Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Bình: Nỗi lo xâm nhập mặn trên sông Gianh

(DÂN SINH) - Những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn trên sông Gianh tỉnh Quảng Bình đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân một số xã thuộc huyện Tuyên Hóa. Đặc biệt, trong năm 2020, và những tháng đầu năm 2021 xâm nhập mặn gây thiếu nước sản xuất, sinh hoạt và ảnh hưởng lớn đến việc nuôi cá trên sông.

Sông Gianh là nguồn cung cấp nước tưới cho nhiều cánh đồng, ruộng lúa của các xã thuộc huyện Tuyên Hóa: Châu Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa (tỉnh Quảng Bình)…. Dọc hai bên sông, một số trạm bơm công suất lớn có nhiệm vụ bơm nước từ sông Gianh lên hệ thống kênh, mương dẫn về đồng ruộng và phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân.

Những năm gần đây, thời tiết thay đổi theo chiều hướng khắc nghiệt hơn, nắng nóng kéo dài, liên tục và nhiều tháng không có mưa khiến lượng nước ngọt sông Gianh sụt giảm. Nước biển đã xâm nhập tăng lên từng ngày, đỉnh điểm năm 2020, nước mặn đã lên đến đoạn sông qua xã Đức Hóa. Việc mặn xâm nhập sâu đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân hai bên bờ sông Gianh.

Xã Châu Hóa là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sự xâm nhập mặn trên sông Gianh. Được biết, xã Châu Hóa có 80% diện tích đất trồng lúa được cung cấp nước từ sông Gianh. Xâm nhập mặn xuất hiện từ lâu, nhưng trước đây địa phương vẫn có thể điều tiết để bơm nước sản xuất, không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, tình trạng này ngày càng nặng nề và liên tục, địa phương không thể khắc phục. Từ đầu tháng 3-2021, thời điểm lúa bắt đầu trổ bông thì xã phải ngừng bơm nước vì đã có hiện tượng nhiễm mặn. Riêng vụ hè-thu 3 năm qua, xâm nhập mặn liên tục khiến trạm bơm không thể hoạt động, vụ hè-thu không có nước tưới nên 80% diện tích lúa của địa phương bị mất mùa.

Quảng Bình: Nỗi lo xâm nhập mặn trên sông Gianh - Ảnh 1.

Nguồn nước trên sông Gianh bị nhiễm mặn đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của người dân nuôi cá lồng nơi đây

Nước sông Gianh bị nhiễm mặn cũng ảnh hưởng lớn đến việc nuôi cá lồng trên sông của các hộ dân xã Tiến Hóa, Châu Hóa và Mai Hóa. Mặc dù địa phương đã khuyến cáo người dân theo dõi độ mặn của nước sông thường xuyên để di dời lồng cá lên các xã vùng trên nhưng việc di dời gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Văn Lý, thôn Thanh Châu (Châu Hóa), một người nuôi cá lồng cho biết: "Khi cá lồng bị nhiễm độ mặn cao thì sẽ có hiện tượng lờ đờ, nổi lên mặt nước, nổ mắt và sau vài tiếng thì cá bị chết. Đỉnh điểm năm 2019, do không di dời kịp nên cá của nhiều hộ dân thôn Thanh Châu chết hàng loạt. Hiện chúng tôi túc trực đo độ mặn thường xuyên nên đã chủ động được nhưng con cá khi ở trong môi trường nhiễm mặn thường bị đuối sức nên chậm phát triển. Mặt khác, việc di dời gặp nhiều khó khăn trong việc cho cá ăn và canh giữ, nếu không có biện pháp bền vững thì về lâu dài chúng tôi chắc không thể trụ nổi với nghề!".

Không chỉ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, xâm nhập mặn còn gây thiếu nước sinh hoạt của người dân xã Mai Hóa. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mai Hóa cho hay: "Nguồn nước sinh hoạt của người dân xã Mai Hóa được lấy từ sông Rào Trổ (một nhánh sông từ Hà Tĩnh đổ về sông Gianh). Từ năm 2019, trạm bơm được bàn giao cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh vận hành và cung cấp nước sinh hoạt cho 90% hộ dân ở xã Mai Hóa. Từ khi được bàn giao, nguồn nước cung cấp cho người dân nơi đây tương đối ổn định. Tuy nhiên, năm 2020, đỉnh điểm vào tháng 6,7,8, nước mặn xâm nhập lên đến trạm bơm nước của địa phương, độ mặn vượt mức giới hạn quy chuẩn, gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân nơi đây".

Mặc dù trung tâm đã triển khai 2 điểm cấp nước miễn phí nhưng vẫn không thể cung cấp đủ cho toàn bộ người dân toàn xã. Chị Hà Thị Hồng, thôn Tân Hóa chia sẻ: "Dù có điểm cấp nước miễn phí nhưng do xa quá nên chúng tôi không thể lấy về sử dụng,  phần lớn người dân thôn Tân Hóa phải đi mua nước rất tốn kém. Cứ một bình 20 lít có giá 5.000 đồng, mỗi ngày tiết kiệm lắm dùng hết 2 bình để ăn và uống, còn nước sinh hoạt thì phải dùng nước khe suối và nước có độ mặn nhẹ được bơm dự trữ trong bể".

Thời gian qua, xã Châu Hóa cũng đã linh động thực hiện giải pháp để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn, như: theo dõi độ mặn của sông để điều tiết bơm nước về đồng cho người dân sản xuất đúng thời vụ; chuyển đổi cây trồng phù hợp trên đất lúa trong vụ hè-thu; khuyến cáo người dân theo dõi độ mặn của nước sông để di dời lồng cá lên các xã vùng trên để tránh thiệt hại… 

Về vấn đề cấp nước sinh hoạt cho người dân, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình Nguyễn Trường Giang cho biết; "Việc xâm nhập mặn tới trạm bơm xã Mai Hóa đã xuất hiện nhiều năm nay nhưng đang ở ngưỡng cho phép, thời gian ngắn, nên trạm lựa chọn thời điểm nước sông nhiễm mặn thấp để lọc nước cung cấp cho người dân sinh hoạt. Riêng năm 2020, đợt cao điểm nặng hạn kéo dài, nên trạm vận hành phải ngừng cấp nước hoàn toàn vì độ mặn vượt giới hạn quy chuẩn. Trung tâm đã triển khai 2 điểm cấp nước miễn phí, cùng với đó, luân phiên mở tuyến nước sạch tại trạm bơm xã Tiến Hóa để cấp nước cho bà con một số thôn giáp ranh. Tuy nhiên, tình hình thời tiết vẫn diễn ra phức tạp, thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu, tìm giải pháp bền vững để chủ động nguồn nước sinh hoạt, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra".

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất, chủ động chuyển đổi cây trồng thích hợp trên vùng đất bị hạn. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động kiểm tra, cân đối nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, ao, đầm, sông, suối để chủ động bố trí cơ cấu sản xuất.