Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Ninh: Người dân được cung cấp nhiều dịch vụ công tác xã hội

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Theo ông Trương Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh, thời gian qua, trung tâm triển khai nhiều hoạt động, cung cấp dịch vụ công tác xã hội, góp phần chăm lo đời sống người dân.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 195 nghìn đối tượng yếu thế, bao gồm người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Do đó, nhu cầu cần được cung cấp các dịch vụ công tác xã hội nhằm giảm thiểu những khó khăn, rào cản và sự bất bình đẳng trong xã hội là rất lớn. 

Một trong số các mô hình, hoạt động được đánh giá có hiệu quả và triển khai từ năm 2013 đó là xây dựng và vận hành tổng đài tư vấn miễn phí 18001769. Đến nay, tổng đài đã thực sự trở thành kênh tư vấn, trợ giúp, cung cấp thông tin hữu ích cho những người dân, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Trung bình hàng năm có khoảng 2.000 cuộc gọi qua tổng đài đề nghị được giải đáp các nội dung liên quan đến chính sách xã hội và tư vấn khủng hoảng tâm lý, giới thiệu, kết nối các dịch vụ về phòng chống bạo lực gia đình... 

congtacXH_Dansinh.jpg
Trong mỗi dịp hè, trung tâm tổ chức các lớp kỹ năng sống cho trẻ em (từ 7-15 tuổi).

Bên cạnh đó, các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng được trung tâm triển khai mạnh mẽ, như: hoạt động sàng lọc, tư vấn và trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ rối nhiễu tâm trí (miễn phí). Riêng 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm đã sàng lọc, đánh giá đối với 28 trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm trí; tổng số ca trị liệu tại trung tâm là 712 ca. Hầu hết những trẻ được can thiệp đều có những tiến triển nhất định, có mức độ phát triển bình thường và dần trở về với tuổi thực của mình. 

Trong mỗi dịp hè, trung tâm tổ chức các lớp kỹ năng sống cho trẻ em (từ 7-15 tuổi) như: kỹ năng giao tiếp, ứng xử và làm chủ cảm xúc, chăm sóc sức khỏe tâm thần; kỹ năng tôn trọng cơ thể, chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì, phòng tránh bạo lực, xâm hại tình dục và bắt cóc; kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn; kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích... 

Mục tiêu là trang bị cho trẻ em kiến thức, những kỹ năng phù hợp, từ đó hình thành cho trẻ có hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; tạo cơ hội cho trẻ phát triển trí tuệ, cảm xúc, khả năng tư duy, tăng cường sự tự tin, góp phần phát triển toàn diện cho trẻ; giúp trẻ làm chủ bản thân, dễ dàng thích nghi, có khả năng xử trí, ứng xử phù hợp, ứng phó tích cực với các tình huống có thể xảy ra tại gia đình và cộng đồng. 

Trung tâm cũng đã phối hợp với tại xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) và xã Hồng Thái Tây (thị xã Đông Triều) thí điểm thành lập 2 câu lạc bộ “Gia đình chăm sóc, nuôi dạy con tốt”.  Qua đó, bảo đảm cho trẻ em đến đủ 8 tuổi trên địa bàn được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc theo độ tuổi và nhu cầu của trẻ. 

Năm 2024, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh phối hợp với Viện Lãnh đạo học và Chính sách công - Học viện Chính trị quốc gia TPHCM triển khai “Mô hình hỗ trợ phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật vận động, khiếm thị và khiếm thính tỉnh Quảng Ninh” tại trung tâm. 

Đã có 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực về học nghề và thực hành nghề đã được triển khai với sự tham gia của 30 người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật. Thêm một điểm sáng trong cung cấp dịch vụ công tác xã hội và công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới tại Quảng Ninh, đó là việc thành lập và vận hành Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái (ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh). 

Tại đây, cung cấp các dịch vụ thiết yếu sẽ miễn phí 24/7 cho các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, “ngôi nhà Ánh Dương” cũng hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm, … cho các nạn nhân. Các dịch vụ được cung cấp dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng và được bảo mật về thông tin.

Song song với đó, trung tâm còn thực hiện các hoạt động tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về các lĩnh vực: công tác xã hội, phòng chống mua bán người; phòng chống xâm hại... cho trẻ em nói riêng, cũng như cộng đồng dân cư nói chung.  

“100% các trường hợp đối tượng và gia đình đối tượng yếu thế có nhu cầu hoặc trường hợp khẩn cấp, được trung tâm can thiệp, trợ giúp, tư vấn, hỗ trợ giải quyết và được kết nối với các dịch vụ hỗ trợ một cách thiết thực, hiệu quả”, ông Trương Mạnh Hùng nhấn mạnh.