Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phòng thí nghiệm hiện đại bên trong Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Những dòng sản phẩm xăng dầu do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất, trước khi thành phẩm và bán ra thị trường phải trải qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt của phòng thí nghiệm. Đây là một trong những phòng thí nghiệm hiện đại nhất châu Á - Thái Bình Dương.

Nhiều thiết bị hiện đại hàng đầu châu Á

Với diện tích hơn 4.000m2, phòng thí nghiệm nằm gọn bên trong Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất rộng gần 350ha. Phòng có nhiệm vụ đảm bảo chất lượng; kiểm soát chất lượng nguyên liệu, sản phẩm và hóa phẩm - xúc tác - phụ gia; quản lý, vận hành, bảo dưỡng và khai thác hệ thống phòng thí nghiệm cho mục đích kiểm soát chất lượng, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ. 

Theo đó, phòng thí nghiệm BSR thực hiện công tác thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các tính chất của tất cả dòng trung gian, nước thải, khói thải, hoá phẩm, xúc tác, phụ gia,... đáp ứng quy định kỹ thuật của nhà máy.

Đến nay, phòng thí nghiệm BSR có khoảng 300 thiết bị phân tích chính và thiết bị phụ trợ. Trong đó có các thiết bị đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất của NMLD Dung Quất như nhóm thiết bị phân tích dầu thô và sản phẩm, nhóm thiết bị phân tích sắc ký, thiết bị phân tích nguyên tố, nước, thiết bị phân tích nhựa Polypropylene (PP).

Vào những năm 2013, phòng thí nghiệm BSR được đầu tư 2 thiết bị đặc biệt là True Boiling Point Apparatus (TBP) và Potstill (thiết bị chưng cất cặn dầu thô) sản xuất từ Đức. 

pop1.png
Thiết bị TBP là thiết bị của hãng ROFA dùng để chưng cất dầu thô và có thể phân tách dầu thô từ 15°C đến 420°C AET (nhiệt độ tương đương khí quyển).

Với TBP, đây là phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) thu nhỏ, có chức năng phân tách dầu thô ra các dòng sản phẩm, từ đó đưa ra các đánh giá về nhiệt độ, áp suất, phối trộn,... để áp dụng cho phân xưởng CDU của NMLD Dung Quất thực hiện. 

Còn thiết bị Potstill được thiết kế giống mô hình thu nhỏ của phân xưởng Cracking xúc tác (RFCC). Thiết bị này thực hiện chưng cất ở áp suất chân không và nhiệt độ cao cho phân đoạn cặn từ thiết bị TBP, để đảm bảo đánh giá sản lượng cặn thu được, từ đó có thể đảm bảo cho quá trình phối trộn nguyên liệu cho phân xưởng RFCC.

Các mẫu dầu thô từ nhiều nguồn cung cấp được tổ chức nghiên cứu, thực hiện phân tách trước khi đưa vào phân xưởng CDU để sản xuất. Với đặc thù của từng loại dầu thô, TBP sẽ tiến hành phân tách ra các loại sản phẩm và cho ra những thông số để các ban chuyên môn của BSR tính toán, nghiên cứu thực hiện. 

Để đảm bảo hoạt động của TBP, các nhân sự vận hành sẽ thay phiên nhau túc trực 24/24 trong thời gian khoảng 4 ngày/mẻ sản phẩm. Việc này đòi hỏi các nhân sự phải nắm vững các kỹ thuật và thao tác máy để tránh gây trục trặc và ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu của các loại dầu thô, anh Bùi Hoàng Nguyên, một trong những kỹ sự trực tiếp vận hành và tiếp nhận các thiết bị này từ nhà sản xuất, chia sẻ.

Từ năm 2013 đến nay, hai thiết bị này đã phục vụ đánh giá thuộc tính của khoảng 60 loại dầu thô trong và ngoài nước, đóng vai trò quan trọng trong công tác đánh giá lựa chọn dầu thô phù hợp với cấu hình công nghệ của nhà máy để nâng cao hiệu quả kinh tế. 

pop2.png
Quy trình chưng cất dầu thô của TBP được thiết kế như một phân xưởng CDU thu nhỏ tại phòng thí nghiệm.

Bên cạnh 2 thiết bị này, phòng thí nghiệm BSR còn liên tục được bổ sung các thiết bị máy móc hiện đại. Một số thiết bị hiện đại được BSR đầu tư như thiết bị chưng cất khí quyển, thiết bị chưng cất chân không, hệ thống các thiết bị phân tích dầu nhờn của Spectro Scientific, thiết bị đo độ ổn định oxy hóa (JFTOT), các máy đếm hạt của JET A1. 

Phòng thí nghiệm của BSR còn là nơi chứa những thiết bị máy móc độc đáo với số lượng giới hạn tại Việt Nam như thiết bị Gas Chromatography 14 (DHA combi) có chức năng phân tích thành phần phân đoạn đầu của dầu thô và thành phần chi tiết trong Naphtha. 

15 năm duy trì chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 

Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 là tiêu chuẩn quốc tế do tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) tạo ra. Mục đích của tiêu chuẩn này là để chứng minh năng lực kỹ thuật, hoạt động hiệu quả của các phòng thí nghiệm, qua đó có thể cung cấp các kết quả thử nghiệm và hiệu chuẩn có giá trị ổn định về kỹ thuật và độ tin cậy cao của các phòng thí nghiệm. Đến nay, ISO/IEC 17025 đã trải qua 5 phiên bản ở các năm 1990, 1999, 2005 và 2017.

pop3.png
Phòng thí nghiệm của NMLD Dung Quất có khoảng 300 thiết bị chính và thiết bị phụ trợ, giúp đảm bảo các hoạt động giám định, phân tích được diễn ra liên tục, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 20 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 trong lĩnh vực xăng dầu có đầy đủ các sản phẩm từ khí đến chất lỏng như LPG, Propylene, Mogas, Jet A-1, Diesel, Fuel oil,... 

Trong số đó, phòng thí nghiệm của BSR đã được Văn phòng Công nhận chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận đạt chuẩn ISO này từ năm 2010 (thời điểm nhà máy vừa được bàn giao cho BSR) và đã cập nhật đạt chuẩn ISO/IEC 17025 năm 2017 (mới nhất). 

Qua 15 năm, Phòng thí nghiệm của BSR vẫn duy trì chuẩn ISO/IEC 17025 và đã mở rộng một số các phép thử mới để đăng ký thêm danh mục phép thử được công nhận.

Bên cạnh các thiết bị máy móc hiện đại và hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn, đội ngũ kỹ sư, nhân sự BSR cũng là lực lượng chính đảm nhiệm việc kiểm soát chất lượng của các sản phẩm vào - ra và giúp duy trì các tiêu chuẩn đạt chất lượng quốc tế của phòng thí nghiệm.