Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quá sức với nhiều doanh nghiệp Việt

Samsung Việt Nam một lần nữa lại “đốt đuốc” đi tìm nhà cung ứng phụ trợ nội địa. Đến nay, trong tổng số 80 doanh nghiệp (DN) đến từ 9 quốc gia tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà máy của hãng tại Việt Nam, mới chỉ có 4 DN Việt cung cấp trực tiếp. Vì sao DN Việt lại lép vế ngay trên “sân nhà”?

“Đốt đuốc” tìm nhà cung ứng phụ trợ…

Thấy rõ sự lép vế khi tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, trong tổng số 80 DN, chỉ có 32 DN Việt, nhưng cung cấp trực tiếp thì mới chỉ 4 DN nội địa, còn lại là đều thông qua DN có 100% vốn nước ngoài. Chưa kể, cả 4 DN Việt cung cấp trực tiếp đều chỉ đưa tới cho Samsung những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp như túi bóng, vỏ bao bì, khuôn mẫu. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, DN nội do năng lực sản xuất hạn chế nên mới chỉ tham gia được vào các công đoạn có giá trị gia tăng thấp. Đây là điều rất đáng tiếc nếu biết trong năm 2014, Samsung Việt Nam đã chi ra tới 35 triệu USD cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam, dự kiến trong năm nay sẽ tăng lên 45 triệu USD.

Theo Samsung, năm ngoái, hãng cần 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe... nhưng không tìm nổi nhà cung cấp nội địa. Về điều này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), cho biết “hạn chế lớn nhất của DN Việt hiện nay là nguồn vốn và đào tạo”. Các DN cũng thừa nhận, khó khăn nằm ở yêu cầu chất lượng quá cao từ phía Samsung. Với chỉ riêng một linh kiện cấp 2 là khuôn mẫu, hãng này yêu cầu độ chính xác tới phần nghìn, trong khi DN chỉ có thể đáp ứng đến phần trăm. Nếu muốn đáp ứng, buộc DN phải đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nhưng vấn đề là không có vốn.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (ngoài cùng bên trái),  ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc khu vực tổ hợp sản xuất Samsung (thứ hai từ trái sang) tham quan  các gian hàng công nghiệp phụ trợ tại Triển lãm của Sam Sung.

Ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, giải thích: “Các sản phẩm của Samsung bán trên toàn thế giới, vì vậy yếu tố chất lượng đặt lên hàng đầu, ngay cả những linh kiện đơn giản như ốc vít. Mặc dù việc tham gia được vào chuỗi sản xuất của Samsung với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao là điều tương đối khó khăn đối với DN Việt. Tuy nhiên, nếu phía DN đưa ra các sản phẩm chất lượng, giá thành rẻ hơn, đủ số lượng theo yêu cầu thì Samsung sẽ lựa chọn làm đối tác”. 

Nỗ lực cần từ nhiều phía

Theo một số DN nội địa, việc trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung đối với họ là quá khó, cho dù sản phẩm có chất lượng tương đương, hoàn toàn cạnh tranh được với những sản phẩm mà các đối tác đang cung ứng cho Samsung. Lý do, các Cty Việt Nam không nằm trong chuỗi cung ứng thường không có quan hệ, phải qua nhiều khâu, nhiều bước, phải phụ thuộc vào các tổng thầu của Samsung đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc…

Ngay từ khi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, Samsung đã có những “mặc cả” về giảm thuế và được chấp nhận một phần bởi thực tế, nhiều đề xuất ưu đãi là hợp lí. Nếu để ý cũng thấy, Samsung chưa có nhiều hỗ trợ các DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện, với lý do các DN không đáp ứng được yêu cầu. Và, ngay cả việc chuyển giao công nghệ của Samsung cho DN Việt cũng chưa nhiều và chưa được đánh giá cao. Trong khi đó, theo đại diện Vụ Công nghiệp nặng, Samsung đã nhận được những ưu đãi cao nhất có thể của Việt Nam, hy vọng Samsung sẽ tích cực hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển. 

Cũng phải thừa nhận, trong hành trình “đốt đuốc”, Samsung đang cố gắng ngày càng tạo điều kiện cho DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của mình đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, nhưng ngay với mặt hàng như ốc vít vẫn chưa có đơn vị nào đủ điều kiện cung cấp. Tuy nhiên, không chỉ có nguyên nhân từ phía DN, như Thứ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, đang thiếu các chính sách đủ mạnh, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý và môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cho DN, tạo cơ hội cho DN tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ, nâng sức cạnh tranh. Dẫn chứng thực tế là chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ đã ra đời, song chưa tạo được “sức bật” cho DN.

Những năm gần đây kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc samsung chọn Việt Nam là cứ điểm đầu tư của mình và xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, dài hạn, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu là rất đáng quý.

Cuối tháng 4 vừa qua, 20.000 người lao động đăng ký thi dự thi vào Samsung Việt Nam. Với mức thu nhập ổn định, các ứng viên tham gia dự tuyển vào Samsung ngày càng tăng, thậm chí đợt dự tuyển gần đây nhất đã tăng lên gấp 3 so với 2 lần trước đó. Hiện tại, nhân lực tại hai nhà máy SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) đã lên đến hơn 100.000 người, và con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng hàng tháng.