Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phát hoảng với những chiêu thức "biến" vàng giả thành vàng thật

Trước tình trạng vàng giả tái xuất, các doanh nghiệp vàng đều lên tiếng khuyến cáo người dân nên đến các cửa hàng kinh doanh có cấp phép của Ngân hàng Nhà nước để mua vàng, tránh phải vàng kém chất lượng.

 

Mới đây, cơ quan điều tra công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã phát hiện manh mối của một đường dây chuyên bán vàng giả, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Sự việc bắt đầu từ việc có một đối tượng mang vàng nguyên liệu đến giao dịch tại cửa hàng vàng thuộc khu 6, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long. Miếng vàng nguyên liệu có trọng lượng khoảng 3 “cây”, được chào bán với giá 115 triệu đồng.

Dù vàng giả phát hiện chưa nhiều, nhưng gần đây có khá nhiều tiệm vàng ở TP Hạ Long cũng như các địa phương khác bị lừa mua vàng giả của Trung Quốc, gây thiệt hại lớn khiến dư luận xôn xao.

Trước đó, giới buôn vàng Việt Nam từng rúng động vì 1.100 lượng vàng giả. Cụ thể, vào tháng 8/2014, lực lượng chức năng đã phanh phui một vụ cầm cố 1.100 lượng vàng giả được cầm cố trót lọt tại một ngân hàng thương mại tại Cà Mau.

 

Vàng miếng nguyên liệu pha tạp chất do Trung Quốc sản xuất bị Công an TP Hạ Long thu giữ (ảnh: NLĐ).

 

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp vàng, thời gian trước đây, vàng giả được nhận định chủ yếu là làm từ vonfram và dễ dàng bị các tiệm vàng phát hiện bằng các phương pháp kiểm tra. Tuy nhiên, hiện nay, vàng giả lại tái xuất với mức độ tinh vi hơn, thậm chí vàng giả có thể qua mặt nhiều loại máy móc.

Mới đây, Tập đoàn VBĐQ DOJI đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất trên mẫu vàng giả thu được trên thị trường vừa qua. Ông Dương Anh Tuấn - PTGĐ Phụ trách Khối Sản xuất - Kĩ thuật cho hay: Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi trên mẫu “vàng lạ” thu được trên thị trường trong thời gian vừa qua, đây có thể là một dạng vật liệu đặc biệt khác với volfram thông thường. Vì volfram thông thường khó hòa tan trong vàng với hàm lượng lớn, đồng thời nó có thể bị phát hiện bằng một số phương pháp.

“Theo chúng tôi, vàng giả ở đây được chế bằng cách cho một loại “bột” kim loại mịn gồm các kim loại nặng trong nhóm Pt. Cụ thể là: Ru (Ruthenium), Os (Osminum), Ir (Irridium) - gọi tắt là ROI. Các kim loại này đều không tạo hợp kim với vàng, vì vậy chúng chỉ tồn tại trong vàng miếng dưới dạng tạp chất cơ học giống như các hạt sạn màu ánh kim. Khi đo kiểm tra hàm lượng vàng bằng phổ kế X-quang cũng xác định được có các thành phần như vậy”, ông Tuấn nhận định.

 

Phương pháp bọc vàng

Hạt nhỏ màu trắng khi soi dưới kính hiển vi. Kết quả đo cho thấy có sự khác biệt khá rõ giữa mặt ngoài và bên trong mẫu vàng. Sự chênh lệch này làm cho người mua bị thiệt hại nếu không xác định được chính xác hàm lượng của vàng trong mẫu.

Trước tình trạng vàng giả tái xuất, các doanh nghiệp vàng đều lên tiếng khuyến cáo người dân nên đến các cửa hàng kinh doanh có cấp phép của Ngân hàng Nhà nước để mua vàng, tránh phải vàng kém chất lượng.

“Đây là hiện tượng mới và có tính chất tinh vi, công nghệ cao, xuất phát từ gian thương nước ngoài, khó phát hiện nên đặc biệt cẩn trọng trong mua bán, giao dịch. Để tránh bị thiệt hại về tài chính, khi giao dịch, các chủ tiệm vàng cũng như người dân cần chú ý tới các phương pháp kiểm tra về cảm quan, các yếu tố nguồn gốc, xuất xứ, độ tin cậy và uy tín của bạn hàng, khách hàng”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vàng cần thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và các phương pháp kiểm tra đo đạc khác nhau để giám định và đánh giá chất lượng tuổi vàng như: soi bề mặt, đo tỉ trọng, phổ kế X-quang có độ chính xác cao. Khi cảm thấy nghi vấn nhưng chưa đủ điều kiện trang thiết bị máy móc cho việc giám định thì nên tới các đơn vị có đủ điều kiện tiêu chuẩn, sử dụng các thiết bị kĩ thuật cao để giám định sâu hơn.