
Hiện trường vụ thảm sát hai mẹ con ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: KT
Bạo lực đang có nguy cơ bùng phát!?
Dù muốn, dù không, chúng ta buộc phải công nhận một điều: Bạo lực đang xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể khái quát và kể tên một số lĩnh vực đã xảy ra những vụ bạo lực nghiêm trọng.
Bạo lực đường phố: Chỉ một cái nhìn không thân thiện, một vụ va chạm nhỏ cũng có thể trở thành một vụ đâm chém đẫm máu. Bạo lực gia đình: Không chỉ là những câu chửi, một cái tát, mà là những cú vung dao, vung búa; kết quả kẻ chết, người vào tù. Bạo lực học đường: Học sinh đánh nhau, giáo viên đánh học sinh, phụ huynh đánh giáo viên… Đã có những cái chết tức tưởi ngay tại sân trường. Bạo lực công sở: Đồng nghiệp đánh nhau, có dùng đến vũ khí; cấp dưới bắn cấp trên rồi tự sát. Bạo lực công vụ: Cứ tưởng vụ anh em nhà Đoàn Văn Vươn chống lực lượng cưỡng chế đã là ghê gớm lắm rồi, ai dè còn có những vụ đẫm máu hơn: Vụ tranh chấp đất đai ở một xã vùng sâu tỉnh Đăk Nông khiến 3 người chết, 15 người bị thương. Bạo lực ở nơi tôn nghiêm và nhạy cảm: sân bay và trên máy bay là nơi như vậy nhưng vẫn xảy ra những vụ đấm đá, ẩu đả… Mặc dù hậu quả chưa lớn nhưng rất đáng lo ngại vì đây là lĩnh vực mà bạo lực có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Những vụ thảm sát do tình yêu, dục vọng bị chối từ; trộm cắp bị phát giác khiến chúng ta rùng mình ghê rợn. Bọn này lạnh lùng giết hết tất cả mọi người để mong bịt đầu mối. Đây là lối tư duy thô lậu, nông nổi khiến chúng giết người không ghê tay. Điều này gây hoang mang cho xã hội.
Để ngăn chặn, phòng, chống bạo lực có hiệu quả, chúng ta phải tìm ra được nguyên nhân cơ bản dẫn đến hành vi bạo lực. Mỗi một vụ việc có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, những nguyên nhân trực tiếp khác nhau nhưng đều có thể lý giải được khi chúng ta biết được thân nhân của những đối tượng liên quan.

Bạo lực học đường là vấn đề đáng lo ngại. Ảnh: KT
Tìm cách lý giải hành vi bạo lực
Nguyên nhân bạo lực ở con người là một trong những chủ đề nghiên cứu của tâm lý học và xã hội học. Nhà sinh vật học thần kinh Jan Volavka chỉ ra rằng, hành vi bạo lực là hành vi gây hấn thể chất một cách cố ý chống lại người khác. Các nhà khoa học đồng ý với quan điểm bạo lực là cái vốn có ở con người; nó là một trong những đặc tính sơ khai của con người. Để hạn chế bạo lực, con người phải sử dụng đến kiến thức của các ngành, các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, mỹ học, tâm lý, đạo đức, pháp luật… Phải có những nghiên cứu cơ bản và áp dụng vào những vụ việc cụ thể, chúng ta mới có thể tìm ra nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây nên bạo lực.
Dù vẫn còn những khó khăn, vất vả nhưng đời sống vật chất của người dân đã được cải thiện nhiều so với trước đây vài chục năm. Như vậy, rõ ràng bạo lực nảy sinh không phải vì thiếu cái ăn, cái mặc là chính. Vụ đại thảm sát ở Bình Dương có liên quan đến tài sản nhưng mục đích chính của kẻ giết 6 người là trả thù vì không được yêu thương nữa chứ không phải là lấy tiền bạc hay của cải. Nhưng nếu cứ vì thất tình mà giết người thì nhân loại đã sạch bóng vì tới 99% số người ít nhất bị thất tình một lần trong đời. Vậy ở đây phải tìm nguyên nhân sâu xa hơn.
Vụ án gây chấn động ở tỉnh Yên Bái với cái chết của ba người đàn ông có chức, có quyền, đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Ở đây, loại trừ nguyên nhân liên quan đến của cải, vật chất vì ba người này không hề túng thiếu. Vậy nguyên nhân có thể liên quan đến quyền lực và phẩm giá đàn ông.
Ở nhiều trường hợp, chúng ta có thể thấy bạo lực thường được tìm đến như là một liều thuốc giải độc cho điều xấu hổ và sự làm nhục.Việc sử dụng bạo lực nhằm bảo vệ thể diện và danh dự, đặc biệt là với nam giới, những người tin rằng bạo lực thể hiện tính đàn ông.
Các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng, phần lớn các vụ giết người thường bắt đầu, hoặc là từ những tranh cãi bình thường, hoặc là từ sự sợ hãi bị vạch trần cái xấu, cái ác. Qua nhiều vụ thảm sát ở Việt Nam trong thời gian gần đây, chúng ta thấy rằng, hung thủ thường hoảng sợ trước việc làm xấu xa của mình nên giết chết nhiều người mong che giấu việc xấu, việc ác. Kết quả là chúng phạm tội ác dã man hơn.
Còn bạo lực học đường là một câu chuyện hơi khác, nó được khu biệt trong trường học. Bạo lực học đường là những hành động bạo lực diễn ra bên trong các cơ sở trường học. Nó liên quan chủ yếu đến hành vi bắt nạt, lạm dụng. Ở đây, người ta sử dụng sức mạnh và quyền lực để mưu cầu lợi ích về tinh thần và vật chất.
Làm gì để ngăn chặn và giảm bớt bạo lực?
Chúng ta hoang mang và có thể mất phương hướng khi đứng trước sự rối rắm của các nguyên nhân dẫn tới bạo lực. Nhưng có một điều chúng ta có thể khẳng định: Những người có văn hóa, được giáo dục bài bản từ gia đình và nhà trường thường không dùng các biện pháp bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống. Vì vậy, để ngăn chặn và giảm bớt bạo lực, việc đầu tiên chúng ta phải làm là tăng cường tuyên truyền, giáo dục về cách ứng xử có văn hóa cho con người.
Việc tiếp theo, chúng ta kêu gọi mọi người bình tĩnh hơn, cảm thông với nhau hơn trong các mối quan hệ trong cuộc sống. Cuộc sống hiện đại rất khẩn trương, căng thẳng, đầy tranh chấp; vì vậy, nhường nhịn nhiều khi là một giải pháp hay để tránh xung đột. Cũng cần phải hiểu rằng, nhường nhịn không phải là cách xử sự của người yếu đuối, mà là cách xử sự của người hiểu biết.
Ở bình diện rộng lớn và dài hạn hơn, chúng ta phải tìm cách làm cho cuộc sống đỡ căng thẳng hơn, nghĩa là tạo dựng môi trường sống thông thoáng, hài hòa, dễ chịu bằng cách tạo ra cảnh quan môi trường trong sạch; sự cách biệt giàu nghèo được rút ngắn; phải ca ngợi và biết ơn những người làm từ thiện thường xuyên.
Về phía chính quyền: Để quản lý xã hội, chính quyền phải sử dụng đến quyền lực, đây là điều tất yếu. Tuy nhiên, chính quyền cũng không nên lạm dụng quyền lực mà nên sử dụng “quyền lực mềm”, nghĩa là tạo ra uy lực bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, có hiệu quả. Những chính sách này sẽ cảm hóa và thuyết phục được người dân tự giác thực thi pháp luật, tạo ra môi trường sống thân thiện và lành mạnh.
Có lẽ, những cách đó sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực.
Đừng vô cảm!
Hiện nay, từ “vô cảm” thường được nhiều người nhắc đến. Vậy vô cảm là gì? Nó biểu hiện ra sao?Nó có ảnh hưởng gì tới cuộc sống của con người?
Các bác sĩ nói, trong y học không có bệnh vô cảm. Vậy vô cảm chỉ có thể là biểu hiện của lối sống, cách hành xử của con người trong xã hội. Vô cảm trước hết liên quan đến cảm xúc, đến trạng thái tâm hồn của con người.
Vô cảm chính là sự chai lỳ trong cảm xúc, không rung động trước cái đẹp, cái cao thượng, cũng như không day dứt trước cái xấu, cái thấp hèn. Người vô cảm thường dửng dưng, thờ ơ trước mọi hiện tượng đời sống diễn ra xung quanh. Người vô cảm chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Vô cảm thực chất là sự ích kỷ.
Biểu hiện của vô cảm nhiều lắm và rất dễ thấy. Đó là thói thờ ơ, lãnh đạm trước những việc xấu, việc ác đang xảy ra. Ví dụ, khi thấy một kẻ móc túi trên xe buýt, người ta quay mặt đi và im lặng. Đây là một biểu hiện của vô cảm nhưng có thể hiểu và thông cảm được là người ta sợ bị trả thù. Còn khi chứng kiến một người bị tai nạn giao thông, bị ngã xe không đứng dậy được nhưng người ta chỉ liếc nhìn rồi đi qua thì sao? Đây đích thị là sự vô cảm không thể nào thanh minh được.
Trên đây chỉ là hai ví dụ nhỏ, dễ thấy. Còn trong cuộc sống, sự vô cảm của con người được thể hiện ở mức kín đáo hơn, tinh vi hơn, hèn nhát hơn và cũng gây hại nhiều hơn. Đó là thấy thủ trưởng làm sai, chèn ép người tốt nhưng không lên tiếng bảo vệ; thấy bạn bè, đồng nghiệp làm việc xấu, việc sai không can ngăn; thấy những quyết định có hại không phản biện…
Ngày xưa, sự vô cảm chỉ thể hiện đơn lẻ, rời rạc, không tập trung; song, nay vô cảm có nguy cơ “lây nhiễm” sang nhiều người. Nếu phần lớn trong chúng ta trở thành những người vô cảm thì rất nguy hiểm, cuộc sống không còn những điều ngay thẳng, tốt đẹp, đáng sống nữa. Vì vậy, xin mọi người đừng vô cảm!
Nghè Nghệ
Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em