Làm mới đề tài cũ
Mùa phim tết 2025 xuất hiện các nhà làm phim tên tuổi như: Trấn Thành, Thu Trang, Nguyễn Quang Dũng. Họ đều là những ngôi sao sở hữu các tác phẩm vượt mốc trăm tỷ đồng của màn ảnh rộng Việt Nam.
Đáng chú ý nhất là Trấn Thành đã vài lần thắng lớn khi đưa phim ra rạp vào dịp Tết. Sau 3 bộ phim thành công vang dội là “Bố già”, “Nhà bà Nữ” và “Mai”, Trấn Thành tiếp tục khẳng định vị thế đạo diễn “nghìn tỷ” ở mùa phim tết 2025 với tác phẩm hài “Bộ tứ báo thủ”.

“Nếu như các tác phẩm trước của tôi là những câu chuyện, thông điệp về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình xúc động, thì lần này, tôi muốn đem đến màu sắc mới lạ cho khán giả. Chúng ta sẽ cùng nhau đón năm mới với thật nhiều tiếng cười sảng khoái”, Trấn Thành bày tỏ.
Còn “Yêu nhầm bạn thân” của bộ đôi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Diệp Thế Vinh trong mùa tết 2025 lại mang màu sắc lãng mạn pha lẫn hài hước. Là phiên bản Việt hóa từ bộ phim Thái Lan đình đám “Friendzone”, tác phẩm kể về hành trình tìm kiếm tình yêu của các nhân vật trẻ trung, hiện đại.
Dự án "Nụ hôn bạc tỷ" của Thu Trang cũng tạo nhân tố gây tò mò, nhất là sự trở lại của Thu Trang với vai trò diễn viên kiêm nhà sản xuất và đạo diễn.
Điểm mới là các nhà làm phim chuyển tải thông điệp về tình yêu của người trẻ, khát vọng trong tình yêu, sự nghiệp, khẳng định bản thân thông qua những tình huống hài hước.
Bên cạnh đó, cả 3 nhà làm phim đều sử dụng những gương mặt mới, thậm chí chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất như Kỳ Duyên, Thiên Ân... khác với các mùa phim tết trước tập trung vào các dàn sao gạo cội, có tên tuổi.
Lựa chọn an toàn, thiếu bứt phá

Không khó để thấy, mùa phim tết 2025 chưa có nhiều bứt phá, các phim đều có chủ đề an toàn, vẫn là đề tài gia đình, tình yêu tay ba của người trẻ, hài hước. Điều này dễ gây nhàm chán với người xem nếu nội dung không có sự đột phá, bị lặp lại mô típ cũ. Bên cạnh đó, việc dàn sao quen mặt xuất hiện vào mỗi dịp tết đôi khi cũng tạo sự… bội thực.
Tết là thời điểm vàng để nhà sản xuất nắm bắt nhằm tăng doanh thu cho dự án. Bởi đây là lúc mọi nhà, mọi người được nghỉ ngơi, đón tết bên gia đình, nhu cầu giải trí tăng cao. Tuy vậy, nếu một dự án không có sự hấp dẫn, đổi mới cũng khó kéo khán giả đến rạp.
Đơn cử mùa tết 2024, bên cạnh thành công của “Mai” (đạo diễn Trấn Thành) và “Gặp lại chị bầu” (đạo diễn Nhất Trung) tạo được sức hút cho công chúng, đạt doanh thu trăm tỷ cũng có rất nhiều bộ phim phải ngậm ngùi rời rạp chiếu.
Trong đó, bộ phim “Trà” (đạo diễn Lê Hoàng) ra rạp đúng mùng 1 tết cũng chỉ trụ được ít ngày, trước khi có thông báo dừng chiếu với doanh thu khiêm tốn 1,6 tỷ đồng.
Lý do thất thu là ngoài vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ “Mai” thì chất lượng phim cũng nhận nhiều đánh giá tiêu cực, các cảnh nóng trong phim quá phản cảm, không thể hiện tính nghệ thuật.
Trong khi đó, phim “Sáng đèn” (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) thu về con số khiêm tốn là gần 700 triệu đồng với 448 suất chiếu. Đây cũng là thiệt thòi lớn đối với dự án quan trọng trong năm của nhà sản xuất và nhà phát hành.
Theo đạo diễn Quốc Tuấn, trường hợp của “Sáng đèn” và “Trà” đều có những vấn đề riêng dẫn đến việc phải bỏ cuộc trong cuộc đua phòng vé.
Đầu tiên, nội dung của những tác phẩm này không quá phù hợp với đối tượng khán giả dịp tết, thường ưa chuộng những bộ phim có đề tài về gia đình, tình yêu. “Sáng đèn” khai thác câu chuyện về đoàn cải lương Viễn Phương trong giai đoạn tìm lại hào quang xưa.
Sau các buổi công chiếu đầu tiên, tác phẩm nhận khá nhiều lời khen từ khán giả nhưng độ lan tỏa chưa cao. Trong khi đó, “Trà” bị nhiều khán giả ví như “thảm họa” của điện ảnh Việt.
Tác phẩm khai thác đề tài gai góc về những mối quan hệ ngoài luồng và các thói hư tật xấu của con người ở xã hội hiện đại. Phim bị chê có nội dung nhảm nhí cùng nhiều cảnh nóng thừa thãi, được cài cắm nhằm câu khách.
Để tết thực sự là mùa vàng

Đạo diễn Quốc Tuấn cho rằng, sự cạnh tranh ở thị trường phim Việt ngày càng khốc liệt. Một tác phẩm điện ảnh có thể lãi hàng chục lần khi ra rạp nhưng tỷ lệ lỗ cũng rất cao. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức với các nhà làm phim.
Khán giả ngày càng khó tính và yêu cầu cao và không còn đất chiếu cho các bộ phim nhảm nhí, được sản xuất như để “đánh lừa” khán giả dễ dãi, không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định mua vé. Do vậy, chất lượng của phim tết trở thành một trong những vấn đề cần được quan tâm hiện nay.
Làm phim tết, ai cũng muốn có tiếng cười. Nhưng phải có tiếng cười hài lòng từ khán giả thì mới có tiếng cười thắng lợi của nhà làm phim. Nếu chỉ quẩn quanh vài chi tiết chọc cười rẻ tiền, trông chờ vào sự dễ dãi của công chúng thì phim tết sẽ mất khán giả. Bởi lẽ, khi đã là phim hài mà chất hài trong đó không đủ tinh tế cũng khó thắng.
Phim tình cảm gia đình có thể xem lại, còn phim hài không hay thì khán giả chỉ xem một lần. Hài kiểu ồn ào, kém tinh tế, kịch bản không sâu sắc thì không giữ được khán giả.
Đó là chưa kể đến những hãng phim nhỏ, với số tiền đầu tư khiêm tốn, không đủ kinh phí cho một chiến lược bài bản cho phim tết từ kịch bản cho đến quảng bá sẽ không đủ tác động đến giới trẻ - những người đang bị thu hút bởi bao loại hình giải trí trong thời đại công nghệ 4.0.
Mấy năm gần đây, làn sóng phim bom tấn từ Mỹ, Hàn Quốc bắt đầu giảm nhiệt ở các phòng vé dịp tết, thay vào đó là sự lên ngôi của phim Việt. Đây là tín hiệu vui đối với người làm phim trong nước, đồng thời là chỉ dấu cho sự chuyển dịch trong tư duy thẩm mỹ của khán giả.
Chú trọng đến thị hiếu công chúng và tìm về với các giá trị văn hóa thuần Việt là hướng đi khả dĩ của phim tết. Vậy làm phim thế nào để tết thực sự là mùa vàng của điện ảnh?
Có lẽ bên cạnh vốn đầu tư, diễn viên trẻ tài năng thì kịch bản phim phải chất lượng, đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố giải trí - thời sự - nhân văn, phản ánh được các sắc diện đa chiều, đa dạng của đời sống đương đại, được đầu tư về chiều sâu nội dung, trau chuốt về hình thức.
Đạo diễn Quốc Tuấn cho rằng, khán giả thay đổi rất nhanh, công thức làm phim gom nhiều sao hài hoặc pha chút hài hước, kinh dị để thu hút khán giả đã qua rồi.
Khán giả ngày nay đòi hỏi được xem tác phẩm điện ảnh đích thực. Đó là những phim tình cảm, pha chút hài hước, phải có thông điệp nhân văn, gắn liền với cuộc sống hiện đại.
Minh Vũ
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ