điều này sẽ dễ dẫn tới một suy nghĩ áp đặt con thực sự là một người bướng bỉnh, hư đốn, xấu tính, thô lỗ. Trong khi đó có thể chỉ là hành vi thách thức của con. Ngay cả khi bạn biết rằng con không phải là đứa trẻ 24/7, thì việc gắn mác cho con như vậy cũng gửi đi một thông điệp rằng con là đứa trẻ bướng bỉnh, khó dạy.

Hãy thay đổi cách chúng ta nói với trẻ

Gắn mác và nói về con người khiến mọi người khó thay đổi hơn. Giống như khi bạn nói người khác cao thấp béo gầy, có mái tóc đen hay bạc kim, sống ở châu Âu hay châu Á. Đó có thể là những đặc điểm vĩnh viễn gắn với con người chúng ta.

Vì thế, khi con nghe bạn nói, dù là thông qua lời nói hay qua hành vi mang tính tiềm thức, thì việc mô tả con "bướng bỉnh" cũng sẽ khiến con bắt đầu tin đó là con người của mình và sẽ rất khó thay đổi.

ĐÓ LÀ SỰ KHÁC BIỆT, GIỮA NÓI RẰNG "CON LÀ MỘT CẬU BÉ HƯ" VỚI "CON ĐÃ LÀM MỘT ĐIỀU RẤT TỆ".

Parent coach Linh Phan: "Gắn mác hành vi, đừng gắn mác con" - Ảnh 2.

Nếu chỉ gắn mác hành vi mà không gắn mác con thì con sẽ hiểu rằng dù con cư xử thế nào, con vẫn là người tốt và được yêu thương. (Ảnh minh họa)

Hãy gắn mác cho hành vi, hành động hoặc là cảm xúc. Kể cả khi con giật góc em gái, ném điều khiển vào tivi hoặc lao ra đường đang tấp nập xe cộ - thì bản thân con cũng không là người "xấu". Con chỉ xấu về hành vi và lựa chọn của mình. Con không phải là người bướng bỉnh, thích khiêu khích. Mà con đang cư xử một cách khiêu khích.

Tuy nhiên, có một tin tốt là suy nghĩ, hành vi, cảm xúc dễ thay đổi

Khi bạn gắn mác những thứ dễ thay đổi như hành động, hành vi thì con biết rằng khi mình đưa ra lựa chọn tốt hơn, con có thể thay đổi mọi thứ. Con cũng biết rằng, dù con cư xử thế nào, con vẫn là người tốt và được yêu thương.

Ngày hôm nay, hãy thử lưu ý cách mà bạn nói hay nghĩ về con. Hãy tránh xa việc gắn mác vĩnh viễn lên con. Hãy gắn mác cho những phần dễ thay đổi hơn: như hành vi, hành động hoặc lựa chọn.

Sau đó, bạn sẽ thấy: Việc gắn mắc hành động (thay vì gắn mác con) có tạo ra sự khác biệt nào trong cách bạn nói chuyện hay suy nghĩ về con mình không?

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.

Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.