Điểm đặc biệt nhất của phiên chợ là dùng cà chua ném vào người nhau. Theo quan niệm dân gian, ai bị ném nhiều cà chua vào người, năm đó có nhiều tài lộc, may mắn.

Chợ Chuộng được tổ chức trên dải đất rộng ven sông Hoàng, nơi giáp ranh với các xã của huyện Thiệu Hóa, Triệu Sơn.
Theo tương truyền, vào mùng 6 Tết, từ thời vua Lê Lợi có một vị tướng đánh giặc chạy ngang qua làng Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn thì bị kẻ địch vây bắt.
Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng đã huy động nhân dân quanh vùng họp chợ để che mắt quân thù. Vũ khí được giấu trong những gánh hàng.
Quân địch tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường nên mất cảnh giác, khi vị tướng phát lệnh, dân và quân bất ngờ tấn công khiến quân địch không kịp trở tay và bị thiệt hại nặng nề.

Để tưởng nhớ chiến công đó, cứ đến ngày mùng 6 Tết là dân quanh vùng tụ tập về đây họp chợ, mua may, bán rủi để cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn.
Với ý nghĩa đó, mỗi năm phiên chợ chỉ được tổ chức họp một lần. Người dân nơi đây cho rằng, nếu ai đến được chợ Chuộng sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Phiên chợ còn là nơi mua bán các loại hàng hóa của người dân địa phương như cà chua, các loại rau củ, trứng, bánh đa… mà theo người dân gọi là “chợ mua may bán rủi”. Người bán thì bán đi cái rủi ro, người mua lại mua cái may mắn.
Ngoài ra phiên chợ còn có các trò chơi dân gian như như bịt mắt bắt vịt, chơi đu, đập niêu đất...thu hút nhiều người dân tham gia.

Đặc biệt, cà chua là loại hàng hóa được bán rất nhiều ở chợ để phục vụ cho thanh niên mua làm "vũ khí" ném nhau.

Theo quan niệm của người dân trong vùng, ai bị ném cà chua vào người nhiều nhất sẽ trút bỏ được xui xẻo và gặp may mắn trong năm mới.

Ngoài ra, ném cà chua còn giúp các chàng trai, cô gái cầu duyên.

Dù bị ném cà chua vào người nhưng ai cũng cười tươi, vì họ cho rằng càng bị ném nhiều cà chua, năm đó càng gặp may mắn.
Chợ Chuộng đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong dịp đầu năm của người dân Thanh Hoá.
Quách Tuấn