Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Ninh: Phát triển hệ thống văn phòng CTXH góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 32

Truyền thông nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội tại Quảng Ninh.


Triển khai hệ thống văn phòng CTXH trong tỉnh

Quảng Ninh được biết đến là một trong những tỉnh phát triển nghề CTXH sớm trong cả nước. Đến nay, mạng lưới cộng tác viên CTXH đã bao phủ rộng khắp toàn tỉnh. Từ năm 2012, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã thành lập mạng lưới trợ giúp thông qua hệ thống văn phòng CTXH tại các huyện, thị xã, thành phố.

Sau 8 năm thực hiện, Quảng Ninh có 16 văn phòng CTXH các cấp, bao gồm 4 Văn phòng CTXH cấp huyện (gồm thành phố Móng Cái, Hạ Long, huyện Tiên Yên và thị xã Quảng Yên); 8 Văn phòng CTXH cấp xã/phường tại xã Hải Đông (thành phố Móng Cái); phường Cao Thắng, Bãi Cháy, Đại Yên (thành phố Hạ Long); xã Đông Ngũ, Yên Than (huyện Tiên Yên); xã Liên Hòa, phường Hà An (thị xã Quảng Yên); và 4 Văn phòng CTXH tại Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, THCS Việt Hưng (thành phố Hạ Long); Trường THCS thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên); Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị xã Quảng Yên).

Sự ra đời của các Văn phòng CTXH không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ CTXH ngay tại cộng đồng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, mà còn góp phần giảm tải cho các đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH tuyến tỉnh, giúp nhà trường làm tốt hơn công tác dạy và học.

Đội ngũ cán bộ nhân viên tại hệ thống văn phòng CTXH tỉnh Quảng Ninh có trình độ chuyên môn cao, tận tâm và yêu nghề. Đối với cấp huyện là các cán bộ làm việc kiêm nhiệm tại phòng LĐTBXH. Đối với cấp xã có sự tham gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch UBND các xã, phường, hiệu trưởng hoặc giáo viên các trường học... Do đó, việc triển khai các hoạt động trợ giúp xã hội những năm qua đã mang lại những kết quả tích cực.

Truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về CTXH

Các văn phòng CTXH đã tổ chức trên 40 hội nghị tuyên truyền về nghề CTXH; cung cấp thông tin về Trung tâm CTXH và hệ thống văn phòng CTXH cũng như các chế độ, chính sách dành cho các đối tượng yếu thế với trên 3.200 lượt người tham dự. Cấp phát trên 3.000 tờ rơi cung cấp kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, xâm hại, ngược đãi, bạo lực; hướng dẫn người khuyết tật, nạn nhân bom mìn đăng ký thông tin và sử dụng phần mềm quản lý người khuyết tật và nạn nhân bom mìn.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được lồng ghép với các hoạt động của tổ chức đoàn thể của địa phương, phát huy vai trò của hệ thống loa phát thanh cấp xã/phường, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp các đối tượng yếu thế biết và tiếp cận với thông tin, các dịch vụ CTXH nhanh chóng, kịp thời.
 



Cán bộ TT CTXH Quảng Ninh trợ giúp các đối tượng yếu thế tại cộng đồng.

 
Hoạt động tư vấn, trợ giúp xã hội

Hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho người dân được thực hiện thông qua tổng đài 18001769 và tư vấn trực tiếp tại hệ thống Văn phòng CTXH, Trung tâm CTXH tỉnh.

Tổng đài 18001769 được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013, đã tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi mỗi năm với nội dung thông tin liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đội ngũ tư vấn viên của Tổng đài tốt nghiệp các chuyên ngành khác nhau như tâm lý, CTXH, luật..., có trình độ chuyên môn và không ngừng nâng cao kiến thức, hiểu biết để đáp ứng việc cung cấp thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác những thắc mắc của người dân; đảm bảo thái độ tôn trọng, nguyên tắc bảo mật thông tin cho các khách hàng.

Để nâng cao chất lượng tư vấn của Tổng đài, Trung tâm CTXH đã thành lập Hội đồng tư vấn, gồm các chuyên gia đang công tác ở các lĩnh vực: giáo dục, y tế, pháp luật, tâm lý… thuộc các sở, ngành của tỉnh. Tổng đài tư vấn vẫn duy trì hoạt động trực 24/24h cả ngày lễ, tết để đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Tổng đài tư vấn 18001769 đã tiếp nhận và tư vấn 873 cuộc, trong đó có 95 cuộc liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, 49 cuộc về chính sách BTXH, pháp luật, 99 cuộc liên quan đến vấn đề tâm lý, 12 cuộc liên quan đến HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục, 250 cuộc yêu cầu cung cấp thông tin, 368 cuộc liên quan đến các vấn đề khác và cuộc gọi nhiễu.

Trong năm 2019, hệ thống văn phòng CTXH các cấp đã thực hiện tư vấn trực tiếp cho 750 trường hợp chủ yếu liên quan đến việc cung cấp thông tin và hướng dẫn trình tự thủ tục hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của trung ương và của tỉnh. Tại đây, các đối tượng và người dân được các nhân viên tư vấn nhanh chóng, hiệu quả, kết nối trực tiếp với các phòng ban liên quan hoặc cán bộ có thẩm quyền giải quyết, giúp đỡ đối tượng.

Phát triển nghề CTXH dựa vào cộng đồng, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng không ngừng tổ chức, triển khai các hoạt động tư vấn, quản lý trường hợp đối với đối tượng yếu thế tại cộng đồng.

6 tháng đầu năm 2020, các hoạt động tại cộng đồng bị ảnh hưởng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã tiếp nhận và tư vấn 21 trường hợp, trong đó có 19 trường hợp liên quan đến vấn đề rối nhiễu tâm trí ở trẻ em, 1 trường hợp học sinh gặp phải vấn đề khủng hoảng tâm lý và 1 trường hợp bị bạo hành gia đình.

Hiện nay, các văn phòng CTXH vẫn chưa có văn phòng làm việc riêng biệt (các văn phòng CTXH bố trí phòng làm việc ngay trong Phòng LĐ-XH không thuận tiện cho việc hỗ trợ người dân đến tư vấn và sử dụng dịch vụ CTXH); Phần lớn nhân lực làm việc tại hệ thống Văn phòng CTXH là cán bộ kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của hệ thống; Nguồn kinh phí hàng năm tỉnh cấp cho các văn phòng CTXH còn hạn chế. Tuy nhiên, hệ thống văn phòng CTXH đã không ngừng nỗ lực trong việc hỗ trợ tích cực các cá nhân, nhóm và cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề có tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh.

Thanh Huyền - Ảnh: Xuân Huy (TT CTXH Quảng Ninh)/GĐ&TE

Tin liên quan