Đối với công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn về công tác cai nghiện ma túy, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức, hướng dẫn 50 xã, phường, thị trấn làm điểm triển khai thực hiện mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
Chính quyền cấp xã, phường, thị trấn đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các hội đoàn thể, thành viên Tổ công tác cai nghiện ma túy, tổ chức vận động từng người nghiện ma túy, gia đình có người nghiện, cung cấp thông tin, tự nguyện tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng. Phân công cán bộ trực tiếp quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện trong suốt quá trình cai nghiện ma túy. Thực hiện các biện pháp tư vấn học nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện để người nghiện ma túy tham gia các hoạt động nhằm giúp đỡ họ an tâm cai nghiện ma túy và phòng ngừa tái nghiện.
Cấp huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê, phân loại người nghiện ma túy. Tổ công tác cai nghiện ma túy của các xã, phường, thị trấn đã phối hợp các hội đoàn thể địa phương và khu phố tổ chức vận động người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện ma túy, đăng ký tham gia các hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng. Kết quả rà soát, thống kê có 257 người nghiện ma túy: Huyện Đông Hòa 46, Tây Hòa 5, Phú Hòa 26, Sông Hinh 17, Sơn Hòa 2, Đồng Xuân 1, Tuy An 5, thị xã Sông Cầu 15 và thành phố Tuy Hòa 140 người, có liên quan đến việc sử dụng và nghiện ma túy. Hiện nay, các địa phương đang quản lý, theo dõi, tiến hành thử test kiểm tra chất ma túy, lập hồ sơ tổ chức cai nghiện ma túy.
Đối với công tác cai nghiện tập trung, ông Cao Tấn Trường-Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, để giúp cho người nghiện phục hồi nhanh và hòa nhập cộng đồng, Cơ sở thường xuyên phối hợp cùng ngành y tế, tổ chức khám chữa bệnh cho từng trường hợp, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người nhiễm HIV/AIDS, bên cạnh đó, chú trọng các hoạt động tư vấn, giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống, hành vi thông qua các buổi học tập, sinh hoạt tập thể, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và lao động.
Thời gian qua, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục theo từng chuyên đề cho học viên cai nghiện được Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong thời gian cai nghiện, đơn vị đã tổ chức thực hiện các liệu pháp tâm lý tập thể, liệu pháp tâm lý nhóm; tổ chức học tập về pháp luật, đạo đức, tác phong, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm, tự tin nhằm phục hồi toàn diện về nhân cách, sức khỏe, tâm lý cho học viên. Đồng thời tổ chức hoạt động tư vấn, giúp đỡ người nghiện ma túy sửa đổi hành vi, nhân cách; từng bước từ bỏ ma túy; phòng, chống tái nghiện; giúp họ định hướng đúng trong tương lai.
"Từ đầu năm đến nay, Cơ sở đã tổ chức hơn 10 lượt sinh hoạt, giáo dục chuyên đề và hơn 30 lượt điều chỉnh hành vi, thái độ cho học viên. Qua sinh hoạt, giáo dục đã giúp cho học viên nhận thức nắm bắt thông tin, hiểu về pháp luật, chấp hành nội quy, quy định tại Cơ sở tốt hơn. Hạn chế vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn nơi ở, nơi sinh hoạt, lao động. Qua đó giúp cho học viên khi tái hòa nhập cộng đồng tự rèn luyện, ý thức vươn lên từ bỏ ma túy và chống tái nghiện"-Ông Trường đánh giá về hiệu quả cai nghiện tại Cơ sở.
Tại Cơ sở thực hiện 4 dạng chương trình giáo dục đó là: giáo dục theo chuyên đề, giáo dục nhóm (tư vấn nhóm), giáo dục cá biệt (tư vấn cá nhân) và sinh hoạt tập thể. Thông qua các đợt sinh hoạt chuyên đề giúp cho học viên ổn định về tư tưởng, tâm lý, ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, tích cực tham gia vào quy trình cai nghiện tại Cơ sở.
"Rèn luyện, giáo dục hành vi nhân cách đối với người nghiện ma túy là một quá trình lâu dài, đòi hỏi bản thân người nghiện phải có ý chí và nghị lực. Chính vì vậy, vai trò của việc tổ chức giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách tại Cơ sở là rất quan trọng để định hướng cho học viên từ nhận thức thấp đến nhận thức cao, từ hiểu ít đến hiểu nhiều, giúp thay đổi hành vi tiêu cực thành tích cực như: không còn mặc cảm, xấu hổ, bi quan, chán chường; thay vào đó là biết hướng tới cái hay, cái đẹp, biết hối hận, ăn năn; biết ơn gia đình, mọi người tốt xung quanh để từ đó dần dần có động lực phấn đấu cai nghiện và sửa đổi hành vi, nhân cách trong cuộc sống tập thể tại môi trường cai nghiện, môi trường xã hội khi trở về hòa nhập cộng đồng"-Ông Cao Tấn Trường-Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên chia sẻ.