Từ cách thể hiện trên mạng xã hội đến việc phục dựng tư liệu lịch sử bằng công nghệ hiện đại, người trẻ không chỉ lan tỏa niềm tự hào dân tộc mà còn khẳng định bản sắc Việt Nam theo cách riêng đầy ấn tượng.
Lòng yêu nước luôn được giới trẻ “cập nhật” xu hướng
Mạng xã hội như TikTok, Facebook đã trở thành kênh hiệu quả để nhiều người trẻ tuổi lan tỏa tình yêu quê hương đất nước. Các trào lưu như “Chụp ảnh với lá cờ Tổ quốc” hay “Cờ Tổ quốc ở trong mắt - Tổ quốc ở trong tim” không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà còn tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.
Những hình ảnh, video ghi lại khoảnh khắc lá cờ đỏ sao vàng tung bay, hay những thông điệp cảm động về tình yêu nước đã nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ.
Bên cạnh đó, còn có những cách thể hiện độc đáo khác như vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà hay thực hiện video biến hình trên nền bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sỹ Vũ Hoàng đã khiến cộng đồng mạng xúc động. Nội dung các video tái hiện hình ảnh anh hùng dân tộc và gửi gắm thông điệp về niềm tự hào, lòng biết ơn với thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Mỗi thế hệ đều có cách thể hiện tình yêu nước riêng, nhưng tựu trung lại, ngọn lửa ấy luôn cháy rực trong tim. Phạm Quỳnh Chi, học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội), chia sẻ: “Thế hệ trẻ ngày nay linh hoạt và sáng tạo hơn nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông.
Điều này giúp chúng em bày tỏ tình yêu đất nước một cách mạnh mẽ và độc đáo. Mạng xã hội không chỉ là nơi thể hiện lòng yêu nước mà còn là công cụ để gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam”.
Sáng tạo từ công nghệ: Lịch sử sống động hơn qua từng khung hình
Công nghệ đã mở ra những cách thức mới để lịch sử đến gần hơn với giới trẻ. Điển hình là Viên Hồng Quang, một thanh niên 9X, đã dùng AI phục chế các tư liệu lịch sử, tái tạo hình ảnh quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đoạn phim tư liệu chiến tranh. Những tư liệu tưởng như đã phai mờ theo thời gian nay được làm mới, trở nên sinh động và giàu cảm xúc.
Nhóm bạn trẻ Team Lee còn phục dựng chân dung các liệt sĩ từ ảnh cũ và trao tặng cho gia đình thân nhân. Hành động này không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp thế hệ trẻ cảm nhận rõ hơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ.
Không chỉ phục chế, các nhóm trẻ còn tiên phong sử dụng đồ họa để giới thiệu lịch sử một cách sáng tạo. Nhóm Vietnam Centre gây ấn tượng với cuốn sách song ngữ “Dệt nên triều đại” khái quát về cổ phục Việt thời Lê sơ. Tác phẩm này không chỉ được yêu thích trong nước mà còn góp mặt tại các thư viện uy tín quốc tế, như một cách để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Lịch sử gắn với trải nghiệm thực tế
Không chỉ sống trong thế giới số, giới trẻ còn tích cực tham gia các hoạt động thực tế để kết nối với lịch sử. Các phong trào như "Hành trình về địa chỉ đỏ", "Thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ" hay "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Đoàn Thanh niên tổ chức chính là cơ hội để thanh thiếu niên bồi đắp lòng yêu nước thông qua trải nghiệm thực tế.
Nhiều bạn trẻ thậm chí trở thành người dẫn chuyện, kể lại những câu chuyện lịch sử cảm động, giúp các bạn cùng trang lứa tuổi thêm thấu hiểu và tự hào về nguồn cội.
Một số cá nhân tiêu biểu đã mang những giá trị văn hóa truyền thống ra thế giới. Nguyễn Diệu Vân, du học sinh tại Mỹ, đã khơi dậy sự quan tâm của giới trẻ với dòng tranh dân gian Đông Hồ thông qua fanpage Dong Ho folk paintings. Cô và nhóm bạn không chỉ quảng bá nghệ thuật mà còn lan tỏa tinh thần yêu nước đến bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, các chuyến tham quan di tích lịch sử, bảo tàng và các lớp học chuyên đề về văn hóa dân tộc đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Những trải nghiệm thực tế này mang lại hiệu quả giáo dục sâu sắc hơn nhiều so với việc học lịch sử truyền thống.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Cần khuyến khích giới trẻ tham gia các hoạt động quảng bá lịch sử bằng cách tổ chức nhiều cuộc thi và sự kiện văn hóa. Đồng thời, hỗ trợ họ ứng dụng công nghệ để bảo tồn giá trị truyền thống”.
Có thể nói, mạng xã hội nếu được sử dụng đúng cách, sẽ là công cụ mạnh mẽ để giới trẻ không chỉ lan tỏa lòng yêu nước mà còn hình thành cộng đồng có ý thức lịch sử. Điều quan trọng là cần có sự định hướng và hỗ trợ từ các tổ chức, cơ quan chức năng để các hoạt động này đi đúng hướng và mang lại giá trị tích cực cho xã hội.
Trong thời đại công nghệ, những hoạt động như phục dựng lịch sử, tái hiện văn hóa truyền thống hay chia sẻ câu chuyện về các anh hùng dân tộc là cách mà giới trẻ khẳng định tình yêu nước theo cách riêng. Từ các trào lưu nhỏ trên mạng xã hội đến những dự án mang tầm quốc tế, họ đang góp phần xây dựng hình ảnh đất nước giàu bản sắc và sáng tạo.
Đất nước luôn cần những trái tim trẻ trung, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm. Hãy để tình yêu nước trở thành một “hot trend” bền vững, kết nối quá khứ với hiện tại và hướng đến một tương lai tươi sáng.
Kim Liên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 24