Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Phụ nữ dân tộc thiểu số học nghề, sản phẩm hoa, túi xách... có đầu ra

Ngọc Bích
Ngọc Bích

(Dân sinh) - Bắt đầu từ tháng 7 năm nay, các lớp đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số được tỉnh Cà Mau tổ chức, thu hút khá đông lao động đăng ký học nghề.

Trong Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động tỉnh Cà Mau năm 2024 đã nhấn mạnh thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong độ tuổi lao động, thuộc các đối tượng: người lao động là người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo...

hoc nghe phu nu.jpg
Lớp dạy nghề đan móc len cho chị em phụ nữ Ấp 11, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (Ảnh: Báo Cà Mau).

Từ tháng 7 năm nay, các lớp đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng được tỉnh Cà Mau tổ chức, thu hút khá đông lao động đăng ký học nghề. 

Điển hình như xã Khánh Lâm, huyện U Minh có 66 phụ nữ thuộc đối tượng hộ nghèo theo học nghề đan móc len.

Năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Khánh Lâm được Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau và Phòng LĐ-TB&XH cũng như các cấp tạo điều kiện cho xã mở được 3 lớp dạy nghề đan móc thủ công. Đến năm 2024, xã đã khai giảng được 2 lớp.

Chị Danh Bích Tuyền (Ấp 11, Khánh Lâm) phấn khởi chia sẻ: “Mấy ngày đầu học, tôi thấy khó và định bỏ cuộc. Sau đó, cô giáo tận tình chỉ bảo, tôi dần làm được sản phẩm. Tôi thấy nghề này khả quan, có đầu ra. Mình học xong có thể làm sản phẩm hoa, túi xách… để bán trên mạng. Nhiều ngày lễ có thể đem ra thành phố hay huyện bán. Mấy chị ở đây đều khó khăn, nếu làm được và có đầu ra, tôi định tổ chức các chị em làm chung với nhau”.

Lớp học được địa phương hỗ trợ đảm bảo đầu ra là cung ứng sản phẩm tại địa phương và các tỉnh lân cận. Chính vì thế, tinh thần học tập của các chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số rất hăng hái, chăm chỉ.

Theo chị Lâm Mỹ Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Khánh Lâm, khi hay tin có khóa học, các chị em rất phấn khởi. Quy định 8h học nhưng chị em đến rất sớm và chịu khó. Trong thời gian ở lớp lẫn ở nhà, các chị em tự mình luyện tay nghề để tạo sản phẩm hoàn chỉnh cho cô giáo xem và chỉnh sửa.

Ông Đinh Cộng Hòa, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện U Minh, thông tin: “Năm nay, huyện cố gắng duy trì 2 lớp dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng kinh tế khó khăn.

Song song đó, tiếp tục rà soát vận động các đối tượng tham gia học nghề ở địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, chị em phụ nữ. Chúng tôi cũng phối hợp với các sở, ban, ngành vận động đối tượng tham gia học nghề.

Qua đó, tạo được lòng tin của người lao động, giải quyết thời gian nhàn rỗi của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương.

Chúng tôi cũng lồng ghép các chương trình mục tiêu như hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, dự án chăn nuôi, trồng trọt… để các đối tượng sau khi học nghề có thể thực hành và áp dụng vào sản xuất của gia đình.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phấn đấu giải quyết đầu ra cho các đối tượng học nghề, đảm bảo 80% trở lên. Huyện nỗ lực trong năm nay sẽ giảm nghèo 1,5% trở lên, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 2% trở lên, góp phần cùng toàn huyện đạt tiêu chí hộ nghèo năm 2025”.

Tin liên quan
Làm giàu dưới tán rừng

Làm giàu dưới tán rừng

(LĐXH) - Việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng những năm gần đây được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao...