Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Ninh: Nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh phối hợp cơ quan liên quan nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, góp phần giảm thiểu tình trạng mua bán người qua biên giới.

Theo thông tin của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đến các cấp, ngành và cộng đồng dân cư, đảm bảo chỉ tiêu 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người đã được chuyển tải kịp thời.

Toàn tỉnh đã cấp phát 2.506 cuốn sổ tay Hỏi - Đáp chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người cho cán bộ Phòng LĐ-TB&XH, cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu, trưởng thôn khu, tổ chức đoàn thể, cộng tác viên công tác xã hội, người có uy tín ở cộng đồng và người dân có nguy cơ cao của 34 xã miền núi, biên giới các huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu.

anh PC mua ban nguoi QN_ky3_DSinh.jpg
Tổ truyền thông cộng đồng thôn 3 (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) sinh hoạt về chủ đề phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới (Ảnh: Hoàng Giang).

Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cũng đã chủ trì tổ chức 52 lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống tệ nạn xã hội, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho các bộ cấp cơ sở, gồm 28 lớp tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho 2.056 cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc 3 Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện và 28 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ.

Sở cũng tổ chức 6 hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng ngừa nguy cơ bị mua bán người, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người và kỹ năng tư vấn phòng ngừa nguy cơ nghiện ma túy cho 450 đại biểu là trưởng thôn, khu, tổ chức đoàn thể và cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng đóng trên địa bàn 6 xã, thị trấn khu vực biên giới thuộc địa bàn huyện Hải Hà, Bình Liêu.

18 lớp tập huấn trang bị kỹ năng phòng ngừa tội phạm mua bán người, kết hợp tuyên truyền, tư vấn dịch vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được tổ chức tại 18 xã, phường trên địa bàn thành phố Hạ Long với trên 1.500 đại biểu tham dự. 

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cũng được Sở LĐ-TBXH và các địa phương triển khai kịp thời.

Tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp tục duy trì duy trì Tổng đài tư vấn miễn phí 18001769, trực 24/24 để tiếp nhận các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp như: nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, thông tin về nạn nhân bị mua bán. Bố trí 10 phòng tạm lánh của Trung tâm và hệ thống cơ sở vật chất của Ngôi nhà Ánh Dương để tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp và các nạn nhân bị mua bán.

Trung tâm cũng duy trì hoạt động của Hội đồng tư vấn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân yếu thế, trong đó có nạn nhân bị mua bán với sự tham gia của 8 Sở, ngành để cung cấp các dịch vụ như: tư vấn tâm lý, y tế, trợ giúp pháp lý, việc làm, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, kết nối nguồn lực, tìm kiếm địa chỉ, nơi cư trú… cho nạn nhân bị mua bán.

Tại Cơ sở Bảo trợ chăm sóc Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, đang chăm sóc 3 trẻ em bị mua bán trở về, đảm bảo được học tập, phát triển khả năng của bản thân và tham gia các hoạt động trong cơ sở cũng như ở nhà trường - nơi các cháu đang theo học.

Phòng Lao động-TB&XH các địa phương đã chủ động rà soát, phát hiện, tích hợp các nguồn lực để tuyên truyền nhận biết các nguy cơ, phòng ngừa cảnh giác với tội phạm mua bán người. Đối với các địa phương thuộc tuyến biên giới đã chủ động phối hợp với các đồn biên phòng, công an địa phương trong việc tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nơi cư trú.

Tháng 5/2024, Công an xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà phối hợp với Công an quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng xác minh 1 trường hợp nghi là nạn nhân bị mua bán người. 

Sở LĐ-TB&XH cũng tiếp tục duy trì hoạt động 5 CLB phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân thuộc mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” tại 5 phường trên địa bàn thành phố Hạ Long; ban hành Quyết định kiện toàn thành viên câu lạc bộ; hướng dẫn các câu lạc bộ xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động; duy trì sinh hoạt hằng tháng của Câu lạc bộ thuộc mô hình, trong đó quan tâm đến công tác rà soát, phát hiện nạn nhân và người có nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán để vận động tham gia hoạt động của câu lạc bộ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu trở thành nạn nhân mua bán người.

Định kỳ hàng quý, cán bộ được phân công theo dõi mô hình của Sở trực tiếp tham dự sinh hoạt, hỗ trợ kỹ thuật đối với các hoạt động của mô hình, hướng dẫn các CLB xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hằng tháng, trong đó quan tâm đến công tác rà soát, phát hiện nạn nhân và người có nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán để vận động tham gia hoạt động của CLB nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu trở thành nạn nhân mua bán người. 

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác hỗ trợ nạn nhân. Hiện nay, Sở đang phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Các hoạt động giai đoạn hai của Dự án dự kiến tập trung vào công tác tập huấn nâng cao năng lực, truyền thông và hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới, trong đó có nạn nhân mua bán người.

Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết sẽ chủ động phối hợp cùng các cơ quan liên quan kịp thời nắm bắt tình hình nạn nhân bị mua bán trở về để hỗ trợ kịp thời; chú trọng lồng ghép tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống mua bán người, các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, nhất là đối với cộng đồng dân cư vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số và các nhóm có nguy cơ cao.

Tin liên quan