Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phụ nữ Việt Nam: “vai chính” trong tất cả lĩnh vực

99% người Việt Nam công nhận và cảm thấy tự hào về những đóng góp của phụ nữ cho gia đình và xã hội. Điều này cho thấy phụ nữ đang có những ảnh hưởng lớn không chỉ trong gia đình mà còn trên những lĩnh vực khác.

 

Khi phái yếu không yếu

Khoảng 20 năm trước, xã hội còn có định kiến nghề của nam, nghề của nữ, hiện nay, định kiến này đã mờ nhạt đi rất nhiều. Có thể dễ dàng nhận thấy phụ nữ đã tham gia vào hầu hết những ngành nghề trong xã hội. Nhìn vào số lượng nữ giới tham gia vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, có thể hình dung vị thế của phụ nữ ngày nay trong xã hội. Với 33.1% đại biểu nữ trong Quốc Hội (Khoá XII), Việt Nam trở thành nước có số lượng nữ đại biểu Quốc hội cao nhất châu Á, và là một trong những nước có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất thế giới. Ở Hội đồng nhân dân các cấp, nữ giới cũng chiếm đến 20%.

 

Phụ nữ Việt Nam ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong tất cả lĩnh vực

 

Ở lĩnh vực kinh tế, trong các doanh nghiệp nhỏ, phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo chiếm đến 40%. Bảng danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán được công bố hàng năm, cũng không thiếu những gương mặt đại diện thuộc phái yếu. Ở những lĩnh vực khác như thể thao, văn hoá, hoạt động xã hội… không thiếu những tên tuổi nữ giới giúp Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến. Trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, người phụ nữ vẫn cần mẫn đóng góp công sức của mình hoà vào dòng chảy phát triển chung.

Họ đã làm điều đó như thế nào?

 Chiếm 50% dân số và đóng góp gần 50% vào lực lượng lao động trong cả nước, phụ nữ từ “vai phụ” đã dần dần đạt được vị thế “vai chính” trong sự phát triển chung của xã hội. Họ đã làm điều đó như thế nào?

 

Phụ nữ hiện đại ngày ngay vừa làm tốt vai trò trong gia đình, vừa tiến bước ngoài xã hội

 

Khác với nam giới, coi trách nhiệm xã hội là vai trò chính, nữ giới vẫn bị mặc định sự nghiệp chính của mình là gia đình. Dù bước chân ra xã hội, họ vẫn phải chu toàn vai trò người mẹ, người vợ, người “giữ lửa” trong gia đình. Chính vì thế, để tiến bước kịp với sự phát triển chung, họ đã phải nỗ lực với một sự quyết tâm rất lớn.

Thỉnh thoảng chúng ta đâu đó bắt gặp hình ảnh cô công nhân ngoài giờ làm việc vẫn cố gắng đi học thêm lớp bổ túc, để nâng cao kiến thức, đó là người phụ nữ văn phòng, dù bận rộn lo cho chồng con vẫn đăng kí tham gia lớp ngoại ngữ cuối tuần, để tìm kiếm cơ hội phát triển hơn trong công việc. Hay là cụ bà hàng ngày bán chuối mưu sinh, vẫn tìm mọi cách để đến giảng đường và cuối cùng nhận tấm bằng cử nhân luật ở tuổi 55. Và còn nhiều, rất nhiều những người phụ nữ không ngừng hoàn thiện mình, học hỏi cái hay, cái mới như thế, để tiến bước cùng xã hội.