Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phí tham quan, du lịch: Cần minh bạch và hợp lý

 
Khai thác, bảo tồn sản phẩm du lịch chưa khoa học
 
Sản phẩm du lịch có nhiều, ở đây chủ yếu tôi chỉ đề cập đến việc khai thác những tài sản quốc gia để làm du lịch. Đó là những danh lam, thắng cảnh do thiên nhiên tạo dựng; những di sản văn hóa, lịch sử do con người tạo nên. Đây là tài sản quốc gia vì chúng thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước ta đã có chính sách để bảo tồn và phát huy giá trị của những tài sản này. Đó là biến chúng thành những sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Việc thu phí đương nhiên là được đặt ra.
 
Ở một số nước trên thế giới, nếu là di sản do cha ông để lại, công dân của nước đó được tham quan miễn phí. Ví dụ, Campuchia miễn phí cho công dân của họ khi thăm quan di tích Angkor. Ở Việt Nam chúng ta chưa làm được như thế; chúng ta thu phí nhưng cần hợp lý, hợp với túi tiền của người dân. Chính quyền cấp tỉnh, thành phố ra quyết định thu phí cho những danh lam, thắng cảnh, di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn của mình. Trong quyết định đó phải bảo đảm sự minh bạch, hợp lý, có các đối tượng được miễn, giảm…
 

Một góc núi Ngọa Long - “linh hồn” của Hang Múa.
 
Mặc dù chính sách chung là thế, nhưng nhiều địa phương làm việc này chưa tốt. Trước hết là họ không làm tốt công tác bảo tồn, để con người can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, xây dựng những công trình không phù hợp với phong cảnh thiên nhiên, bê tông hóa núi rừng, sông suối, làm suy thoái môi trường. Thứ hai, có sự không minh bạch, không hợp lý trong việc định mức thu phí tham quan; đã có biểu hiện của việc chụp giựt. Thứ ba, thái độ của một số người làm việc tại những khu du lịch chưa phù hợp, hay nói thẳng ra là chưa đáp ứng được yêu cầu văn hóa trong khâu giao tiếp.
 
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - xem đó những “nỗi đau” của ngành du lịch Việt Nam. 
 
Nhìn cận cảnh ngành du lịch Ninh Bình
 
Ninh Bình là một tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch. Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình khai thác các sản phẩm du lịch là danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa khá tốt. Tuy nhiên, ngay ở đây cũng đã bộc lộ những khiếm khuyết có thể xem là “nỗi đau” của ngành du lịch. Đó là việc con người can thiệp vào hơi thô bạo vào thiên nhiên, bê tông hóa cảnh quan, trộn lẫn những công trình nhân tạo vào thiên tạo.
 
Đặc biệt, ở một số nơi đã bộc lộ sự không khoa học, thiếu minh bạch, không hợp lý trong việc định mức phí tham quan danh lam, thắng cảnh.  Ví dụ, giá vé tham quan khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư là 20.000 đồng/người; vé tham quan động Am Tiên 20.000 đồng/người; vé tham quan núi Non Nước 5.000/người là hợp lý. Nhưng vé tham quan Khu du lịch Hang Múa 100.000 đồng/người là bất hợp lý. Tại sao vé tham quan khu du lịch Hang Múa lại nhiều gấp 20 lần vé tham quan núi Non Nước?
 

Những công trình làm giảm giá trị Hang Múa. 
 
Chiều 25/3/2019, chúng tôi đến Khu du lịch Hang Múa và thấy sự không khoa học, không hợp lý, không minh bạch, thiếu lịch lãm bày ra khá rõ ở đây. Đó là người ta xây dựng một số công trình dưới núi Ngọa Long không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên ở đây. Việc xây hình những con rồng trên đỉnh núi Ngọa Long cũng làm giảm giá trị của danh thắng này. Sự pha trộn giữa những công trình thiên tạo và nhân tạo làm cho thắng cảnh này trở nên nhôm nhoam, ảnh hưởng đến vẻ đẹp thuần khiết của một thắng cảnh thiên nhiên. Hang Múa thực chất là một cảnh đẹp thiên nhiên thuần khiết, nhưng vì muốn nâng giá vé lên cao ngất là 100.000 đồng/người nên người ta xây dựng quấy quá một số công trình để được gọi là “khu du lịch”. Du khách đến Hang Múa chủ yếu là thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên nhưng đành phải chứng kiến thêm một số công trình nhân tạo và vì chúng mà phải trả phí tới 100.000 đồng/người. Đây có thể xem là một điển hình của việc “bia kèm lạc” trong kinh doanh du lịch. 
 
Điều đáng nói nữa là ở đây không nói rõ mức phí đó do ai quy định? Cũng không chỉ rõ đối tượng được miễn, giảm. Đặc biệt, sự không minh bạch còn thể hiện ở chỗ vé tham quan không có ngày, tháng, năm. Ngoài ra, những người làm việc ở đó (bán vé, soát vé, bảo vệ) có thái độ sừng sộ, không phù hợp với nơi cần phải tỏ ra lịch lãm, mềm mỏng, có văn hóa. Tại sao Khu du lịch Hang Múa không làm được như Rừng Quốc gia Cúc Phương, công bố rõ ràng: Phí tham quan: 60.000đ/khách - Học sinh, sinh viên: 20.000đ/khách - Trẻ em: 10.000đ/khách?
 

Vé tham quan không đề ngày tháng. 
 
Cần hợp lý và minh bạch trong ấn định phí tham quan
 
Thông thường, trong chuyến du lịch của mình, du khách đến những nơi như: đền, chùa, nhà thờ; danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa; những khu vui chơi, giải trí. Hợp lý và minh bạch sẽ là thế này:
 
1. Tham quan đền, chùa, nhà thờ miễn phí (đây là mang tính tôn giáo, tâm linh);
2. Tham quan danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa (đây là tài sản quốc gia) sẽ đóng phí theo quyết định của chính quyền cấp tỉnh, thành phố trở lên. Ở đây cần ghi rõ mức phí, những đối tượng được miễn, giảm phí;
3. Phí tham quan những khu du lịch, vui chơi giải trí (là những nơi do tập thể, cá nhân đầu tư xây dựng) do chủ sở hữu hay những người có quyền sử dụng quyết định.
 
Mong rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các địa phương đang phát triển mạnh du lịch cần bảo tồn, khai thác sản phẩm du lịch khoa học, bảo vệ cảnh quan, môi trường; đặc biệt phải minh bạch và hợp lý trong việc mức phí để du khách không bức xúc.
 

Nguyên Hồ/GĐTE

Tin liên quan