Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Dân sinh, tại khu vực thành phố Đồng Hới, người dân đang tích cực phát tán cây cối, chằng, buộc các trụ sở, ủy ban… Còn tại cửa biển Nhật Lệ, ngư dân đang hối hả chạy thuyền.
Ông Nguyễn Văn Tư (trú tại xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho hay: "Nghe tin bão sắp đổ bộ vào Quảng Bình, tôi đã huy động tất cả anh em ra giúp đưa tàu đến hói Vĩnh Tuy để né bão, tránh bị thiệt hại do bão gây ra. Đối với tàu thuyền bé, công suất nhỏ, chúng tôi đã thuê xe cần cẩu để cẩu lên bờ. Mỗi thuyền mất chi phí cẩu khoảng 250.000 đồng", ông Tư nói.
Cũng trong sáng nay, ông Trần Công Thuật - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có công điện gửi các cấp, ngành, địa phương chủ động phòng, chống bão số 4. Chủ tịch tỉnh Quảng Bình yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương ven biển tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Kiểm soát chặt chẽ không để tàu ra khơi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12h ngày 29/8 cho đến khi bão tan.
Ngoài ra, ông Trần Công Thuật cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, đốc thúc công tác phòng chống bão số 4 tại một số địa bàn.
Chủ tịch tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo đến các huyện, thành phố, thị xã phải có trách nhiệm phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, thôn, bản; đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài...