Theo VCCI, hiện nay, hàng hoá, dịch vụ thuộc diện biếu tặng cho trong nước vì mục đích từ thiện vẫn thuộc diện chịu thuế với giá tính thuế được xác định bằng với giá của hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động này.
Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) đang được lấy ý kiến mới chỉ coi hàng hoá nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm hoạ dịch bệnh, chiến tranh được xếp vào diện không chịu thuế.
Nói cách khác, hàng hoá cho biếu tặng với mục đích từ thiện nhập khẩu thì không phải chịu thuế giá trị gia tăng, còn hàng hoá dịch vụ cho biếu tặng trong nước vì mục đích từ thiện vẫn phải chịu thuế.
Theo VCCI, quan điểm, chủ trương chung của Đảng và nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội.
Nghị quyết 41 năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương có nội dung “khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.
Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện cũng coi chi phí ủng hộ địa phương đoàn thể, tổ chức xã hội, chi từ thiện… là chi phí được trừ.
Trong trường hợp doanh nghiệp cho biếu tặng hàng hoá, dịch vụ vì mục đích từ thiện, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu. Nếu phải nộp thuế giá trị gia tăng cho lượng hàng hoá, dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tiền từ nguồn thu khác.
Trong trường hợp thiên tai địch hoạ khẩn cấp, như dịch bệnh Covid-19 vừa qua, không ít doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường để chuyển sang cung cấp hàng hoá, dịch vụ phục vụ chống dịch và tặng luôn cho nhà nước. Nếu khi đó vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế thì sẽ rất bất hợp lý.
Với những lý do đó, VCC đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định theo hướng hàng hoá dịch vụ dùng để tặng cho biếu với mục đích từ thiện thì giá tính thuế được xác định bằng không.