Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Philippines: Gia tăng tình trạng người trẻ nhiễm HIV

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Sự gia tăng các ca lây nhiễm HIV tại Philippines ở mức đáng báo động, trong đó giới trẻ bị ảnh hưởng nặng nề. Giới chức y tế nước này đang nỗ lực phối hợp triển khai các biện pháp nhằm giảm bớt sự kỳ thị, cải thiện các cách thức xét nghiệm và tiếp cận.

Đối với Chris, 25 tuổi, sinh viên đại học tại Manila, mọi chuyện bắt đầu với một vết phát ban lạ trên ngực. “Ban đầu, tôi nghĩ đó chỉ là vết phát ban do xà phòng”, anh nhớ lại. ít ngày sau đó, anh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, bị sốt và ớn lạnh vào ban đêm. 

Khi bác sĩ da liễu loại trừ dị ứng là nguyên nhân khiến anh bị mẩn đỏ và đề nghị anh xét nghiệm HIV.

Ảnh Bài 1.png
Một phòng khám tại thành phố Quezon. (Ảnh minh họa: AFP). 

Chris là một trong số ngày càng nhiều người ở Philippines có xét nghiệm dương tính với HIV. Giới chức y tế đã bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm ngày càng tăng, với tổng 55 ca nhiễm mới mỗi ngày, nằm trong mức cao nhất thế giới. 

Tại một cuộc họp báo hồi tháng trước, Bộ   Y tế Philippines cho biết đã ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới, với 82 ca tử vong chỉ trong 3 tháng đầu năm nay. 1/3 các trường hợp trong độ tuổi 15 - 24 và 46% trong độ tuổi 25 - 34.

 Bộ Y tế ước tính rằng gần 130.000 người sống với HIV tại Philippines trong tổng dân số 110 triệu người.

“Các ca mắc mới thât sự ở mức cao, 55 ca mỗi ngày. Chúng tôi đang ở mức cao nhất thế giới”, Bộ trưởng Teodoro Herbosa nói với phóng viên hôm 22/5 và cho biết thêm rằng người trẻ đang chiếm tỷ lệ cao.

HIV vẫn chưa có thuốc chữa. Ước tính, 64% người nhiễm vi rút đang được điều trị kháng thuốc, giúp giảm tải lượng vi rút cho tới khi không thể phát hiện, cho phép họ sống lâu hơn và có cuộc sống bình thường.

Theo số liệu mới nhất từ UNAIDS, khoảng 6,5 triệu người bị nhiễm HIV tại châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực cũng chiếm 23% các ca nhiễm mới trên khắp toàn cầu trong năm 2022, trong đó 26% các ca mắc ở độ tuổi 15 -24.

Mặc dù tổng các ca nhiễm HIV trên khắp khu vực giảm 14% từ 2010 đến 2022, nhưng Philippines lại ghi nhận mức tăng 237% các ca mắc hàng năm trong cùng giai đoạn, khiến nước này trở thành quốc gia có số ca nhiễm tăng nhanh nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.

Các nhóm xã hội như mạng lưới tình nguyện vận hành các phòng khám HIV cộng đồng tại Philippines tin rằng sự gia tăng ở các ca nhiễm cũng phản ánh sự gia tăng tỷ lệ người sẵn sàng làm xét nghiệm.

Mặc dù Bộ Y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm miễn phí tại các trung tâm điều trị, phòng khám tình nguyện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các địa điểm an toàn cho những cá nhân có nguy cơ, đặc biệt là những người thuộc cộng đồng LGBT.

Bác sĩ Ronivin Pagtakhan, người sáng lập phòng khám HIV LoveYourself cho biết, sự kỳ thị đối với HIV vẫn còn cao khi anh sáng lập cơ sở vào năm 2011 và mọi người lảng tránh xét nghiệm vì lo ngại bị kỳ thị. Ngày nay, mặc dù sự kỳ thị vẫn còn nhưng đã có những thay đổi đáng kể trong việc cung cấp các lựa chọn xét nghiệm.

Các lựa chọn bao gồm tự xét nghiệm, các chương trình tiếp cận và chiến lược phòng chống phối hợp giúp việc xét nghiệm trở nên dễ tiếp cận hơn và ít gây sợ sệt hơn.

Số người trẻ đến phòng khám để xét nghiệm ngày càng tăng. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo sự tiếp cận về thông tin và điều trị trên diện rộng. Một nghiên cứu vào năm 2011 của Viện Dân số thuộc Đại học Philippines cho thấy, 1/3 người trong độ tuổi 15 - 24 không tin rằng bao cao su giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.

Các dịch vụ y tế không phù hợp tại các vùng nông thôn cũng có thể góp phần gây ra tình trạng chẩn đoán muộn và hạn chế tiếp cận các biện pháp phòng ngừa trước khi các ca nhiễm HIV phát thành bệnh nặng.

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần đảm bảo việc cung cấp thuốc và các biện pháp phòng ngừa ổn định và dễ tiếp cận như bao cao su, cũng như điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm để hỗ trợ tất cả cộng đồng.

Giống nhiều nơi khác tại châu Á, các rào cản như sự kỳ thị của xã hội và thiếu giáo dục giới tính toàn diện đã góp phần vào sự gia tăng các ca lây nhiễm HIV, vì chúng có thể ngăn các cá nhân đi xét nghiệm và tìm cách điều trị.

Đối với Jason, 25 tuổi, anh cảm thấy thoải mái hơn khi kết nối với những người lạ trên mạng có cùng cảnh ngộ. “Nó khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi biết rằng có nhiều người ngoài kia vẫn sống cuộc sống bình thường dù phải sống chung với HIV”, anh nói.

Ninh Trần (theo SCMP)

Báo Lao động Xã hội số 80