Lựa chọn củ nghệ, củ gừng để khởi nghiệp
Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười luôn nở trên môi, ít ai nghĩ chị Cao Thị Lúa (phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) lại đang là chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh rất hiệu quả ở địa phương.
Vốn tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ, lại có thời gian dài làm về lĩnh vực du lịch, chị Lúa cho biết, quyết định khởi nghiệp cũng đến với chị thật tình cờ, sau khi sinh bé thứ 2.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Bình, đã quen với công việc nhà nông từ nhỏ, chị Lúa cho biết, mong muốn khởi nghiệp từ chính những sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân một nắng hai sương là điều khiến chị trăn trở. Xuất phát từ thực tế, khi xu hướng ngày càng có nhiều người tìm đến các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên để chăm sóc sức khoẻ, chị quyết định lựa chọn củ nghệ, củ gừng để khởi nghiệp.
Manh nha từ năm 2017, đến nay Cơ sở sản xuất Sản phẩm Nhà Mật do chị Cao Thị Lúa làm chủ đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Những sản phẩm, như: mứt nghệ, mứt gừng, bột nghệ, tinh bột nghệ, viên tinh nghệ mật ong… mang thương hiệu Sản phẩm Nhà Mật không chỉ được người tiêu dùng trong nước tin dùng mà còn chinh phục được nhiều du khách nước ngoài, thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ, các nền tảng thương mại điện tử…
“Ban đầu khách hàng của mình chủ yếu là người quen. Dần dà, người dùng trước thấy hiệu quả, giới thiệu cho người sau, cứ thế truyền nhau. Đến nay, nhiều đại lý phân phối sản phẩm của mình ở các tỉnh, thành cũng từng là khách hàng cũ của Sản phẩm Nhà Mật”, chị Lúa nói.
Theo đó, để cho ra các sản phẩm chất lượng, gừng và nghệ là nguyên liệu được cơ sở lựa chọn là loại đặc trưng địa phương, được cơ sở thu mua ở bản địa khu vực miền núi các tỉnh miền Trung, đảm bảo tự nhiên, không sử dụng phân bón hữu cơ.
Với dòng sản phẩm chủ lực từ củ nghệ, trung bình mỗi năm, Sản phẩm Nhà Mật tiêu thụ ra thị trường khoảng trên 1 tấn tinh bột nghệ, tương đương với hơn 20 tấn củ nghệ tươi và khoảng 3 tấn mứt gừng, tương đương khoảng 5 tấn gừng tươi. Doanh thu mỗi năm của cơ sở đạt hơn 1 tỷ đồng, trừ mọi chi phí, có lãi hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, cơ sở của chị Lúa còn kết nối, nhận bao tiêu đầu ra cho củ nghệ, củ gừng của nông dân và hội viên phụ nữ ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ khó khăn.
“Mình rất vui vì phần nào có thể giúp đỡ, chia sẻ được công việc với chị em phụ nữ, nhất là những chị em yếu thế, hoàn cảnh khó khăn. Thời kỳ cao điểm, cơ sở có khoảng 40 công nhân làm việc, tất cả đều là lao động nữ”, chị Lúa nói.
Cũng như chị Cao Thị Lúa, khởi nghiệp thành công với thương hiệu bánh đậu xanh nướng Bà Nhung, chị Nguyễn Thị Thanh Nhung, Chủ Cơ sở hộ kinh doanh Bà Nhung (phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ) cho biết, chị cũng như các chị em khác, tự tin khi khởi nghiệp.
“Mình làm nghề bằng cái tâm và mong muốn có thể giúp đỡ được nhiều người hơn nữa thì mọi người cũng sẽ ủng hộ và đón nhận sản phẩm của mình”, chị Nhung nói.
Được biết, với sản phẩm mang thương hiệu bánh đậu xanh nướng Bà Nhung, mỗi năm cơ sở sản xuất ra 3-4 tấn bánh cung cấp chủ yếu cho thị trường miền Trung và miền Nam. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó và là sản phẩm đặc sản được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đà Nẵng.
Hiện, Cơ sở hộ kinh doanh Bà Nhung đang giải quyết việc làm cho 10 hội viên, lao động nữ khó khăn ở địa phương.
Chị Lê Thị Minh Tú (xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng), công nhân tại Cơ sở hộ kinh doanh Bà Nhung cho biết, trước đây chị buôn bán tự do, cuộc sống không ổn định.
“Từ khi được chị Nhung tạo điều kiện làm việc tại cơ sở, tôi có thu nhập ổn định, cuộc sống được cải thiện hơn. Không chỉ đảm bảo các chế độ về lương, thưởng dịp lễ tết, chúng tôi còn được cơ sở đóng bảo hiểm xã hội”, chị Tú nói.
Đồng hành cùng chị em phụ nữ khởi nghiệp
Luôn sát cánh cùng chị em phụ nữ khởi nghiệp, chị Phạm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn phường có nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp thành công. Trong đó, Cơ sở sản xuất Sản phẩm Nhà Mật và Cơ sở hộ kinh doanh Bà Nhung là 2 trong số các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu ở địa phương.
Đồng hành, hỗ trợ cùng chị em phụ nữ khởi nghiệp, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ chị em tham gia phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ phụ nữ có điều kiện trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, với việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các chị em thông qua các dịp lễ hội, hội chợ, tham gia các mô hình sản phẩm trưng bày do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố triển khai… đã góp phần lan toả các sản phẩm khởi nghiệp đến với người tiêu dùng.
Từ các hoạt động hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều chị em phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động, mạnh dạn làm kinh tế, cùng hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, như xây dựng các tổ hợp tác, nhóm liên kết, hình thành các hợp tác xã, kết nối các chị em với nhau để làm kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng cho biết, qua phong trào khởi nghiệp đã thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ.
“Chúng tôi luôn song hành với chị em phụ nữ để chị em có điều kiện tốt nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng chủ động triển khai nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển. Đây là nguồn quỹ do UBND thành phố giao Hội quản lý để giúp cho các chị em phụ nữ làm kinh tế.
Hội cũng chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở thực hiện tốt hoạt động uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp các chị em được tiếp cận với các nguồn vốn nhiều hơn, có điều kiện đầu tư về quy mô sản xuất, kinh doanh…”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng cho hay.
Bùi Minh