Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phát hiện một số trường hợp ở Bình Dương sử dụng giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 giả để thông hành

(Dân sinh) - Những ngày qua, chốt Kiểm soát dịch COVID-19 cầu Phú Cường, đường Huỳnh Văn Cù (phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) phát hiện một số trường hợp sử dụng giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 giả để qua mặt lực lượng chức năng.

Cụ thể, ngày 22/7, trong quá trình trực tại chốt kiểm dịch, tổ công tác phát hiện một trường hợp nam thanh niên có tên C.L.A.Q, (sinh năm 1989, ngụ Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đi từ hướng huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh về hướng Thành phố Thủ Dầu Một.

Qua công tác kiểm tra y tế và đấu tranh khai thác nhanh, đối tượng C.L.A.Q sử dụng giấy xét nghiệm của 1 đơn vị y tế tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cấp, theo đó C.L.A.Q được chẩn đoán âm tính với COVID-19.

Qua lời khai và xác minh, xác định đây là giấy xét nghiệm giả do C.L.A.Q mua lại của một người dân ở gần chốt phòng dịch ngã tư Mỹ Phước Tân Vạn giao đường ĐT 741, với giá tiền 70.000 đồng.

Phát hiện một số trường hợp ở Bình Dương sử dụng giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 giả để thông hành - Ảnh 1.

Giấy xét nghiệm âm tính giả bị phát hiện. Ảnh: Công an cung cấp

Vụ việc thứ hai cùng ngày 22/7, chốt Kiểm soát dịch COVID-19 cầu Phú Cường tiếp tục phát hiện nam thanh niên có tên L.Q.T (sinh năm 1993, ngụ Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), đi từ hướng huyện Củ Chi, TPHCM về hướng Thành phố Thủ Dầu Một.

Thanh niên L.Q.T sử dụng giấy xét nghiệm của Trung tâm Xét nghiệm Y khoa nằm trên Đại lộ Bình Dương thuộc phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Giấy xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Qua công tác kiểm tra y tế và đấu tranh khai thác nhanh, được biết thanh niên L.Q.T sử dụng giấy xét nghiệm giả, mua lại của một người dân ở trước trung tâm xét nghiệm với giá tiền 450.000 đồng.

Hai trường hợp này mua lại xét nghiệm giả nhằm mục đích đối phó với các chốt kiểm dịch. Tổ công tác đã lập biên bản và bàn giao cho Công an phường Phú Cường tiếp nhận thụ lý giải quyết.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết sẽ đề nghị ngành công an xác minh điều tra làm rõ hành vi làm giả và sử dụng giấy xét nghiệm giả. Nếu có dấu hiệu tội phạm có thể khởi tố, xử lý hình sự để xử lý nghiêm.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ 17h00 ngày 24/7/2021 đến 6h00 ngày 25/7/2021, Bình Dương ghi nhận 696 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh tính từ đợt dịch thứ 4 lên 7.642 ca.

Hiện, Bình Dương đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine và ra quân khử khuẩn diện rộng phòng, chống dịch 19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Phát hiện một số trường hợp ở Bình Dương sử dụng giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 giả để thông hành - Ảnh 2.

 

Phát hiện một số trường hợp ở Bình Dương sử dụng giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 giả để thông hành - Ảnh 3.

Diễn tập phun khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19


Phát hiện một số trường hợp ở Bình Dương sử dụng giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 giả để thông hành - Ảnh 4.

Lực lượng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ


Ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh triển khai ngay khi có nguồn vaccine và tiến hành tổ chức triển khai trên toàn tỉnh để nhanh chóng đạt 70% dân số Bình Dương được tiêm mũi 1 và tiếp theo đó là mũi 2. Số lượng vaccine được phân bố cho tỉnh Bình Dương trong chiến dịch này là 307.000 liều.

Chiến dịch thực hiện 02 hình thức tiêm vaccine phòng Covid-19: Tiêm tại điểm tiêm cố định ở 91 xã, phường, thị trấn và tại các điểm tiêm lưu động (100 bàn) bao gồm: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có đủ điều kiện để thành lập điểm tiêm lưu động. 

Với tiến độ tối đa đạt 30.000 người/ngày, chiến dịch dự định tiến hành trong vòng nửa tháng tiêm đầy đủ cho các đối tượng. Kinh phí thực hiện tiêm không tính vắc xin khoảng 50 tỷ đồng.

Dự kiến, giai đoạn 2021- 2022, Bình Dương sẽ tổ chức tiêm cho khoảng 1,2 triệu người dân trên 18 tuổi.