Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phòng chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật ở nước ta hiện nay

Trong những năm gần đây, sự can thiệp, tác động “sân sau” của các nhóm lợi ích vào đời sống chính trị, xã hội đang ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối bởi những tác hại, hậu họa khôn lường của nó. Làm sao ngăn chặn được những thỏa hiệp, bắt tay, cài cắm lợi ích nhóm vào trong các chính sách, pháp luật đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu, làm “nóng” các kỳ Đại hội cho tới các cuộc họp thường kỳ của Chính phủ cũng như các diễn đàn nghị trường Quốc hội.

Nhận thức về "lợi ích nhóm" trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật

Lợi ích và lợi ích nhóm về bản chất là những hiện tượng tất yếu, khách quan trong đời sống xã hội. Lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của một nhóm người, hướng tới và hài hòa với lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc và quốc gia, hình thành từ nhu cầu khách quan, chính đáng, tự nhiên trong xã hội tồn tại nhiều giai cấp, nhiều tầng lớp, nhiều nhóm người với những đặc điểm, hoàn cảnh khác nhau. 

Ngược lại, lợi ích nhóm khi được hình thành từ động cơ cá nhân, vụ lợi, không trong sáng sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, độc hại, gây nên những hậu quả khôn lường quốc gia, dân tộc. Bởi đây là lợi ích đến từ nhóm cá nhân, hoặc tổ chức thông qua việc thao túng quá trình hoạch định, thực thi chính sách của Nhà nước, để trục lợi. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “lợi ích nhóm” đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, đôi bên cùng có lợi, chung nhau làm ăn vì lợi ích cục bộ. Nhưng bây giờ nhiều khi không chỉ là quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành “đường dây”, “sự ăn cánh” của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung”.

Empty

Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật (Ảnh: Minh họa)

Về bản chất, lợi ích nhóm ở đây chính là một hình thức tham nhũng tinh vi. Trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật chính là tham nhũng chính sách, nó là sự bắt tay, cấu kết giữa của những nhóm cá nhân, tổ chức bên ngoài vớị những người có quyền lực trong hệ thống chính trị cấu kết để tác động, lũng đoạn chính sách, đem lại lợi ích không chính đáng cho một nhóm người, nhóm lợi ích. Nguy hiểm hơn, vì để phục vụ cho lợi ích của một nhóm người, nó làm bóp méo chính sách, làm thay đổi các quy định của pháp luật, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và xã hội, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, “lợi ích nhóm” tấn công vào đội ngũ cán bộ, Đảng viên, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm đảo lộn các chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội.

Cuộc chiến chống "bệnh dịch" "lợi ích nhóm" ở Việt Nam

Để phòng, chống "bệnh dịch" lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, liều "vắc xin" đầu tiên và hiệu quả nhất đó chính là hàng rào pháp lý của hệ thống pháp luật quốc gia, với các quy trình thủ tục được quy định tập trung tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan. Đánh giá một cách khách quan, có thể thấy chúng ta hiện có hệ thống pháp luật về quy trình, thủ tục xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật khá đầy đủ, chặt chẽ và ngày càng hoàn thiện. Các nhà lập pháp đã thiết kế các bước, các giai đoạn lập pháp một cách khoa học và cố gắng cụ thể hóa trách nhiệm của từng chủ thể một cách nhiều nhất có thể.

Cùng với các quy định của pháp luật, Đảng cũng có hệ thống các quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, kiểm soát hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật: Thẩm quyền cho ý kiến về chiến lược, định hướng xây dựng pháp luật; lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân sự trong cơ quan lập pháp; các thủ tục kiểm tra hoạt động của Đảng đoàn, các ban cán sự có liên quan tới hoạt động lập pháp.

Như vậy, về cơ sở pháp lý – chính trị và thực tiễn giám sát hoạt động giữa các cơ quan Đảng với các cơ quan xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật, giữa hệ thống các cơ quan nhà nước với nhau vừa sự giám sát xã hội (của nhân dân, báo chí), chúng ta đã có hàng rào "phòng dịch" ban đầu trong kiểm soát, phòng, chống lợi ích nhóm, phòng, chống tham nhũng trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật.

Empty

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhóm lợi ích luôn tìm mọi kẽ hở, những khâu yếu nhất của cơ chế để cài cắm lợi ích nhóm vào trong chính sách, pháp luật. Biểu hiện của “lợi ích nhóm” trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật luôn rất tinh vi, khó phát hiện. Nhất là đối với cơ quan lập pháp, được đánh giá là “hiện nay chưa phát hiện ra biểu hiện lợi ích nhóm trong hoạt động lập pháp”, tuy nhiên, trên thực tế, sự tác động, cài cắm lợi ích nhóm vẫn đang diễn ra từng ngày, phương thức và thủ đoạn cực kỳ đa dạng, muôn hình vạn trạng.

Một trong những phương thức phổ biến nhất mà các nhóm lợi ích tác động đến người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước, để từ đó đem lại lợi ích cho nhóm, thông qua việc tặng quà, mua chuộc, hối lộ. Bên cạnh đó, các nhóm lợi ích sẽ được tác động, móc nối, trao đổi lợi ích, ủng hộ về mặt chính trị, ủng hộ trong đề bạt, bổ nhiệm trong công tác cán bộ. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận xã hội và nghị trường Việt Nam trong lịch sử bị rúng động bởi tin tức một đại biểu Quốc hội bị tạm đình chỉ tư cách và khởi tố về tội lừa đảo đã khai nhận về việc từng chi một khoản tiền không nhỏ để vận động tranh cử vào Quốc hội. Sự thực này cho thấy lợi ích nhóm không chỉ được tác động một cách gián tiếp mà còn có thể được cài cắm trực tiếp thông qua việc nhóm lợi ích đưa người của mình vào các cơ quan hoạch định chính sách, pháp luật của Nhà nước để dễ bề thao túng, kiểm soát.

Một thủ đoạn cũng tinh vi không kém đó là việc mua chuộc truyền thông, thông qua một số phóng viên, nhà báo để "lăng xê", đưa tin không trung thực, thổi phồng, hoặc bóp méo thông tin, lèo lái dư luận, đánh lừa công chúng, định hướng chính sách theo mưu đồ của nhóm lợi ích, nhằm đạt được "lợi ích nhóm".

Trong hoạt động xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật, khả năng tác động có thể xảy ra ở mọi khâu, bằng việc vận động không chính đáng vào các quá trình từ phân tích chính sách, đánh giá tác động dự án đến soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý… cho đến việc biểu quyết, phát biểu, chất vấn, vận động bỏ phiếu, bầu cử… tại nghị trường. Trên thế giới cũng không xa lạ gì với những hoạt động vận động chính sách này với thuật ngữ “vận động hành lang” (lobby), xuất phát từ những cuộc trao đổi, thỏa thuận trong những hành lang phía sau các căn phòng họp của Nghị viện Anh với lịch sử từ hàng trăm năm trước.

Những tác hại của lợi ích nhóm đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, theo đó, lợi ích nhóm đã “gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”. 

Có thể khẳng định, lợi ích nhóm trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật không chỉ đẻ ra tham nhũng chính sách mà nó chính là tham nhũng. Đáng sợ hơn, nó còn là “bà đỡ”, “bảo kê” cho tham nhũng khi trực tiếp tác động lên thể chế, tạo hàng rào, khung khổ pháp lý cho các hành vi tham nhũng được diễn ra một cách minh bạch, hợp pháp, “đúng quy trình”.

Đi tìm phương thuốc hữu hiệu cho bệnh dịch "lợi ích nhóm" trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật

Với quyết tâm không khoan nhượng trong cuộc chiến với tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật, hàng loạt Văn kiện quan trọng của Đảng đã ra đời, đánh dấu mốc bởi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nguyên tắc xuyên suốt hàng đầu đó là bảo đảm sự lãnh đạo của Đản trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Gần đây, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách…” cũng nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, chặt chẽ thể chế, pháp luật để thực hiện mục tiêu “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Tiếp đó là Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị, ban hành định hướng Chương trình xây dựng pháp luật (XDPL) nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Kết luận số 34-KL/TW ngày 18-4-2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đặt ra yêu cầu ngăn chặn vi phạm, lồng ghép “lợi ích nhóm” trong xây dựng, ban hành văn hành pháp luật…

Empty

Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ

Khẳng định quyết tâm của Đảng trong vấn đề này, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 diễn ra vào ngày 30/6/2022 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp…

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, diễn ra tháng 9-2021,  cũng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời, phải chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Chỉ đạo xuyên suốt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngay từ đầu nhiệm kỳ cũng là “Kiên quyết với những dự án luật cài cắm lợi ích nhóm”, khẳng định công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính, không được để “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” cài cắm vào trong quá trình xây dựng pháp luật...

Như vậy, về quyết tâm chính trị, cơ sở pháp lý, chúng ta đã có những "tấm lá chắn" quan trọng cho cuộc chiến đấu trường kỳ với vấn nạn tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật. Đồng thời, bên cạnh những liều "vắc-xin phòng dịch", những liều thuốc giảm sốt, chữa trị cho những cơn "đau cấp" khi bị "virus" "lợi ích nhóm" tấn công, cũng cần có những giải pháp dài lâu, "liều thuốc bổ" củng cố "hệ miễn dịch" của hệ thống.

Trước hết, đó là yêu cầu nhận thức đúng đắn về sự tồn tại khách quan của lợi ích nhóm và các nhóm lợi ích, đối xử bình đẳng giữa các nhóm lợi ích, đồng thời, chú ý đến lợi ích của những cộng đồng, nhóm yếu thế.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý minh bạch, hiệu quả để quản lý các nhóm lợi ích theo trật tự, khuôn khổ pháp luật, bao gồm các Luật về Hội, nghiên cứu xây dựng Luật Vận động hành lang… Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như pháp luật về thủ tục, quy trình lập pháp, từ các giai đoạn phân tích chính sách, đánh giá tác động xã hội, điều tra dư luận xã hội, phản biện xã hội, tham vấn ý kiến chuyên gia và lấy ý kiến nhân dân… cho đến các chu trình soạn thảo, thảo luận, ban hành luật… Trong đó, chú trọng khâu phân tích chính sách, đánh giá tác động trước và sau khi ban hành luật. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật. Song song với đó, cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật.

Thứ ba là, phát huy và nâng cao hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân, phản biện xã hội và tăng cường năng lực tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội trong hoạt động xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật

Cuối cùng, cần có cơ chế và nguyên tắc hạn chế lợi ích. Tham khảo kinh nghiệm thế giới về điều này, bên cạnh những quy định tiêu chuẩn, quy tắc về đạo đức cho nghị sỹ, quan chức chính phủ, cần nghiên cứu xây dựng các quy định nhằm giúp cho những nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật tránh được các xung đột lợi ích giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích có tính cá nhân. Theo đó, một nguyên tắc tối cao là chủ thể tham gia xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật phải hạn chế các lợi ích có tính cá nhân và phải đặt lợi ích của cộng đồng, của công chúng lên trên hết.